Bộ Văn hóa yêu cầu bảo quản, tránh mất cắp bảo vật quốc gia

Bộ VHTTDL yêu cầu tăng cường công tác bảo vệ, bảo quản, phát huy giá trị bảo vật quốc gia và lập hồ sơ hiện vật đề nghị công nhận bảo vật quốc gia đợt 12.

Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương vừa ký công văn gửi các bộ, ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, UBND các tỉnh, thành phố yêu cầu triển khai nhiều hoạt động nhằm bảo vệ, bảo quản và phát huy có hiệu quả giá trị của bảo vật quốc gia, đồng thời tiếp tục nhận diện và lựa chọn được những hiện vật có giá trị đặc biệt quý hiếm tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học.

Về công tác bảo vệ bảo vật quốc gia, lãnh đạo Bộ VHTTDL đề nghị tổ chức xây dựng, hoàn thiện và kịp thời triển khai phương án bảo vệ đặc biệt đối với từng bảo vật quốc gia, trong đó lưu ý có biện pháp phòng, chống cháy, nổ, trộm cắp, thiên tai và các nguy cơ gây hại khác để bảo đảm tuyệt đối an toàn cho các bảo vật quốc gia.

“Đối với bảo vật quốc gia đang được lưu giữ tại các di tích hoặc thuộc sở hữu tư nhân, phải thường xuyên thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch phối hợp liên ngành giữa cơ quan văn hóa với công an và chính quyền sở tại trong việc bảo vệ, phân định rõ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm chính”, lãnh đạo Bộ nêu.

Bộ 6 bảo vật quốc gia thuộc bộ sưu tập cá nhân An Biên (Hải Phòng) mới được công nhận đầu năm 2023. Ảnh: Nguyễn Hoàn.

Bộ 6 bảo vật quốc gia thuộc bộ sưu tập cá nhân An Biên (Hải Phòng) mới được công nhận đầu năm 2023. Ảnh: Nguyễn Hoàn.

Trường hợp có những diễn biến trong thực tế ảnh hưởng đến công tác bảo vệ tuyệt đối an toàn cho các bảo vật quốc gia, các tổ chức, địa phương cần kịp thời, chủ động báo cáo, thông tin tới cơ quan chủ quản và các cơ quan có liên quan.

Nhằm bảo quản tốt nhất bảo vật quốc gia, Bộ VHTTDL lưu ý ưu tiên đầu tư kinh phí để bảo đảm bảo vật quốc gia được đặt trong chế độ bảo quản đặc biệt. Việc bảo quản bảo vật quốc gia phải được lập thành phương án cụ thể, bảo đảm tính khoa học và tính pháp lý để trình cơ quan chủ quản xem xét, phê duyệt. Quá trình thực hiện bảo quản phải tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc, quy trình, kỹ thuật bảo quản...

Vũ khí thuộc kho vũ khí trường Giảng Võ (bảo tàng Hà Nội) được công nhận bảo vật quốc gia tháng 1/2023.

Vũ khí thuộc kho vũ khí trường Giảng Võ (bảo tàng Hà Nội) được công nhận bảo vật quốc gia tháng 1/2023.

Lãnh đạo Bộ VHTTDL cũng đề nghị xây dựng và triển khai hiệu quả các chương trình riêng, với nội dung hấp dẫn, hình thức đa dạng, dễ phổ biến và tiếp cận để quảng bá giá trị của bảo vật quốc gia tới đông đảo công chúng trong và ngoài nước.

Các tổ chức, địa phương cần báo cáo định kỳ về thực trạng công tác bảo vệ, bảo quản, phát huy giá trị bảo vật quốc gia, kèm theo hình ảnh liên quan, gửi về bộ trước ngày 31/8 hàng năm.

(Nguồn: Tiền Phong)

Nguồn VTC: https://vtc.vn/bo-van-hoa-yeu-cau-bao-quan-tranh-mat-cap-bao-vat-quoc-gia-ar767024.html