Bộ Xây dựng khuyến cáo nhà riêng lẻ chỉ nên xây tối đa 2 tầng hầm
Bộ Xây dựng vừa đưa ra khuyến cáo nhà ở riêng lẻ chỉ nên xây dựng tối đa 2 tầng hầm.
Bộ Xây dựng mới đây có văn bản gửi các ngành, địa phương xin ý kiến góp ý đối với dự thảo tiêu chuẩn nhà ở riêng lẻ.
Đáng chú ý, tại dự thảo này Bộ Xây dựng khuyến cáo nhà ở riêng lẻ chỉ nên xây dựng tối đa 2 tầng hầm, trường hợp nhà cao từ 7 tầng hoặc có 2 tầng hầm trở lên phải tuân thủ các yêu cầu về an toàn phòng cháy chữa cháy theo quy định hiện hành.
Trong dự thảo, các yêu cầu về quy hoạch, kiến trúc được quy định chi tiết: Nhà ở riêng lẻ phải xây dựng tuân theo chỉ giới xây dựng và chỉ giới đường đỏ. Mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, chiều cao nhà ở riêng lẻ tuân thủ quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Bộ Xây dựng khuyến cáo nhà ở riêng lẻ chỉ nên xây dựng tối đa 2 tầng hầm, trường hợp nhà cao từ 7 tầng hoặc có 2 tầng hầm trở lên phải tuân thủ các yêu cầu về an toàn phòng cháy chữa cháy...
Khoảng lùi tối thiểu của mặt tiền nhà ở riêng lẻ so với chỉ giới đường đỏ phụ thuộc chiều cao công trình và chiều rộng của lộ giới, được lấy theo quy định về quy hoạch xây dựng.
Khoảng cách tối thiểu giữa các dãy nhà ở riêng lẻ liền kề hoặc công trình trong khu vực phát triển mới phải được quy định tại đồ án quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị.
Bố trí các công trình, xác định chiều cao công trình phải đảm bảo giảm thiểu các tác động tiêu cực của điều kiện tự nhiên (nắng, gió…), tạo ra các lợi thế cho điều kiện vi khí hậu trong công trình và phải đảm bảo các quy định về phòng cháy chữa cháy.
Cùng với đó, nhà ở riêng lẻ phải đảm bảo các yêu cầu về an toàn chịu lực và tuổi thọ thiết kế của công trình. Không xây dựng trên các vùng có nguy cơ địa chất nguy hiểm (sạt lở, trượt đất…), vùng có lũ quét, thường xuyên ngập lụt khi không có biện pháp kỹ thuật để đảm bảo an toàn cho khu vực xây dựng; đồng thời, nhà ở riêng lẻ cần tuân thủ về phân cấp công trình xây dựng theo quy định của cơ quan có thẩm quyền (theo Thông tư số 06/2021/TT-BXD).
Ngoài ra, quy định thửa đất xây dựng nhà ở riêng lẻ trong các khu quy hoạch xây dựng mới phải có diện tích không nhỏ hơn 50m2, bề rộng mặt tiền nhà không nhỏ hơn 5m với công trình tiếp giáp với đường phố có bề rộng chỉ giới đường đỏ ≥ 19m; không nhỏ hơn 4m với công trình tiếp giáp với đường phố có bề rộng chỉ giới đường đỏ < 19m.
Dự thảo TCVN lần này cũng đưa ra chi tiết cách xác định khoảng lùi tối thiểu (m) của nhà ở riêng lẻ theo bề rộng đường (giới hạn bởi các chỉ giới đường đỏ) và chiều cao xây dựng nhà, dãy nhà.
Ngoài ra, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất của nhà ở riêng lẻ ngoài việc phải tuân thủ quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì cũng phải phù hợp quy định tại TCVN.
Vấn đề an toàn phòng cháy chữa cháy, thoát nạn cũng được chú trọng, với quy định: Nhà ở riêng lẻ sử dụng với mục đích để ở có tối thiểu 1 lối ra thoát nạn tại tầng 1; nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh có tối thiểu 2 lối ra thoát nạn. Chiều rộng thông thủy của lối ra thoát nạn tối thiểu 0,8m, chiều cao thông thủy tối thiểu 1,9m.
Tiêu chuẩn khi được ban hành sẽ hợp nhất các loại nhà ở như biệt thự, nhà liên kế, nhà ở độc lập, trở thành tiêu chí trong thiết kế, quản lý, vận hành nhà ở riêng lẻ hiện nay.
Đề nghị bổ sung tiêu chuẩn thiết kế phòng trọ vào dự thảo
Liên quan đến vấn đề này, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Bộ Xây dựng trong đó đề nghị bổ sung tiêu chuẩn thiết kế phòng trọ vào dự thảo trên cơ sở giữ lại một số nội dung của Điều 3 Thông tư 20/2016 của Bộ Xây dựng.
Theo đó, về tiêu chuẩn tối thiểu đối với phòng ở, HoREA kiến nghị, mỗi phòng ở do hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng để cho thuê phải đảm bảo chất lượng công trình xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng và các tiêu chuẩn tối thiểu trong đó diện tích sử dụng phòng ở không được nhỏ hơn 10m2 (hoặc 15m2); chiều rộng thông thủy không dưới 2,40m; chiều cao thông thủy chỗ thấp nhất không dưới 2,70m.
Hiệp hội đề nghị Bộ Xây dựng xem xét và quyết định “diện tích tối thiểu” của phòng trọ là 10m2 (hoặc có thể là 12 m2; 15m2), diện tích sử dụng không nhỏ hơn 5m2 (hoặc có thể là 6 m2; 7,5m2) cho một người để vừa đảm bảo không gian ở phù hợp, vừa đáp ứng được các cam kết quốc tế về điều kiện ở của công nhân lao động, nhưng không tạo áp lực làm tăng giá tiền thuê phòng trọ vượt quá khả năng tài chính của người thuê.
Bên cạnh đó, HoREA cũng đề nghị Bộ Xây dựng xem xét quy định khu nhà trọ có từ 10 phòng ở trở lên phải có phòng sinh hoạt chung có tối thiểu 1 phương tiện nghe nhìn (tivi) kết nối Internet. Bởi lẽ, đây là tiện ích tối thiểu và cũng là không gian giao lưu, kết nối cộng đồng người thuê phòng trọ và với cả chủ phòng trọ cho thuê.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA đánh giá, trên thực tế hiện nay cả nước đã có hàng trăm nghìn phòng trọ cho thuê có diện tích tối thiểu không nhỏ hơn 10m2/phòng (được xây dựng theo quy định trước đây tại Điều 3 Thông tư 20/2016) đã giải quyết chỗ ở cho hàng triệu công nhân lao động, rất cần giữ sự ổn định, nhất là giữ ổn định giá tiền thuê phòng trọ.
“Chính vì thực tế trên, Hiệp hội đề nghị Bộ Xây dựng quy định tiêu chuẩn thiết kế phòng trọ tại Mục 5.12a (mới) trong dự thảo này. Nếu được ban hành thì chỉ áp dụng cho các công trình phòng trọ xây dựng mới, đi đôi với khuyến khích các chủ nhà trọ hiện hữu áp dụng để từng bước nâng cao chất lượng phòng trọ cho thuê” – ông Châu nói.