Bộ Xây dựng đề xuất nhiều giải pháp gỡ vướng khi sáp nhập huyện, xã là đô thị

Theo Bộ Xây dựng, cả nước hiện có 12 đơn vị hành chính cấp huyện là thị xã/TP và 48 đơn vị hành chính cấp xã là đô thị dự kiến sắp xếp, sáp nhập đang gặp nhiều vướng mắc cần giải pháp tháo gỡ.

Bộ Tư pháp đang thẩm định hồ sơ dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hướng dẫn một số nội dung liên quan đến quy hoạch đô thị, đánh giá phân loại đô thị để thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, xã là đô thị giai đoạn 2023-2025, do Bộ Xây dựng trình.

12 huyện, 48 xã là đô thị thuộc diện sắp xếp

Theo Bộ Xây dựng, cả nước hiện có 12 ĐVHC cấp huyện là thị xã/TP (bao gồm các TP: Nam Định, Vinh, Thanh Hóa, Bắc Giang, Ninh Bình, Lạng Sơn, Hà Tĩnh,, Phan Thiết, Điện Biên Phủ; các thị xã: Mường Lay, Bình Long, Chơn Thành) dự kiến sắp xếp toàn bộ hoặc một phần ĐVHC cấp huyện liền kề.

Trong đó có sáu TP, thị xã đã có quy hoạch chung đô thị phù hợp với phạm vi sắp xếp, gồm TP Nam Định, Vinh, Thanh Hóa, Bắc Giang, Ninh Bình và Hà Tĩnh.

Đến nay, Bộ Xây dựng đã tổ chức thẩm định với bốn đô thị là Nam Định, Bắc Giang, Vinh, Thanh Hóa; trình Thủ tướng ban hành Quyết định công nhận loại đô thị sau sắp xếp đối với Vinh, Nam Định.

Các đô thị còn lại đang tổ chức lập quy hoạch đô thị, tuy nhiên theo Luật quy hoạch đô thị, đối với các đô thị mới dự kiến dân số 100.000 người thì thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ và quy hoạch là Thủ tướng.

 Cầu Hoàng Văn Thụ nối trung tâm TP Hải Phòng với huyện Thủy Nguyên qua sông Cấm. Ảnh: PLO

Cầu Hoàng Văn Thụ nối trung tâm TP Hải Phòng với huyện Thủy Nguyên qua sông Cấm. Ảnh: PLO

Ngoài ra, còn có ba thị xã/TP dự kiến thành lập mới trên cơ sở sắp xếp ĐVHC. Cụ thể, hai đô thị dự kiến thành lập thị xã là đô thị Chũ được hình thành trên cơ sở sắp xếp, tách một phần từ huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang và đô thị Mộc Châu được hình thành trên cơ sở huyện Mộc Châu có sắp xếp ĐVHC các xã trực thuộc.

Một đô thị dự kiến sắp xếp ĐVHC và thành lập TP Thủy Nguyên, trực thuộc TP Hải Phòng trên cơ sở huyện Thủy Nguyên.

Đến nay có bốn TP, thị xã đã có quy hoạch chung đô thị, quy hoạch phân khu phù hợp với phương án sắp xếp, đó là các TP Tuy Hòa, TP Phủ Lý và các thị xã Nghĩa Lộ, Kinh Môn.

Các đô thị còn lại như TP Thái Nguyên, Yên Bái, Cao Lãnh và thị xã Hoài Nhơn đang tổ chức điều chỉnh quy hoạch chung đô thị theo phương án sắp xếp, lập quy hoạch phân khu với khu vực dự kiến thành lập phường, lập các báo cáo đánh giá phân loại đô thị.

Về sắp xếp ĐVHC cấp xã là đô thị, Bộ Xây dựng cho hay cả nước có 48 ĐVHC thuộc 28 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương dự kiến thực hiện. Trong đó có khoảng 10 thị trấn thuộc các tỉnh Ninh Bình, Nghệ An, Bà Rịa- Vũng Tàu đã được UBND cấp tỉnh ban hành quyết định công nhận đô thị loại V; các đô thị còn lại đang tổ chức lập quy hoạch, chương trình phát triển đô thị và đề án phân loại đô thị.

Quá trình thực hiện, theo Bộ Xây dựng, cơ quan này đã lập Tổ công tác để kịp thời rà soát, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, xã để tháo gỡ. Dù vậy, vẫn còn một số vướng mắc liên quan đến quy hoạch đô thị và đánh giá phân loại đô thị khi thực hiện sắp xếp.

Nhiều giải pháp gỡ vướng

Từ thực tiễn đó, Bộ Xây dựng đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc. Cụ thể, trường hợp sắp xếp TP, thị xã với toàn bộ hoặc một phần ĐVHC cấp huyện liền kề, nếu phạm vi đô thị và các khu vực nội thành, nội thị dự kiến hình thành sau sắp xếp phù hợp với quy hoạch chung TP, thị xã và vùng phụ cận đã được phê duyệt, không dự kiến thành lập mới phường ở vùng phụ cận thì được sử dụng quy hoạch đô thị đó để đánh giá, phân loại đô thị dự kiến hình thành sau sắp xếp.

Nếu trong đó có thị trấn trực thuộc phù hợp với phạm vi nội thành, nội thị trong quy hoạch chung đô thị dự kiến hình thành sau sắp xếp đã được phê duyệt thì không yêu cầu đánh giá, công nhận trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị của thị trấn dự kiến thành lập phường.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng đề xuất quy định với trường hợp sắp xếp ĐVHC cấp xã ngoại thị, ngoại thành làm mở rộng khu vực nội thị, nội thành của đô thị loại III, IV, phù hợp với phạm vi nội thị, nội thành trong quy hoạch chung đô thị, quy hoạch phân khu được phê duyệt. Trong đó, UBND TP, thị xã lập thuyết minh rà soát, đánh giá các tiêu chí phân loại đô thị đối với khu vực TP, thị xã theo quy định tại Nghị quyết 1210/2016 (sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết 26/2022).

Cơ quan soạn thảo cũng đề xuất quy định với trường hợp thị trấn dự kiến hình thành sau sắp xếp phù hợp quy hoạch chung đô thị hoặc nhiệm vụ quy hoạch chung đô thị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Theo đó, UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm ban hành văn bản đánh giá ĐVHC dự kiến hình thành sau sắp xếp đạt tiêu chí đô thị loại V để trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định việc sắp xếp ĐVHC. UBND cấp huyện có nhiệm vụ lập thuyết minh rà soát, đánh giá các tiêu chí phân loại đô thị

Riêng với trường hợp thị trấn dự kiến hình thành sau sắp xếp nằm trong khu vực nội thị dự kiến thuộc quy hoạch chung đô thị loại IV đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì được sử dụng quy hoạch đó.

“Trường hợp cần thiết, để bảo đảm yêu cầu tiến độ thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, xã giai đoạn 2023 - 2025, cơ quan chủ trì thẩm định, phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương có liên quan tổ chức thẩm định đề án của địa phương mà không bắt buộc tổ chức khảo sát phục vụ thẩm định” – tờ trình của Bộ Xây dựng nêu rõ.

NGUYỄN THẢO

Nguồn PLO: https://plo.vn/bo-xay-dung-de-xuat-nhieu-giai-phap-go-vuong-khi-sap-nhap-huyen-xa-la-do-thi-post799285.html