Bộ Xây dựng: Cơn sốt đất nền chính thức 'hạ nhiệt'

Theo Bộ Xây dựng, cơn sốt đất tăng nóng ở nhiều nơi nhưng chỉ diễn ra trong thời gian ngắn rồi lắng xuống, nhờ chính quyền địa phương ngăn chặn kịp thời.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, giá giao dịch đất nền trong khu dân cư tại thời điểm nửa cuối quý 1/2021, đặc biệt là sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán đã xảy ra hiện tượng tăng nóng ở nhiều địa phương trên địa bàn cả nước.

Cụ thể, tại TP. Hà Nội (các huyện Đông Anh, Đan Phượng, Thạch Thất…), TP. HCM (TP. Thủ Đức), TP. Hải Phòng (huyện Thủy Nguyên), tỉnh Bắc Ninh (thị xã Từ Sơn), tỉnh Ninh Bình (huyện Gia Viễn), tỉnh Bình Thuận (thành phố Phan Thiết và thị xã La Gi), tỉnh Bình Phước (huyện Hớn Quảng), tỉnh Quảng Trị (huyện Gio Linh)…

Bộ Xây dựng cho rằng, cơn sốt đất lắng xuống sau khi chính quyền địa phương kịp thời vào cuộc ngăn chặn

Theo Bộ Xây dựng, giá đất nền tại một số điểm cục bộ của một số địa phương có mức ghi nhận tăng cao.

Vùng ven Thủ đô Hà Nội, Quốc Oai tăng 20%, Ba Vì tăng 45%. Một số điểm thuộc các tỉnh như Hòa Bình (tăng 46%), Bắc Ninh (20%), Hưng Yên (26%) và mới đây là Thanh Hóa; TP. Thủ Đức, huyện Cần Giờ của TP. HCM; Biên Hòa, Nhơn Trạch và Long Thành của tỉnh Đồng Nai…

Song, giao dịch chính thức được ghi nhận trên thực tế hầu như rất ít. Hình thức giao dịch tại các khu vực này chủ yếu là đặt cọc sau đó chuyển nhượng ngay khi giá tăng và xuất hiện nhà đầu tư khác có nhu cầu mua.

Bộ Xây dựng cho rằng, tình trạng giá đất tăng nóng cục bộ tại một số địa phương chỉ diễn ra trong thời gian ngắn rồi lắng xuống sau khi chính quyền địa phương kịp thời đưa ra các chỉ đạo, thông báo công khai cũng như cảnh báo tới các nhà đầu tư, người dân về quy hoạch, kế hoạch thực hiện, tình hình triển khai các dự án trên địa bàn.

Nhìn chung, thị trường bất động sản quý 1/2021 vẫn còn khó khăn và có một số biến động, đặc biệt là việc tăng giá mạnh trong thời gian ngắn của bất động sản đất nền diễn ra cục bộ tại một số khu vực.

Mặc dù hiện tượng sốt đất nền mới chỉ diễn ra ở quy mô cục bộ của từng khu vực, dự án nhưng cũng cho thấy dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro của thị trường, cần có sự can thiệp của cơ quan quản lý nhà nước.

Do vậy, Bộ Xây dựng cho rằng cần có sự theo dõi kiểm soát và ngăn chặn, xử lý kịp thời của các Bộ, ngành, chính quyền địa phương để tránh tình trạng lan rộng, mất kiểm soát, trở thành “bong bóng” bất động sản.

Kỳ Hoa

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bo-xay-dung-con-sot-dat-nen-chinh-thuc-ha-nhiet-post131971.html