Bộ VHTTDL: 'Nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật sẽ không thể né trách nhiệm pháp lý'

Chiều 21/4, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã tổ chức Họp báo thường kỳ quý I năm 2025, thu hút sự quan tâm của nhiều cơ quan báo chí xoay quanh những vấn đề 'nóng' trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.

Buổi họp báo do ông Lê Quang Tự Do — Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, ông Nguyễn Hữu Ngọc — Phó Chánh Văn phòng Bộ và bà Đặng Thị Phương Thảo — Phó Cục trưởng Cục Báo chí chủ trì.

Bộ VHTTDL họp báo thường kỳ quý I năm 2025 - Ảnh: Trần Huấn

Bộ VHTTDL họp báo thường kỳ quý I năm 2025 - Ảnh: Trần Huấn

Tại họp báo, đại diện các đơn vị quản lý nhà nước thuộc Bộ đã giải đáp nhiều câu hỏi liên quan đến công tác bảo tồn di sản, phòng chống cháy nổ tại các di tích, và những vấn đề thu hút chú ý gần đây như chế tài xử lý nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật hay vi phạm quy tắc ứng xử trên không gian mạng.

Liên quan đến công tác quản lý tu bổ di tích, ông Trần Đình Thành — Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa — cho biết, Bộ VHTTDL đã có Công văn số 1218/BVHTTDL-DSVH gửi tới UBND các tỉnh, thành phố yêu cầu siết chặt việc bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh. Thực tế hiện nay, vẫn có tình trạng tu bổ di tích sai quy trình, không đúng hồ sơ đã được cơ quan thẩm quyền phê duyệt.

Theo ông Thành, việc xử lý những sai phạm trong tu bổ di tích được quy định cụ thể tại Nghị định 38/2021/NĐ-CP. Mức phạt cho hành vi hủy hoại, làm thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích có thể lên tới 50 triệu đồng, kèm theo biện pháp buộc tháo dỡ công trình vi phạm nếu chưa có văn bản đồng ý của cơ quan có thẩm quyền. Ông Thành khẳng định, khi Luật Di sản văn hóa sửa đổi chính thức có hiệu lực vào ngày 1/7/2025, trách nhiệm của các cấp, các ngành sẽ được phân cấp rõ ràng hơn, giúp gỡ những “điểm nghẽn” pháp lý hiện nay trong công tác bảo tồn.

Vấn đề phòng cháy chữa cháy tại di tích cũng nhận được sự quan tâm lớn, nhất là sau khi xảy ra một số vụ cháy đáng tiếc trong thời gian gần đây. Dù tỷ lệ cháy nổ ở các di tích đã giảm so với 5 năm trước, nhưng ông Thành cho rằng, việc sử dụng điện trong di tích, cũng như công tác bảo dưỡng hệ thống phòng cháy, vẫn cần được các địa phương đặc biệt chú trọng, nhất là vào dịp cao điểm lễ hội và mùa nắng nóng.

Ngoài các vấn đề di sản, câu chuyện nghệ sĩ và người nổi tiếng vi phạm pháp luật khi quảng cáo sai sự thật trên mạng xã hội tiếp tục “nóng” tại buổi họp báo.

Chia sẻ về vấn đề này, NSND Xuân Bắc — Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn — nhấn mạnh, dù là nghệ sĩ hay người có sức ảnh hưởng, khi tham gia quảng cáo đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật như mọi công dân. Ông dẫn chứng, theo Nghị định 38/2021/NĐ-CP và Nghị định 114/2020/NĐ-CP, người vi phạm sẽ bị xử lý tùy theo mức độ, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu hành vi liên quan đến lừa đảo hoặc tiếp tay cho hàng giả.

NSND Xuân Bắc — Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn

NSND Xuân Bắc — Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn

Ông Lê Quang Tự Do — Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử — cũng nhận định, thời gian qua, việc nghệ sĩ, KOLs nhận quảng cáo tràn lan mà không kiểm chứng chất lượng sản phẩm là một thực trạng đáng báo động. Đáng chú ý, trong một số trường hợp, nếu nghệ sĩ hợp tác dưới dạng “gương mặt đại diện” hay được trả cổ phần, họ có thể bị xem là đồng phạm nếu sản phẩm quảng cáo bị phát hiện là hàng giả.

Ông Lê Quang Tự Do tiết lộ thêm, cơ quan quản lý đang hoàn thiện cơ chế kết hợp giữa quy định pháp luật “cứng” với quy tắc ứng xử “mềm” nhằm tạo ra môi trường minh bạch, chuẩn mực hơn trên không gian mạng, đồng thời khẳng định sẽ xử lý nghiêm khắc một số trường hợp điển hình trong thời gian tới.

Ngay tại họp báo, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền — Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử — cho biết, Cục đã lập biên bản xử phạt đối với hai trường hợp cụ thể. BTV Quang Minh bị đề xuất xử phạt 37,5 triệu đồng do vi phạm các quy định liên quan đến quảng cáo. Trong khi đó, Vân Hugo đối diện mức phạt lên tới 70 triệu đồng vì hành vi quảng cáo sai sự thật, gây nhầm lẫn về công dụng sản phẩm.

Những thông tin tại buổi họp báo một lần nữa cho thấy quyết tâm của Bộ VHTTDL trong việc siết chặt quản lý di sản, đồng thời nâng cao trách nhiệm pháp lý đối với nghệ sĩ và người nổi tiếng, nhằm xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, chuẩn mực trong thời đại số.

Vân Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bo-vhttdl-nghe-si-quang-cao-sai-su-that-se-khong-the-ne-trach-nhiem-phap-ly-10287841.html