Bộ Xây dựng: Nhiều địa phương chưa quan tâm phát triển nhà ở xã hội
Bộ Xây dựng cho biết, hiện nay trên địa bàn cả nước đã quy hoạch 1.249 khu đất, với quy mô 8.390 ha làm nhà ở xã hội. So với năm 2020, diện tích đất phát triển nhà ở xã hội đến nay đã tăng thêm 5.031 ha. Tuy nhiên, một số địa phương trọng điểm mặc dù có nhu cầu về nhà ở xã hội rất lớn, nhưng việc đầu tư nhà ở xã hội còn hạn chế.
Gần 500 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai
Sáng 22/2, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội (NƠXH) cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030” năm 2024. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tới dự và chỉ đạo tại hội nghị.
Thông tin về kết quả triển khai thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”, Bộ Xây dựng cho biết, theo tổng hợp báo cáo của các địa phương, trên địa bàn cả nước đã quy hoạch 1.249 khu đất, với quy mô 8.390 ha làm NƠXH. Như vậy, so với báo cáo năm 2020 (3.359 ha) thì diện tích đất phát triển NƠXH đến nay đã tăng thêm 5.031ha.
Một số địa phương quan tâm đến việc quy hoạch quỹ đất phát triển NƠXH như: Đồng Nai 1.063ha, TP. Hồ Chí Minh 608 ha, Long An 577ha, Hải Phòng 471ha, Hà Nội 412ha.
Tuy nhiên, còn một số địa phương chưa quy hoạch bố trí quỹ đất NƠXH như: Ninh Bình, Lai Châu, Nghệ An, Ninh Thuận, Đồng Tháp.
Còn về kết quả triển khai thực hiện dự án NƠXH trong giai đoạn từ năm 2021 đến hết năm 2023, Bộ Xây dựng cho biết, qua tổng hợp báo cáo của các địa phương, trên địa bàn cả nước có 499 dự án NƠXH đã được triển khai với quy mô 411.250 căn.
Trong đó, số lượng dự án hoàn thành là 71 dự án với quy mô 37.868 căn; số lượng dự án đã khởi công xây dựng là 127 dự án với quy mô 107.896 căn; số lượng dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư là 301 dự án với quy mô 265.486 căn.
Lãnh đạo Bộ Xây dựng cho rằng, với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, việc phát triển NƠXH trong thời gian vừa qua đã đạt được kết quả quan trọng, nhiều địa phương đã tích cực trong việc thu hút đầu tư, thúc đẩy khởi công xây dựng NƠXH như: tỉnh Bắc Ninh 15 dự án, 6.000 căn; Bắc Giang 5 dự án, 12.475 căn; Hải Phòng 7 dự án, 11.678 căn; Bình Dương 7 dự án, 6.557 căn; Đồng Nai 8 dự án, 9.074 căn; Bình Dương 7 dự án, 6.557 căn; Thanh Hóa 9 dự án, 4.948 căn...
Bộ Xây dựng cho biết, một số địa phương trọng điểm mặc dù có nhu cầu về NƠXH rất lớn, nhưng việc đầu tư NƠXH còn hạn chế so với mục tiêu của Đề án đến năm 2025. Cụ thể, Hà Nội 3 dự án, 1.700 căn đáp ứng 9%; TP. Hồ Chí Minh 7 dự án, 4.996 căn đáp ứng 19%; Đà Nẵng 5 dự án, 2.750 căn đáp ứng 43%..., hoặc một số địa phương không có dự án NƠXH khởi công trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay như: Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Nam Định, Long An, Quảng Ngãi...
Thông tin về tình hình thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Xây dựng cho biết, đối với nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ Xây dựng đã 3 lần công bố danh mục các dự án đủ điều kiện được vay trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Xây dựng với số lượng 24 dự án NƠXH, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ đủ điều kiện, với quy mô 20.188 căn hộ, tổng mức đầu tư 19.014 tỷ đồng và nhu cầu vay vốn theo đề xuất của các địa phương khoảng 7.516 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, hiện nay mới có 1 chủ đầu tư dự án NƠXH được vay vốn với số tiền là 125,84 tỷ đồng. Đối với việc giải ngân nguồn vốn 15.000 tỷ đồng hỗ trợ cho khách hàng cá nhân vay để mua, thuê mua NƠXH, nhà công nhân, nhà ở của hộ gia đình, theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội, đến nay dư nợ đạt 10.272 tỷ đồng với 26.268 khách hàng.
Về nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ, Bộ Xây dựng cho biết, hiện nay đã có đã có 28 địa phương công bố danh mục 68 dự án đủ điều kiện vay theo chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng, với nhu cầu vay vốn hơn 30.000 tỷ đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 6 dự án NƠXH tại 5 địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 415 tỷ đồng.
Cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành, địa phương
Mặc dù đến nay các địa phương bước đầu đã có sự quan tâm, thúc đẩy phát triển NƠXH, một số địa phương đã kịp thời ban hành văn bản chỉ đạo, kế hoạch triển khai, thực hiện, song trong quá trình triển khai vẫn còn tồn tại một số hạn chế.
Cụ thể, Bộ Xây dựng cho biết, về cơ chế, chính sách phát triển NƠXH, nhà ở cho công nhân còn chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn, chưa được bổ sung, sửa đổi kịp thời trong giai đoạn đầu của Đề án.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương chưa quan tâm phát triển NƠXH, nhà ở cho công nhân, người lao động khu công nghiệp; chưa đưa các chỉ tiêu phát triển nhà ở, đặc biệt là chỉ tiêu phát triển NƠXH, nhà ở cho công nhân vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm; chưa xác định rõ quỹ đất cho phát triển NƠXH trong quy hoạch đô thị, khu công nghiệp.
Bộ Xây dựng cho biết, nhiều địa phương chưa ban hành kế hoạch triển khai Đề án để đảm bảo hoàn thành mục tiêu đề ra; một số thành phố lớn, tập trung nhiều người lao động thu nhập thấp, có nhu cầu về NƠXH cao, tuy nhiên địa phương đăng ký NƠXH hình thành trong năm 2024 thấp như: Hà Nội 1.181 căn, TP. Hồ Chí Minh 3.765 căn, Đà Nẵng 1.880 căn, Cần Thơ 1.535 căn...
Ngoài ra, một số địa phương có nhiều dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư trong giai đoạn vừa qua nhưng chưa quan tâm trong việc lựa chọn chủ đầu tư dự án để triển khai đầu tư xây dựng; một số dự án NƠXH đã khởi công nhưng các doanh nghiệp không triển khai thi công hoặc thi công chậm tiến độ…
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, Bộ Xây dựng cho rằng, các bộ, ngành, địa phương cần cùng phối hợp, khẩn trương triển khai các nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Đề án.
Cụ thể, cần tập trung xây dựng các nghị định hướng dẫn Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng, sửa đổi pháp luật về thuế… để đồng bộ quy định pháp luật.
Các bộ, ngành liên quan cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Đề án để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về thủ tục đầu tư, miễn tiền sử dụng đất, quy hoạch, dành quỹ đất, phát triển nhà ở lưu trú công nhân…
Còn đối với các địa phương, theo Bộ Xây dựng, các địa phương cần khẩn trương lập, sửa đổi, bổ sung chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của các địa phương, trong đó làm rõ các mục tiêu về NƠXH dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, lực lượng vũ trang nhân dân. Đồng thời, lập kế hoạch triển khai Đề án.
Các địa phương cần rà soát, bổ sung quy hoạch đô thị, quy hoạch khu công nghiệp, bảo đảm dành đủ quỹ đất cho phát triển NƠXH, bao gồm nhà ở lực lượng vũ trang nhân dân.
Đối với các doanh nghiệp, theo Bộ Xây dựng, các chủ đầu tư dự án NƠXH lập tiến độ, chuẩn bị nguồn lực, tài chính, áp dụng công nghệ mới nhằm rút ngắn thời gian thi công.
Đối với các dự án NƠXH đã lựa chọn chủ đầu tư, Bộ Xây dựng yêu cầu các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện các thủ tục pháp lý (thủ tục giao đất; lập hồ sơ thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, phòng cháy, chữa cháy, cấp phép xây dựng; lựa chọn nhà thầu tư vấn và thi công công trình) để khởi công xây dựng theo các đồ án quy hoạch và chấp thuận chủ trương đầu tư đã được phê duyệt; chủ động rà soát đối tượng, điều kiện, đăng ký với UBND cấp tỉnh để được công bố trong danh mục vay vốn ưu đãi từ gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng.../.