'Bỏ việc ở trường túc tắc dạy gia sư, thu nhập của tôi gần 16 triệu/tháng'
Đây là chia sẻ của cô giáo L. (tên đã thay đổi), từng có hơn 10 năm là giáo viên Toán tại một trường THCS ở quận Ba Đình, Hà Nội.
Cô L. cho biết, do may mắn nên sau khi tốt nghiệp đại học, cô sớm tìm được công việc ở một trường trong nội thành. Vì vẫn ở cùng bố mẹ nên nữ giáo viên khá vô tư với mức lương nhận hàng tháng.
"Tôi được giữ tất cả tiền lương, bố mẹ bảo sẽ nuôi đến lúc lập gia đình. Do vậy, dù lương thấp tôi cũng không bị áp lực, vẫn nhiệt tình với công việc trường lớp, chủ yếu dùng lương để ăn uống hay dành dụm đi du lịch với bạn".
Sau 3 năm đi dạy, việc gia sư của cô L. bắt đầu từ khi hàng xóm sang nhờ dạy kèm cho con họ học lớp 7 nhưng bị rỗng kiến thức. "Vì ngay cạnh nhà nên tôi đã nhận lời. Tôi dạy 1 kèm 1 cho bé 2 buổi/tuần, chỗ quen biết nên học phí 1 triệu đồng/tháng.
Sau một thời gian, thấy kết quả học của cậu bé khá lên rõ rệt, chị hàng xóm lại thông tin có người quen muốn tìm giáo viên dạy tại nhà cho con học lớp 6. Nhà người này cách nhà tôi 4km, họ bảo nếu đến nhà sẽ phụ tiền đi lại. Tôi đề nghị mức 150 nghìn đồng/buổi và được gia đình học sinh chấp thuận.
Sau đó, từ người nọ đến người kia giới thiệu thêm học sinh, chủ yếu đến tận nhà dạy kèm, tôi dần kín lịch các buổi tối, có buổi còn 2 ca. Có lợi thế với "mác" là giáo viên và các bé tôi dạy đều có sự tiến bộ nên dù học sinh này nghỉ tôi vẫn mau chóng có thêm học sinh khác".
Sau khi lập gia đình và sinh con, do sức khỏe bé không tốt và không thể thường xuyên nghỉ hay nhờ người dạy thay, cô L. bàn với chồng nghỉ hẳn công việc ở trường để có thời gian chăm con.
"Đồng thời, tôi vẫn duy trì việc đến tận nhà kèm học sinh vì đây là nhu cầu của không ít gia đình, khi bố mẹ bận rộn không thể đưa đón con. Hơn nữa, nhà chồng - nơi tôi đang ở và nhà bố mẹ đẻ đều khá chật chội, khó tổ chức lớp học. Việc dạy 1 kèm 1 hoặc 3 bé trong một buổi học cũng phù hợp với tôi".
Hiện nay, lịch dạy của cô L. bao gồm 4 buổi sáng từ 8-10h - khi học sinh chỉ phải học ca chiều; 4 buổi chiều từ 15-17h đối với những học sinh đến trường vào buổi sáng; tất cả các buổi tối trong tuần trừ thứ 7, trong đó, có 2 tối cô phải dạy 2 ca. Học sinh của cô trải từ lớp 6 đến lớp 12.
"Khi tôi đi dạy, lúc con còn nhỏ, ông bà giúp chăm cháu. Bây giờ, con đã đi mẫu giáo nên mọi người đỡ vất vả hơn. Đến khoảng 10h30 tôi về nhà lo cơm nước luôn cho cả bữa chiều, nghỉ ngơi, sau đó dành thời gian tự học, cập nhật kiến thức rồi đi dạy nếu có ca. Hiện tại, học phí của tôi khi dạy 1 bé là 200 nghìn/buổi, nhóm 2-3 bé là 300 nghìn/buổi. Tổng thu nhập mỗi tháng hơn 16 triệu đồng".
Tôi 'rảnh' cả sáng và chiều, thu nhập vẫn tốt
Dịch Covid-19 qua đi, sau nhiều đắn đo, cô H. - giáo viên Ngữ văn - quyết định nghỉ dạy ở trường.
"Giai đoạn dịch Covid-19, làm việc tại nhà, tôi thấy mình "bỗng nhiên" có thêm thời gian dành cho gia đình - điều mà chồng con luôn mong muốn trong suốt những năm tháng trước đó. Vì vậy, khi khá chắc chắn về hướng đi cho tương lai, tôi quyết định nghỉ công việc đã làm hơn 20 năm để tập trung cho các lớp học ở nhà". Cô H. cho biết hiện nay, cô không tổ chức các lớp ban ngày nên khá rảnh.
"Thời gian đó, trước hết, tôi dành cho việc nhà vài tiếng buổi sáng, lo dọn dẹp, chuẩn bị cơm nước cho bữa trưa và đặc biệt là bữa tối cho chồng con. Buổi chiều, tôi dành cho việc chuyên môn như đọc sách nâng cao kiến thức, chấm bài cho học sinh, tìm nguồn tham khảo cập nhật đề thi... cũng là những việc như khi còn dạy ở trường.
Thời gian "kiếm tiền" của tôi bắt đầu từ 17h30. Từ thứ 2 đến thứ 5, tôi dạy 2 ca/tối: 17h30-19h30 và 19h40 -21h40. Riêng thứ 7 và Chủ Nhật, tôi chỉ dạy 1 ca vào buổi sáng, thời gian còn lại là dành cho chồng con".
Cô H. cho biết chỉ với học sinh lớp 9, cô mới dạy 2 buổi/tuần, học phí 1,2 triệu/tháng. Hiện tại, cô có 2 lớp 9, mỗi lớp từ 14-16 học sinh.
Với học sinh các khối 6, 7, 8, cô H. duy trì 1 buổi/tuần, mỗi lớp dưới 10 học sinh, học phí 600 nghìn/tháng. "Khi lớp trên 10 em, tôi sẽ tách để đảm bảo chất lượng dạy và học. Lớp 9 tôi cũng khống chế không vượt quá 20 em do không còn buổi trống để tách. Đa phần các em là học sinh theo tôi từ những lớp dưới lên.
Nếu nói về thu nhập, đương nhiên hiện nay, tôi thấy mình quyết định đúng. Trước đây, khi còn dạy ở trường, tôi cũng tranh thủ dạy thêm nhưng có những ngày thực sự quá tải và rất ít thời gian dành cho gia đình. Bây giờ, tôi chủ động thu xếp được thời gian".
Để có được lượng học sinh ổn định như hiện tại, cô H. cho biết đây là việc không dễ dàng, đặc biệt khi thị trường dạy thêm có sự cạnh tranh vô cùng gay gắt. "Tôi không được phép lơ là trau dồi chuyên môn" - cô H. khẳng định.
Điều cô H. tiếc nhất ở "đời giáo viên" là sự giao tiếp với đồng nghiệp và những ngày lễ, hội của nghề.
"Đôi khi tôi thấy mình cứ thui thủi, loanh quanh ở nhà vì lúc mình rảnh bạn bè lại đi dạy và ngược lại, có nói chuyện chủ yếu trên mạng. Những ngày khai giảng hay lễ Tết, tôi cũng không có sự háo hức như trước. Đặc biệt ngày 20/11 dù vẫn có những học sinh cũ tới thăm nhưng tôi cũng không còn thấy quá hứng khởi, cảm giác như đã đứng sang bên cạnh cuộc sống của nhà giáo dù mình vẫn giảng dạy hàng ngày".
Tuy nhiên, cô H. khẳng định sẽ không quay lại công việc ở trường, kể cả khi có cơ hội thuận lợi. "Bởi vì chẳng cần cân đo đong đếm nhiều, cuộc sống vật chất và sức khỏe của tôi hiện nay đã được cải thiện hơn", nữ giáo viên cho biết.