Bộ Tứ tập trung vào cơ sở hạ tầng nhằm đối phó với Trung Quốc
Cuộc họp trực tiếp giữa các thành viên Bộ Tứ vào mùa thu dự kiến tập trung vào vấn đề cơ sở hạ tầng trong bối cảnh thách thức từ Trung Quốc gia tăng trong khu vực.
Điều phối viên chính sách của Tổng thống Mỹ Joe Biden, ông Kurt Campbell, cho biết Mỹ đang tìm cách tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh trực tiếp giữa lãnh đạo các thành viên Bộ Tứ - bao gồm Australia, Ấn Độ và Nhật Bản - vào mùa thu.
Trọng tâm cuộc gặp sẽ là về cơ sở hạ tầng trong bối cảnh thách thức từ Trung Quốc gia tăng trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, theo Reuters.
Trong sự kiện trực tuyến được tổ chức bởi Trung tâm Nghiên cứu Shorenstein Châu Á - Thái Bình Dương của Đại học Stanford diễn ra ngày 27/5, ông Campbell cho biết Bộ Tứ luôn hoan nghênh sự tham gia của các quốc gia khác.
“Nếu các quốc gia khác tin rằng họ muốn tham gia và làm việc cùng chúng tôi, cánh cửa sẽ luôn rộng mở khi mà chúng ta cùng tiến lên”, ông nói.
Ngoài ra, ông Campbell cũng nhấn mạnh chiến lược của Mỹ tại khu vực châu Á vẫn tiếp tục duy trì nhưng đang gặp khó khăn khi phải đối mặt với sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Theo ông, điều quan trọng là phải có “tầm nhìn kinh tế tích cực về những gì Mỹ muốn đóng góp, những gì Mỹ muốn tham gia ở châu Á”. Đồng thời, ông cũng bày tỏ tham vọng vào Bộ Tứ khi thực thi chiến lược này.
Trước đó, Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến giữa các nhà lãnh đạo của Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia diễn ra vào ngày 12/3 là bước quan trọng nhằm củng cố quan hệ đối tác giữa các nước đối trọng với Trung Quốc. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo cũng cam kết thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở trước những thách thức từ Bắc Kinh.
Tổng thống Biden - người vừa công bố kế hoạch chi tiêu trị giá hơn 2.000 tỷ USD hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng của Mỹ - cho biết vào tháng 3, ông đã trao đổi cùng Thủ tướng Anh Boris Johnson về ý tưởng hợp tác đầu tư cơ sở hạ tầng để cạnh tranh với Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc.
BRI là một kế hoạch cơ sở hạ tầng trị giá hàng nghìn tỷ USD do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố vào năm 2013. Trung Quốc tham vọng BRI sẽ là một công cụ để mở rộng sức ảnh hưởng kinh tế và chính trị.