Bộ Văn hóa lên tiếng về cổng sắt tại di tích quốc gia đặc biệt đình Tây Đằng
Bà Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ký công văn số 133 về việc cổng sắt tại di tích quốc gia đặc biệt đình Tây Đằng, thành phố Hà Nội.
Trong công văn số 133 ngày 5/3, Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa nêu đã nhận được công văn số 499 ngày 4/3/2021 của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội về việc thay cổng sắt tại di tích quốc gia đặc biệt đình Tây Đằng, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội.
Cục Di sản Văn hóa đề nghị Sở VHTT Hà Nội làm việc với UBND huyện Ba Vì chỉ đạo cơ quan chức năng hướng dẫn về việc tháo dở đèn (trên hai trụ cổng) cà nghiên cứu sử dụng cổng đình đảm bảo phù hợp và hài hòa với tính chất, giá trị của di tích.
“Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các địa phương trong việc quản lý, bảo vệ các di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh, kết hợp tổ chức tuyên truyền trong nhân dân pháp luật về di sản văn hóa; nâng cao nhận thức và ý thức trong công tác quản lý, bảo vệ di tích”, lãnh đạo Cục nêu.
Trước đó, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội ký văn bản số 499 ngày 4/3 gửi Ủy ban nhân dân huyện Ba Vì. Lãnh đạo Sở nêu nhận được thông tin phản ánh về việc thay cánh cổng sắt tại di tích Quốc gia đặc biệt đình Tây Đằng, thị trấn Tây Đằng không phù hợp với cảnh quan di tích. Đây là chiếc cổng sắt có hoa văn sơn vàng giống cánh cổng nhiều ngôi nhà, biệt thự thường dùng.
Lãnh đạo Sở đề nghị UBND huyện Ba Vì chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra di tích đình Tây Đằng theo nội dung phản ánh và có báo cáo gửi về Sở trước ngày 9/3 để tổng hợp báo cáo UBND Thành phố và Bộ VHTTDL.
Được biết trong 5/3, UBND huyện Ba Vì bước đầu hoàn thành hạ giải hai cánh cổng sắt mới và trả lại nguyên trạng ban đầu. Điều đáng nói cánh cổng cũ cũng có chất liệu bằng sắt đã han gỉ. Một số nhà nghiên cứu đang đề xuất thay cánh cổng với chất liệu và hoa văn phù hợp hơn với di tích này.
Di tich quốc gia đặc biệt đình Tây Đằng được công nhận tại Quyết định số 2383 ngày 9/12/2013. Đình Tây Đằng chứa đựng nhiều giá trị kiến trúc chạm khắc đặc sắc và độc đáo, được xem như bảo tàng nghệ thuật dân gia của thế kỷ XVI. Ngôi đình gần 500 năm tuổi này là một trong số ít công trình được bảo tồn khá nguyên vẹn.