Bộ Xây dựng sẽ thanh tra hàng loạt dự án bất động sản trong năm 2023
Ông Chu Hồng Uy, Phó chánh thanh tra Bộ Xây dựng cho biết trong năm 2023, Thanh tra Bộ Xây dựng sẽ thanh tra nhiều vấn đề nổi cộm trong dư luận thời gian qua.
Cụ thể, tại họp báo do Bộ Xây dựng tổ chức chiều ngày 30/12, ông Chu Hồng Uy, Phó Chánh thanh tra Bộ Xây dựng cho biết, trong thời gian qua, dư luận quan tâm nhiều vấn đề về hoạt động kinh doanh bất động sản.
Để làm rõ hơn về những vấn đề dư luận quan tâm, Thanh tra Bộ Xây dựng năm 2023 sẽ thanh tra UBND tỉnh, chủ đầu tư, nhà đầu tư, các tổ chức, đơn vị có liên quan về chấp hành quy định trong hoạt động kinh doanh bất động sản, việc xây dựng hạ tầng tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị tại 7 địa phương: Thái Nguyên, Thái Bình, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế, Vĩnh Long, Sóc Trăng, An Giang.
Ông Chu Hồng Uy cho biết, các vấn đề nổi lên thời gian qua trong việc kinh doanh bất động sản là nhiều chủ đầu tư bán hàng không công bố thông tin, bán hàng khi chưa đủ điều kiện, nhiều chủ đầu tư xây dựng các dự án khu đô thị thiếu hạ tầng đồng bộ như trường học, bãi đỗ xe…
“Năm 2023, Thanh tra Bộ Xây dựng vẫn tập trung vào vấn đề hạ tầng đô thị tại nhiều địa phương”, ông Uy cho hay và thông tin thêm, Thanh tra Bộ Xây dựng sẽ tập trung thanh tra lĩnh vực quy hoạch xây dựng tại Lạng Sơn, Bắc Giang, Bình Phước.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng sẽ thanh tra một số dự án do bộ, ngành, địa phương và tập đoàn, tổng công ty Nhà nước làm chủ đầu tư, đại diện chủ đầu tư. Thanh tra Bộ Xây dựng sẽ thanh tra công tác quản lý hoạt động xây dựng tại dự án có tổng mức đầu tư trên 100 tỷ đồng tại 3 đơn vị, gồm: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Quảng Ninh; Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh - Bộ Giao thông Vận tải; Ban Quản lý dự án 4 - Cục Đường bộ Việt Nam.
Năm 2022, Thanh tra Bộ Xây dựng thực hiện 2 đoàn thanh tra hoạt động đầu tư xây dựng tại Ban Quản lý dự án Thăng Long, Bộ Giao thông Vận tải và Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam; 3 đoàn thanh tra công tác quản lý Nhà nước ngành Xây dựng tại 3 tỉnh: Lào Cai, Hậu Giang, Tuyên Quang; 8 đoàn thanh tra hai chuyên đề về việc dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội và công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì tại 8 tỉnh, thành phố: Bắc Giang, Bình Dương, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Dương, Long An; 1 đoàn thanh tra hành chính tại Văn phòng Bộ Xây dựng.
Thanh tra, kiểm tra đột xuất tại 22 đơn vị thuộc Bộ, gồm thanh tra thanh tra mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, Kít xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ; Thanh tra tại Tổng công ty Sông Hồng; Xác minh nội dung tố cáo của Trường Cao đẳng Nam Định; Thanh tra đột xuất mua sắm tài sản, trang thiết bị tại CTCP Xi măng Hạ Long; Trường cao đẳng quốc tế Lilama 2...
Cũng tại cuộc họp báo cuối năm của Bộ Xây chiều 30/12, thông tin về kết quả làm việc của Tổ công tác giải quyết những vướng mắc cho doanh nghiệp và một số địa phương trong thực hiện các dự án bất động sản thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, Tổ công tác đã từng bước giải quyết các vướng mắc cho thị trường, doanh nghiệp bất động sản trên tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, gỡ khó cho thị trường.
Tuy nhiên, trong quá trình làm việc Tổ công tác nhận thấy có nổi lên vấn đề trách nhiệm của các doanh nghiệp. Giai đoạn thị trường tốt doanh nghiệp triển khai quá nhiều dự án khiến không cân bằng được tài chính.
“Để vượt qua được khó khăn, bên cạnh những giải pháp đồng bộ từ các cơ quan, Bộ, ngành địa phương. Doanh nghiệp cũng cần cơ cấu lại bất động sản, dự án, bán bỏ bớt dự án chưa triển khai để tập trung vào dự án đang triển khai. Từ đó, tạo nên dòng vốn để triển khai các dự án tiếp theo. Về lâu dài việc triển khai dự án phải triển khai theo đúng quy định vay, dự án nào phải thực hiện dự án đó tránh đầu tư dàn trải, không đúng dự án tạo sự mất cân bằng như trong thời gian qua”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh.