Bộ Xây dựng tập huấn về công trình tiết kiệm năng lượng
Vừa qua, tại TP Cần Thơ, Bộ Xây dựng đã tổ chức khóa khóa tập huấn 'Nâng cao năng lực thiết kế, thi công và nghiệm thu công trình tiết kiệm năng lượng'.
Chia sẻ nhiều giải pháp tiết kiệm năng lượng trong công trình
Khóa tập huấn nằm trong khuôn khổ dự án Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các tòa nhà thương mại và chung cư cao tầng tại Việt Nam (EECB) do GEF/UNDP tài trợ cho Bộ Xây dựng.
Các nội dung chuyên môn được giảng viên chia sẻ cuốn hút học viên
Đối tượng tham gia tập huấn gồm các cán bộ quản lý Nhà nước về xây dựng ở Trung ương và các địa phương; các kỹ sư, kiến trúc sư hành nghề tư vấn lập dự án, thiết kế, tư vấn thẩm tra, tư vấn quản lý dự án, tư vấn giám sát và nghiệm thu công trình tại địa bàn TP Cần Thơ và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Bà Hoàng Thị Kim Cúc - Quản đốc dự án EECB, cho biết: “Dự án EECB có mục tiêu dài hạn là cắt giảm cường độ phát thải khí nhà kính từ ngành Xây dựng ở Việt Nam và mục tiêu trực tiếp là cải thiện việc sử dụng năng lượng hiệu quả của các tòa nhà thương mại và chung cư cao tầng tại Việt Nam”.
Dự án gồm 3 hợp phần, trong đó có hợp phần soát xét, bổ sung chỉnh sửa và nâng cao năng lực thực thi Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Triển khai nhiệm vụ của hợp phần nói trên, dự án EECB tổ chức các khóa tập huấn nhằm cung cấp các hướng dẫn kỹ thuật, công cụ hỗ trợ, cơ sở dữ liệu và chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn cho quá trình thiết kế, thi công và nghiệm thu công trình xây dựng, tuân thủ các quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 09:2017/BXD về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả.
Giảng viên dự án EECB hướng dẫn các học viên làm bài tập nhóm.
Tại khóa tập huấn, các giảng viên của dự án EECB đã giới thiệu các yêu cầu của QCVN 09:2017/BXD và giải pháp kỹ thuật thiết kế đối với lớp vỏ bao che (tường và mái công trình), hệ thống thông gió và điều hòa không khí, chiếu sáng tự nhiên và nhân tạo, các thiết bị điện khác như động cơ điện và hệ thống nước nóng… đáp ứng các yêu cầu của Quy chuẩn.
Các giảng viên đồng thời giới thiệu cơ sở dữ liệu các loại sản phẩm VLXD, thiết bị công trình hiệu quả năng lượng; giới thiệu các kinh nghiệm thực tế, bài học từ các công trình trình diễn TKNL của chính dự án EECB.
Bên cạnh nội dung lý thuyết, các học viên còn được thực hành thông qua các bài tập nhóm, kiểm tra sự tuân thủ QCVN 09:2017/BXD của công trình cũng như đề xuất các giải pháp nhằm đạt được hiệu quả sử dụng năng lượng. Với các nội dung chuyên môn thiết thực, khóa tập huấn thu hút sự tham gia hào hứng của các học viên.
Tự tin kiểm tra công trình đạt hay vượt QCVN 09:2017/BXD
QCVN 09:2017/BXD quy định những yêu cầu kỹ thuật bắt buộc phải tuân thủ khi thiết kế, xây dựng mới hoặc cải tạo các công trình có tổng diện tích sàn từ 2.500m2 trở lên.
Việc tuân thủ các quy định của QCVN 09:2017/BXD giúp công trình bảo đảm an toàn, TKNL và chất lượng. Khóa tập huấn đã giúp các học viên hiểu sâu hơn về các quy định của QCVN 09:2017/BXD và hiệu quả TKNL đạt được khi thiết kế công trình tuân thủ đầy đủ Quy chuẩn.
Ban tổ chức trao chứng nhận tham gia khoa tập huấn cho các học viên
Đánh giá cao sự hữu ích mà khóa tập huấn đem đến, học viên Minh Hoàng -Viện Quy hoạch Xây dựng Cần Thơ, phụ trách mảng thiết kế công trình, cho biết: “Khóa tập huấn đã bổ sung các kiến thức, giải pháp TKNL cho công trình. Nếu trước đây, chúng tôi không có cách nào kiểm tra một cách có hệ thống và toàn diện sự tuân thủ các quy định của Quy chuẩn đối với công trình xây dựng, thì nay chúng tôi được hướng dẫn sử dụng các công cụ bảng tính, bảng kiểm... Sau khi nạp các thông số kỹ thuật từ thiết kế, của vật liệu và các thiết bị sử dụng điện trong công trình, chúng tôi có thể kiểm tra công trình đạt hay vượt các quy định của QCVN 09:2017/BXD hay không”.
Là người chuyên thiết kế các hệ thống thông gió, điều hòa không khí, cơ điện trong các công trình, học viên Nguyễn Văn Tân - Cty Tư vấn Xây dựng Đại Nam, Cần Thơ, chia sẻ: “Trước đây, chúng tôi chỉ biết sơ qua về lợi ích của công trình TKNL. Qua khóa học, chúng tôi được hướng dẫn cụ thể các phương pháp kiểm tra sự phù hợp với QCVN 09:2017/BXD. Trên cơ sở đề xuất các giải pháp kỹ thuật, sử dụng vật liệu, thiết bị hiệu quả TKNL cho công trình, chúng tôi có thể dễ dàng tính toán được chi phí đầu vào, chi phí suốt vòng đời công trình, xác định được thời gian hoàn vốn của công trình… Đây là những căn cứ quan trọng để tư vấn thuyết phục chủ đầu tư trong việc sử dụng hay không các giải pháp đạt hiệu quả năng lượng, vừa đem lại lợi ích cho chính chủ đầu tư, người sử dụng trong suốt vòng đời công trình, vừa góp phần bảo vệ môi trường, bảo đảm lợi ích của cộng đồng”.
Ở góc độ quản lý Nhà nước ngành Xây dựng tại địa phương, ông Huỳnh Séreây Sambatt - Trưởng phòng Quản lý Xây dựng, Sở Xây dựng Trà Vinh, nhận định: “Khóa tập huấn đã hướng dẫn cụ thể, chi tiết các yêu cầu quy định tại QCVN 09:2017/BXD, các giải pháp thiết kế cũng như giới thiệu các vật liệu, thiết bị TKNL, bảo đảm đáp ứng các quy định của quy chuẩn. Điều này rất hữu ích bởi cán bộ làm công tác thẩm định như chúng tôi cũng phải biết các kiến thức về công trình TKNL”.
Thực thi các giải pháp TKNL khó hay dễ
Đề cập đến việc thực thi QCVN 09:2017/BXD tại địa phương, đa số các đại diện đến từ các tỉnh Tây Nam Bộ cho rằng địa bàn có ít công trình thuộc phạm vi điều chỉnh của QCVN 09:2017/BXD. Hơn nữa, việc triển khai các công trình thuộc đối tượng cũng khó hơn các địa bàn khác.
Ban tổ chức, các giảng viên và học viên chụp ảnh lưu niệm
Học viên Minh Hoàng đơn cử: “Cần Thơ không có gạch không nung AAC, muốn sử dụng gạch AAC trong công trình sẽ phải đưa từ địa bàn khác về, khiến giá thành vật liệu tăng cao”.
Ông Đặng Văn Đức - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bến Tre thừa nhận từ trước đến nay, các “tỉnh lẻ” chưa quan tâm nhiều đến giải pháp TKNL mà mới chú trọng những vấn đề như kiến trúc đẹp hay xấu, tính toán kết cấu thừa hay thiếu. Các công trình đã quan tâm đến các yếu tố chiếu sáng và thông gió tự nhiên theo nguyên lý thiết kế kiến trúc nhưng chưa áp dụng các giải pháp thiết kế TKNL. Trong khi đó, TKNL đem lại nhiều lợi ích về kinh tế, xã hội, môi trường…
Ông Đức nhận định: “Với hiệu quả TKNL mà công trình đạt được khi thiết kế tuân thủ đầy đủ QCVN 09:2017/BXD, chúng tôi cho rằng không quá khó để thuyết phục chủ đầu tư lựa chọn giải pháp TKNL cho công trình. Hơn nữa, TKNL là xu thế của thế giới. Nhận thức về TKNL trong công trình ngày càng tăng lên. Các chủ đầu tư thông thái sẽ chấp nhận chi phí đầu tư cao hơn một chút trong ngắn hạn, nhưng hiệu quả sử dụng và tiết kiệm chi phí trong lâu dài, góp phần thực hiện các trách nhiệm xã hội về tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường”.
Nhiều học viên cho biết, qua công việc chuyên môn, họ sẽ tiếp tục lan tỏa tư duy, kiến thức về công trình TKNL đến các đối tượng khác, cùng tham gia vào quá trình xây dựng công trình.
Phúc Minh
Theo
Link gốc: