'Bộ tứ trụ cột' giúp đất nước cất cánh

Quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định 'bộ tứ trụ cột' sẽ giúp Việt Nam cất cánh.

Tổng Bí thư Tô Lâm: "bộ tứ trụ cột" sẽ giúp Việt Nam cất cánh.

Tổng Bí thư Tô Lâm: "bộ tứ trụ cột" sẽ giúp Việt Nam cất cánh.

Tổng Bí thư Tô Lâm: "bộ tứ trụ cột" sẽ giúp Việt Nam cất cánh

Phát biểu tại hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, những đổi mới, cải cách mà chúng ta đang triển khai không chỉ là yêu cầu khách quan của phát triển mà còn là mệnh lệnh từ tương lai của dân tộc.

Những đổi mới, cải cách tập trung vào bốn đột phá của Bộ Chính trị:
Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ chính trị về thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Nghị quyết số 59-NQ/TW về chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng.
Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân.
Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới toàn diện công tác xây dựng, thi hành pháp luật.

Mặc dù mỗi nghị quyết tập trung vào một lĩnh vực trọng yếu nhưng có liên kết chặt chẽ, bổ sung và thúc đẩy lẫn nhau trong quá trình quán triệt và tổ chức thực hiện, cùng tạo nên một chỉnh thể thống nhất về tư duy và hành động chiến lược cho sự phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và cùng thống nhất mục tiêu: xây dựng nền tảng vững chắc để Việt Nam phát triển nhanh, bền vững và trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.

Nhấn mạnh những năm qua, đất nước đã đạt được những thành tựu toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực nhưng cũng đang đối mặt với những thách thức lớn, Tổng Bí thư nêu rõ, chỉ có cải cách quyết liệt, bền bỉ và hiệu quả mới giúp đất nước vượt qua thách thức, nắm bắt thời cơ và hiện thực hóa khát vọng phát triển nhanh, bền vững trong thời kỳ mới; phải dám nghĩ lớn, hành động lớn, thực hiện những cải cách lớn với quyết tâm chính trị cao nhất và nỗ lực bền bỉ nhất.

Tổng Bí thư đề nghị toàn Đảng, toàn dân, toàn quân quán triệt rõ tinh thần: Phát triển kinh tế tư nhân trở thành “một động lực quan trọng nhất” của nền kinh tế quốc gia. Doanh nhân Việt Nam là “chiến sĩ trên mặt trận kinh tế” trong thời kỳ mới, không chỉ góp phần làm giàu cho bản thân mà còn thực hiện sứ mệnh cao cả, đó là dựng xây đất nước hùng cường và thịnh vượng. Tạo đột phá thực sự về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, coi đây nền tảng phát triển và lực đẩy chủ yếu cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong kỷ nguyên mới. Đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

Đây là yếu tố sống còn, quyết định sự thành công của quá trình vươn mình của dân tộc; là nền tảng vững chắc để bảo vệ quyền con người, quyền công dân và là đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Xây dựng pháp luật phải đi trước một bước, bảo đảm tính dự báo cao, phù hợp thực tiễn và yêu cầu của sự phát triển nhanh chóng. Trong đó, phân cấp, phân quyền rõ ràng, gắn với trách nhiệm giải trình, xóa bỏ cơ chế “xin-cho”, triệt tiêu các lợi ích cục bộ và đặc quyền nhóm. Hội nhập quốc tế của đất nước là động lực chiến lược để Việt Nam vững bước vào kỷ nguyên mới.

Đây là sự nghiệp của toàn dân tộc, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, toàn diện của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, làm chủ thể sáng tạo. Trong đó, phải xây dựng đội ngũ cán bộ hội nhập quốc tế vững mạnh. Đó là cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, chuyên môn sâu rộng, khả năng thích ứng linh hoạt với môi trường toàn cầu và kỹ năng phối hợp liên ngành, đáp ứng yêu cầu hội nhập ngày càng sâu rộng, phức tạp.

Tổng Bí thư lưu ý, điểm đột phá chung của cả bốn nghị quyết là tư duy phát triển mới: từ “quản lý” sang “phục vụ”, từ “bảo hộ” sang “cạnh tranh sáng tạo”, từ “hội nhập bị động” sang “hội nhập chủ động”, từ “cải cách phân tán” sang “đột phá toàn diện, đồng bộ và sâu sắc”. Đây là bước chuyển tư duy căn bản, kế thừa thành tựu đổi mới 40 năm qua và phù hợp với xu thế toàn cầu trong kỷ nguyên số.

Về tổ chức thực hiện, tất cả các nghị quyết đều nhấn mạnh vai trò lãnh đạo thống nhất của Đảng, sự vào cuộc đồng bộ, sáng tạo của cả hệ thống chính trị, cùng sự tham gia thực chất của doanh nghiệp, người dân và giới trí thức. Các trục triển khai như thi hành pháp luật, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế tư nhân và hội nhập quốc tế đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ, kiểm tra, giám sát thường xuyên và đánh giá hiệu quả.

Tại hội nghị, Tổng Bí thư cũng đã nêu rõ những nhiệm vụ trọng tâm trong 5 năm tới (2025–2030) và những nhiệm vụ cấp bách trong năm 2025 - năm bản lề mở ra kỷ nguyên mới, đồng thời yêu cầu cần triển khai các nhiệm vụ một cách nhanh chóng, bài bản, thực chất, lấy hiệu quả thực tế làm tiêu chí đánh giá, bởi nếu không bắt kịp nhịp độ cải cách, không tạo đột phá ngay từ bây giờ sẽ lỡ mất cơ hội vàng và tụt lại trong cuộc đua toàn cầu.

Trong đó, Tổng Bí thư nhấn mạnh, phải nhanh chóng hoàn thiện và ban hành các chương trình, kế hoạch hành động quốc gia thực hiện 4 nghị quyết, bảo đảm gắn kết chặt chẽ, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, lộ trình và phân công cụ thể; đồng thời, lập bộ chỉ số theo dõi, đánh giá định kỳ. Khẩn trương rà soát toàn diện hệ thống pháp luật, triển khai sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ các quy định bất cập theo tinh thần Nghị quyết 66-NQ/TW. Ưu tiên sửa đổi các quy định liên quan đến quyền sở hữu tài sản, tự do kinh doanh, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế; nghiên cứu ban hành Luật Phát triển kinh tế tư nhân.

Khởi động ngay các chương trình trọng điểm về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; phê duyệt, triển khai các chương trình quốc gia; hình thành thêm các trung tâm đổi mới sáng tạo mới; xây dựng khung pháp lý cho mô hình sandbox. Thực hiện đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh: cắt giảm ít nhất 30% thủ tục hành chính, số hóa dịch vụ công, hỗ trợ vốn, công nghệ, chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; xây dựng đề án phát triển tập đoàn tư nhân lớn. Kiện toàn bộ máy lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp thực hiện các nghị quyết; thành lập các Ban chỉ đạo chuyên trách cấp Trung ương và cấp tỉnh; bảo đảm cơ chế chỉ đạo thống nhất, kiểm tra, giám sát thường xuyên. Tạo đồng thuận xã hội thông qua việc xây dựng các chương trình truyền thông quốc gia về từng nghị quyết; tăng cường đối thoại chính sách giữa Chính phủ, doanh nghiệp, người dân và giới trí thức, huy động trí tuệ xã hội cho quá trình triển khai…

Tổng Bí thư quán triệt, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình; chủ động, sáng tạo, đoàn kết thi đua yêu nước, quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh và nâng cao đời sống nhân dân, làm cho nhân dân có đời sống thực sự ngày một tốt hơn.

Mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân Việt Nam phải trở thành chiến sĩ tiên phong trên mặt trận phát triển đất nước. Trước nhân dân cả nước, chúng ta cam kết thực hiện mạnh mẽ các mục tiêu đã đề ra, bằng tinh thần đổi mới tư duy, hành động quyết liệt, kiên trì và sáng tạo vì một Việt Nam giàu mạnh, phồn vinh, hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu vào năm 2045.

CDKH

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/bo-tu-tru-cot-giup-dat-nuoc-cat-canh-179250518160952438.htm