Bộ Tư pháp: Triển khai sâu rộng Phong trào 'Bình dân học vụ số'
Nhằm nâng cao nhận thức và hành động của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, đội ngũ công chức, viên chức, người lao động trong bộ, ngành tư pháp về vai trò, ý nghĩa của chuyển đổi số, Bộ Tư pháp vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Phong trào 'Bình dân học vụ số'.
Kế hoạch nhằm triển khai sâu rộng Phong trào “Bình dân học vụ số” tại Bộ Tư pháp để phổ cập tri thức cơ bản về chuyển đổi số, kỹ năng số cho công chức, viên chức, người lao động; góp phần nâng cao nhận thức, hình thành thói quen, kỹ năng ứng dụng công nghệ số trong công việc và đời sống; thúc đẩy quá trình chuyển đổi số toàn diện, đồng bộ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể và động lực của chuyển đổi số; bảo đảm nguyên tắc “không ai bị bỏ lại phía sau” trong tiến trình chuyển đổi số của Bộ, ngành tư pháp.
Kế hoạch đặt mục tiêu đến năm 2026, 100% công chức, viên chức và người lao động thuộc Bộ Tư pháp có hiểu biết về chuyển đổi số, kiến thức và kỹ năng số; sử dụng tốt các nền tảng, dịch vụ số phục vụ công việc; 80% công chức, viên chức và người lao động thuộc Bộ Tư pháp tham gia các khóa đào tạo được Bộ phát động trên Nền tảng học trực tuyến “Bình dân học vụ số”.

Cán bộ tư pháp làm thủ tục trực tuyến cho người dân. (Ảnh: TL)
Để đạt mục tiêu trên, Bộ Tư pháp tập trung triển khai Nền tảng học trực tuyến “Bình dân học vụ số”. Theo đó, triển khai phối hợp các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ Công an và các đơn vị liên quan triển khai các chương trình đào tạo trên Nền tảng học trực tuyến “Bình dân học vụ số”; tiếp tục triển khai nền tảng học trực tuyến mở (MOOCs) để đào tạo, bồi dưỡng, phổ cập kiến thức về chuyển đổi số, kỹ năng số cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc bộ, ngành tư pháp; tổ chức các lớp tập huấn để cập nhật, nâng cao trình độ về chuyển đổi số, kỹ năng số cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong bộ, ngành, phù hợp với tiến trình chuyển đổi số của cơ quan, đơn vị.
Cùng với đó, xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình phổ cập kiến thức, kỹ năng số; lồng ghép nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật vào phong trào “học tập số”; xây dựng bộ tài liệu truyền thông (infographic, video clip, tài liệu hỏi đáp) về chuyển đổi số và “Bình dân học vụ số” để phục vụ công tác phổ biến kiến thức pháp luật và kỹ năng số một cách sinh động, dễ hiểu, tiếp cận rộng rãi mọi đối tượng; đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền…