Bộ Văn hóa yêu cầu xử lý dứt điểm xâm phạm di tích chùa Vàng

Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đề nghị UBND TP. Hà Nội chỉ đạo xử lý dứt điểm vụ việc di tích chùa Vàng bị xâm phạm.

Ngày 10/1/2022, Bộ VH,TT&DL ban hành Công văn số 63/BVHTTDL-DSVH gửi UBND TP. Hà Nội về việc xử lý xâm phạm di tích quốc gia chùa Vàng (xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội). Công văn do Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương ký.

Di tích Chùa Vàng (xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội)

Di tích Chùa Vàng (xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội)

Tránh gây bức xúc cho nhân dân

Cụ thể, liên quan đến việc xâm phạm khuôn viên, tường bao, cây xanh di tích quốc gia Chùa Vàng (xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội), Bộ đã chỉ đạo cơ quan chức năng (Cục Di sản văn hóa) có văn bản yêu cầu Sở Văn hóa Thể thao TP. Hà Nội kiểm tra tình hình thực tế, đề xuất phương án bảo vệ di tích, xử lý khắc phục việc xâm phạm di tích.

>

Bộ đề nghị UBND TP. Hà Nội chỉ đạo cơ quan chức năng và chính quyền địa phương xử lý dứt điểm vụ việc, nhằm đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về di sản văn hóa và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Đồng thời, thông báo kết quả giải quyết về Bộ, tránh gây bức xúc kéo dài trong nhân dân và cộng đồng, xã hội.

Quyết định xếp hạng chùa Vàng là Di tích lịch sử văn hóa

Quyết định xếp hạng chùa Vàng là Di tích lịch sử văn hóa

Di tích chùa Vàng bị xâm phạm

Chùa Vàng (xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm, Hà Nội) được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia từ năm 1995. Trong Quyết định số 65QĐ/BT xếp hạng di tích Quốc gia đình chùa Vàng do Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin Lưu Trần Tiêu ký ngày 16/1/1995, Điều 2 Quyết định ghi: “Nghiêm cấm mọi hoạt động xây dựng khai thác trong những khu vực bảo vệ của di tích đã khoanh vùng”.

Nhưng từ ngày 9/12/2020, nhiều người dân nơi đây phẫn nộ khi một số người chặt cây, phá tường, xâm hại vào khu vực II của di tích.

Đại diện lãnh đạo xã Cổ Bi, Phòng VHTT huyện Gia Lâm, cán bộ Quản lý trật tự xây dựng đô thị huyện Gia Lâm, công chức địa chính xã Cổ Bi đã tiến hành lập Biên bản về hành vi vi phạm di tích, đồng thời có các văn bản đề nghị xử lý với hành vi xâm phạm di tích chùa Vàng.

Hiện trạng khu vực II của di tích bị phá tường, xâm lấn

Hiện trạng khu vực II của di tích bị phá tường, xâm lấn

Tuy nhiên, sau một thời gian, UBND huyện Gia Lâm có Công văn số 3370/UBND-TN&MT ngày 18/10/2021 gửi Sở TNMT Hà Nội để đề nghị UBND TP. Hà Nội thu hồi khu vực II di tích.

Trong phần “Kiến nghị” của Công văn số 3370/UBND-TN&MT ghi: “Trong thời gian gần đây, nhân dân thôn Vàng rất bức xúc và liên tục có ý kiến phản ánh đến Ủy ban nhân dân Huyện về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CU 341991 cho chùa Vàng với diện tích 2761,3 m2 là không đúng với lý do: diện tích cấp Giấy chứng nhận cho chùa Vàng bao gồm cả diện tích sân chơi của nhân dân”.

Ngày 25/11/2021, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Trọng Đông ký Quyết định số 4994/QĐ-UBND thu hồi quyết định cấp đất cho cơ sở tôn giáo, thu hồi Giấy chứng nhận QSD đất chùa Vàng.

Tường rào bao quanh khu vực II di tích chùa Vàng khi chưa bị phá

Tường rào bao quanh khu vực II di tích chùa Vàng khi chưa bị phá

Tuy nhiên, đến ngày 27/12/2021, nhiều người dân thôn Vàng tiếp tục phản ánh, đề nghị TP. Hà Nội xem xét thu hồi lại Quyết định số 4994/QĐ-UBND, đồng thời giúp bảo vệ di tích chùa Vàng bị xâm phạm.

Ông Nguyễn Huy Khải (85 tuổi), nguyên cán bộ Ban Quản lý di tích đình - chùa Vàng tâm sự: “Chúng tôi đang bức xúc vì việc tại sao huyện lại muốn thu hồi đất của di tích. Di tích đình - chùa Vàng có từ thời vua Lê Đại Hành. Sau này, mấy cháu mới ra đánh bóng ở đó vì khuất gió. Đất di tích chứ có phải sân bóng, là đất công đâu”.

Còn với bà Vũ Thị Chín, một người dân thôn Vàng, đã gọi là đất khu vực II, gọi là vành đai xanh của di tích, giờ huyện lại gọi là sân chơi thể thao, là đất công do xã Cổ Bi quản lý là không đúng. "Điều này rất mâu thuẫn”, bà Chín thắc mắc.

Trong khi đó, Đại đức Thích Quảng Thiện - Trưởng ban Trị sự Phật giáo huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội cho biết khi tham gia giải quyết vấn đề ở chùa Vàng, Ban Trị sự Phật giáo huyện Gia Lâm đã có ý kiến đề nghị lãnh đạo huyện Gia Lâm nên đồng ý giữ nguyên Giấy chứng nhận QSD đất di tích chùa Vàng.

"Chúng tôi cũng có ý kiến rằng việc phá tường, lấn đất người dân đã trót thì có thể để nguyên làm vỉa hè, phục vụ nhân dân. Nhưng không hiểu sao huyện lại rẽ ngang như thế?", Đại đức Thích Quảng Thiện chia sẻ.

Hiểu Đồng

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/bo-van-hoa-yeu-cau-xu-ly-dut-diem-xam-pham-di-tich-chua-vang-d538782.html