Bỏ xét nghiệm khi đi lại là phù hợp tình hình mới

Theo các chuyên gia, hiện tượng ùn tắc, đứt gãy lưu thông ở chốt kiểm soát gây nguy cơ lây nhiễm nCoV. Bên cạnh đó, việc xét nghiệm hàng loạt cũng không có nhiều giá trị, tốn kém.

Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn tạm thời mới về chuyên môn y tế thích ứng với dịch Covid-19, yêu cầu các địa phương không chỉ định xét nghiệm đối với việc đi lại của người dân. Các chuyên gia y tế cho rằng sự thay đổi chiến lược xét nghiệm này là phù hợp với tình hình hiện tại của Việt Nam.

Tuy nhiên, nhiều địa phương vẫn áp dụng các quy định cũ về cách ly, xét nghiệm với người từ nơi khác đến dù nghị quyết mới Chính phủ ban hành đã có hiệu lực từ ngày 11/10. Bất cập này gây ngăn trở giữa các địa phương, nhiều gia đình mắc kẹt, không thể về nhà.

Chỉ nên xét nghiệm ở vùng, người có nguy cơ cao

Theo TS Nguyễn Hồng Vũ, Viện Nghiên cứu ung thư, City of Hope, California, Mỹ, quy định mới còn khá chung chung, như các địa phương chủ động quyết định đối tượng, địa bàn xét nghiệm. Như vậy, sẽ có hiện tượng mỗi nơi thực hiện một kiểu, không thống nhất.

"Mục đích có thể là giảm tải việc xét nghiệm và để người dân đi lại dễ dàng hơn. Nhưng Bộ Y tế nên có hướng dẫn chi tiết hơn, đặc biệt về trường hợp chưa được tiêm vaccine phòng Covid-19 do quy định của ngành y tế. Các địa phương cũng nên tạo điều kiện đi lại cho người dân", TS Vũ cho hay.

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Hồng Hà, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Phó chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam, nhận định không cần xét nghiệm tràn lan, hàng loạt, kể cả trường hợp chưa tiêm vaccine và trẻ em dưới 18 tuổi khi đi lại giữa các địa phương. Việc họ đến từ vùng có nguy cơ cao hay không mới là vấn đề cần quan tâm để quyết định yêu cầu xét nghiệm.

 Nhiều người xếp hàng chờ khai báo khi qua chốt cửa ngõ Hà Nội ngày 13/10. Ảnh: Hồng Quang.

Nhiều người xếp hàng chờ khai báo khi qua chốt cửa ngõ Hà Nội ngày 13/10. Ảnh: Hồng Quang.

"Việc chỉ định xét nghiệm phụ thuộc rất nhiều vào lưu hành dịch nơi người dân sinh sống. Theo tôi, trường hợp ở vùng nguy cơ cao bắt buộc phải xét nghiệm ngay cả khi đã tiêm đủ liều vaccine. Bởi họ vẫn có thể mắc Covid-19 nhưng không có triệu chứng và phát tán virus", Phó chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam cho hay.

TS.DS Phạm Đức Hùng, Bệnh viện Nhi Cincinnati, Mỹ, cũng cho rằng khi ở trạng thái "bình thường mới", việc xét nghiệm hàng loạt như trước đây là không cần thiết. Chính quyền và ngành y tế chỉ cần xét nghiệm cho những người có nguy cơ cao. Hơn thế, tỷ lệ tiêm chủng ở Việt Nam đang tăng lên, gần 55% dân số đã tiêm ít nhất một liều vaccine cho người trên 18 tuổi. Bên cạnh đó, đã có nhiều quốc gia mở cửa, "bình thường mới" trước Việt Nam như Mỹ, Singapore... Chúng ta có thể học hỏi mô hình từ họ.

"Khi nơi lỏng việc đi lại, việc di chuyển giữa các tỉnh, thành để hồi hương hoặc du lịch sẽ tăng cao. Tất yếu sẽ có nguy cơ bùng phát dịch. Tuy nhiên, nguy cơ sẽ không lớn hơn tác hại mà việc đóng cửa, phong tỏa đem lại như thiệt hại kinh tế, số người tử vong vì nhiều bệnh nền khác không được cứu chữa...

Sống chung với virus nghĩa là giới hạn lây lan bằng giãn cách xã hội, chấp nhận số ca tăng, giảm tử vong bằng vaccine và thuốc, tập trung ưu tiên điều trị cho người bị nặng, ưu tiên người cao tuổi, bệnh nền, không xét nghiệm tràn lan", TS Phạm Đức Hùng nói.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Hồng Vũ cũng nhận định sẽ có khả năng bùng phát dịch ở những khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Tỷ lệ tiêm chủng đủ 2 mũi ở những địa phương có khoảng trên 40% có thể "tạm ổn".

Nới lỏng nhưng vẫn cần tuân thủ 5K

Người dân đi lại giữa các địa phương cần tuân thủ nghiêm túc 5K, đặc biệt là trẻ em, trường hợp trên 18 tuổi nhưng chưa được tiêm vaccine Covid-19 do quy định của ngành y tế hay vì nguyên nhân khách quan khác. PGS.TS Nguyễn Hồng Hà cho hay những người này chưa được bảo vệ. Nếu có thể, họ nên hạn chế đi lại.

 Tại các chốt kiểm soát tại Đà Nẵng, lực lượng chức năng sẽ quét mã QR ngày 14/10. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Tại các chốt kiểm soát tại Đà Nẵng, lực lượng chức năng sẽ quét mã QR ngày 14/10. Ảnh: Đoàn Nguyên.

"Các địa phương cũng cần đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng cho người dân, tranh thủ tiêm khi có thể. Việc này rất cần thiết để tạo miễn dịch cộng đồng. Trường hợp cần được ưu tiên là những người nguy cơ bị nặng, lớn tuổi, bệnh nền, công việc cần di chuyển nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người", PGS Hồng Hà nói.

Các chốt kiểm soát thường xảy ra hiện tượng ùn tắc, đứt gãy lưu thông, cản trở nhu cầu đi lại của người dân. Theo TS Đức Hùng, việc này gây nguy cơ lây nhiễm trong hoạt động kiểm soát dịch. Ngoài ra, xét nghiệm cũng tốn nhiều chi phí, thời gian của người dân. Xét nghiệm có thể dương tính giả, âm tính giả, kỹ thuật và độ chính xác của kỹ thuật viên sẽ giảm nếu họ phải làm việc với quá nhiều mẫu.

Trong hướng dẫn mới đây, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương không chỉ định xét nghiệm đối với việc đi lại của người dân. Đồng thời, chỉ thực hiện xét nghiệm trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) và các trường hợp nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 3.

Với người đã tiêm đủ liều vaccine và khỏi bệnh Covid-19, các tỉnh, thành phố chỉ xét nghiệm khi: Có yêu cầu điều tra dịch tễ; Trường hợp cách ly, theo dõi y tế; Người đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hay cách ly y tế vùng (phong tỏa).

Ngày 14/10, Bộ Y tế cũng đã có văn bản số 8688/BYT-DP về việc tiêm phòng vaccine Covid-19 cho trẻ em 12-17 tuổi. Việc tiêm phòng được thực hiện theo lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp (tiêm trước cho trẻ từ 16-17 tuổi và hạ dần độ tuổi) theo tiến độ cung ứng vaccine và tình hình dịch tại địa phương.

Phương Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bo-xet-nghiem-khi-di-lai-la-phu-hop-tinh-hinh-moi-post1270986.html