Bộ Tứ và cuộc tập trận lịch sử
Ngày 20-10, Bộ Quốc phòng Ấn Độ ra thông báo về cuộc tập trận ba bên Malabar 2020 giữa quân đội nước này với lực lượng của nước Mỹ và Nhật Bản, trong đó cho biết sự kiện năm nay còn có sự tham gia của Australia. Các cuộc tập trận sắp tới sẽ diễn ra vào tháng 11 ở Ấn Độ Dương.
Sự tham gia đúng thời điểm
Quyết định bổ sung Australia tham gia Malabar sẽ khiến cuộc tập trận này lần đầu tiên bao gồm đủ các thành viên Đối thoại An ninh Tứ giác, hay còn gọi là Bộ tứ, từ khi nhóm này tái hợp vào tháng 11-2017 sau một thập niên gián đoạn. Lần cuối cùng Hải quân Hoàng gia Australia tham gia Malabar là vào tháng 9-2007, giai đoạn có cả một nhóm sĩ quan Singapore. Cuộc tập trận khi đó diễn ra cùng thời điểm với lần triệu tập ban đầu của Bộ tứ và sau đó phải tạm thời giải tán do sự phản đối từ Trung Quốc.
Việc Australia quay trở lại Malabar chắc chắn sẽ được nhìn nhận là tín hiệu ngày càng rõ nét về sự nghiêm túc của các thành viên Bộ tứ khi họ tái triệu tập. Điều này diễn ra ở thời điểm căng thẳng giữa Trung Quốc với cả Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia đều leo thang.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Australia ra thông cáo lưu ý rằng việc Canberra có mặt trong cuộc tập trận Malabar lần này đánh dấu “cơ hội mang tính cột mốc cho Lực lượng Phòng vệ Australia”. Bộ trưởng Quốc phòng Australia Linda Reynolds khẳng định “các cuộc tập trận cấp cao như Malabar là chìa khóa để nâng cao năng lực hàng hải cho Australia, xây dựng khả năng tương tác với các đối tác gần gũi và cũng là để thể hiện quyết tâm chung nhằm ủng hộ một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng mở và thịnh vượng”.
Việc Australia trở lại Malabar nhấn mạnh chương trình nghị sự mở rộng của Bộ tứ trong giai đoạn sau năm 2017 và chắc chắn sẽ là điều mà Trung Quốc theo dõi sát sao. Cuộc tập trận năm nay nhiều khả năng sẽ khích lệ những kỳ vọng của Bộ tứ về các mục tiêu trong tương lai. Hơn thế nữa, cuộc tập trận năm nay là cơ hội diễn tập để hải quân 4 nước Bộ tứ phối hợp và tiến hành các hoạt động chung tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Anil Jai Singh, hiện là Phó Chủ tịch Quỹ Hàng hải Ấn Độ cho rằng, việc Australia tham gia cuộc tập trận hải quân Malabar sắp tới không phải là điều gì ngạc nhiên.
Theo ông Singh, việc đưa Australia trở lại là một quyết định đáng hoan nghênh và sẽ phát đi những thông điệp cần thiết. Ông bình luận, trên thực tế, nhiều quốc gia như Pháp, Đức và Anh cũng đã phát triển các chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của mình, cũng như triển khai các lực lượng nhất định tại khu vực. Vì lẽ đó, Malabar nên được nâng lên thành một cuộc tập trận đa phương tại Ấn Độ Dương, tập trung duy trì một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở.
Cùng quan điểm này, cựu phát ngôn viên Hải quân Ấn Độ, Đô đốc DK Sharma cho rằng “lời mời Australia tham gia các cuộc tập trận Malabar thường niên bên cạnh Mỹ và Nhật Bản chưa bao giờ đúng thời điểm đến thế”. Theo ông, sự kiện này sẽ thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và “gián tiếp đánh tiếng tới cường quốc có chủ trương bành trướng trong khu vực, quốc gia không tin tưởng trật tự dựa trên luật pháp tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.
Vì mục tiêu chung
Việc hải quân cả 4 nước Bộ tứ cùng tham gia tập trận là “bước đi đúng đắn và sẽ kiềm chế Trung Quốc tiếp tục tham vọng cùng những hành động mà họ làm ở Biển Đông”. Cựu quan chức này còn nhấn mạnh đây là sự kiện giúp giải quyết những lo ngại chung về các thách thức môi trường và an ninh chiến lược trong lĩnh vực hàng hải ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Nhìn lại sự phát triển của Bộ tứ, hiện 4 nước đã mở rộng đáng kể các mối quan hệ quốc phòng song phương, đồng thời điều phối những quan điểm của họ về những vấn đề khu vực để đại diện cho quan điểm của nhóm. Ấn Độ đã ký kết các thỏa thuận liên quan công tác hậu cần quân sự với tất cả ba thành viên còn lại của nhóm. Vì vậy, cuộc tập trận có sự tham gia của cả 4 thành viên Bộ tứ là một bước phát triển đáng kể trong mạng lưới mối quan hệ ngày càng chằng chịt này của Bộ tứ.
Mặc dù mức độ hợp tác của Bộ tứ ngày càng sâu rộng, tuy nhiên, vẫn có những điều mà nhóm cần xem xét. Thứ nhất, nhóm này chưa thể xác định được định dạng tương lai về mối quan hệ an ninh của nhóm, liệu nhóm sẽ trở thành một tổ chức an ninh “chính quy” hơn và cuối cùng “được thể thức hóa” như Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun hôm 20-10 đã miêu tả kỳ vọng của Mỹ về Nhóm. Thứ hai là nhóm này vẫn tồn tại không chính thức và thứ ba là nhóm này hoạt động linh hoạt như những mong muốn mang tính chiến lược của Ấn Độ đề xuất và dẫn dắt hiện nay.
Như đã được đề cập rất nhiều lần trước đó, Bộ tứ không phải là một liên minh quân sự. Vì vậy, mục tiêu cuối cùng của việc Bộ tứ là gây ra sự dao động ở mức độ vừa đủ để có thể tạo ra những tác động răn đe hiệu quả. Đây là nhiệm vụ khó khăn, song đó chính là điều mà một Bộ tứ mạnh mẽ và hiệu quả cần nhắm đến.
Để đạt được mục tiêu của mình, cùng với việc tập trận chung 4 bên, Bộ tứ đang tăng cường hợp tác quân sự bằng nhiều thỏa thuận có giá trị. Đến nay, cả 4 thành viên của bộ tứ đều đã ký kết song phương với nhau về thỏa thuận “Thu nhận và dịch vụ tương hỗ” (ACSA) hoặc thỏa thuận “Hỗ trợ hậu cần” (LEMOA). Hai thỏa thuận này giống nhau, cho phép quân đội của các nước tham gia thỏa thuận có thể tiếp cận căn cứ quân sự của nhau, hỗ trợ tiếp nhiên liệu, chia sẻ hậu cần, vận tải (bao gồm cả vận tải đường không), hệ thống thông tin liên lạc...
Không những vậy, Hiệp định chia sẻ thông tin tình báo quân sự (G-SOMIA) cũng đã được ký kết song phương giữa các nước: Mỹ - Nhật Bản, Mỹ - Ấn Độ, Mỹ - Australia, Nhật Bản - Ấn Độ. Nhật Bản và Australia không có hiệp định song phương tương tự G-SOMIA nhưng liên minh tình báo Ngũ nhãn (gồm Mỹ, Anh, Australia, Canada, New Zealand) lại có thỏa thuận hợp tác tình báo với Nhật Bản. Dựa vào khung hợp tác này, Tokyo và Canberra có thể chia sẻ thông tin tình báo.
Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/bo-tu-va-cuoc-tap-tran-lich-su-617156/