Bộ Y tế: Biến thể mới của SARS-CoV-2, ca mắc Covid-19 có thể gia tăng trở lại

PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo về những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể làm cho dịch Covid-19 trở nên phức tạp và gia tăng trở lại.

Tại Việt Nam, các ca mắc, nhập viện, diễn biến nặng đang gia tăng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương (Ảnh: Nhật Bắc)

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương (Ảnh: Nhật Bắc)

Kiểm soát dịch bệnh nhờ vũ khí chiến lược tiếp cận sớm vaccine

Thông tin trên được PGS Liên Hương chia sẻ tại tọa đàm "Nghị quyết 128/NQ-CP - Chuyển hướng chiến lược, ý nghĩa quyết định" do Cổng thông tin Chính phủ tổ chức chiều ngày 5/10.

Trong chiều 5/10, cập nhật số liệu ca mắc Covid-19, Bộ Y tế cho biết ghi nhận 1.194 bệnh nhân mới, tiếp tục tăng so với hôm qua.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có11.483.529 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 115/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có115.631ca nhiễm).

Trong ngày có 858 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca Covid-19 được điều trị khỏi lên 10.594.844 ca.

Hiện còn 75 bệnh nhân phải thở oxy, 64 ca thở oxy qua mặt nạ, 3 ca thở oxy dòng cao HFNC, 8 ca thở máy xâm lấn.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.151ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, Covid-19 là một đại dịch chưa từng có trong tiền lệ, đã, đang và còn tiếp tục ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội. Covid-19 đã tấn công 612 triệu người, hơn 6,5 triệu người tử vong trên toàn thế giới.

Đến nay, Việt Nam là nước có tỉ lệ bao phủ vaccine phòng Covid-19 cao và tốc độ tiêm chủng nhanh so với các nước trên thế giới, đây là một biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch.

Xác định vaccine là vũ khí chiến lược, là yếu tố quyết định, là biện pháp phòng dịch hữu hiệu nhất, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt: Bằng mọi khả năng để tiếp cận được với vaccine sớm nhất, nhanh nhất với phương châm "vaccine tốt nhất là vaccine được tiếp cận sớm nhất".

Nhiều biện pháp để thúc đẩy tiếp cận, bao phủ vaccine đã được triển khai khoa học, đồng bộ, hiệu quả, trên mọi phương diện: Từ thành lập Quỹ vaccine huy động nguồn lực từ ngoại giao vaccine đến tổ chức Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 thần tốc, lớn nhất, chưa từng có trong lịch sử, miễn phí cho toàn dân, người dân được tiếp cận công bằng với vaccine.

"Chúng ta đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng, tổ chức các điểm tiêm chủng lưu động tại cộng đồng, các địa điểm công cộng, trường học, thậm chí tổ chức đến từng hộ gia đình nhằm đảm bảo mọi người dân đều được tiêm chủng"- Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương nói.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương, Tổ chức Y tế Thế giới ghi nhận, đánh giá Việt Nam có chiến lược sử dụng vaccine phù hợp, hiệu quả với cam kết thực hiện của toàn bộ hệ thống chính trị và người dân, là quốc gia đi sau nhưng về trước trong tiêm chủng vaccine phòng Covid-19.

Tính đến ngày 30/9/2022, Việt Nam đã triển khai tiêm chủng được hơn 260 triệu liều vaccine an toàn, hiệu quả, khoa học. Tỉ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho người từ 12 tuổi trở lên đạt xấp xỉ 100%, tỉ lệ tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên và tiêm mũi 1 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi đã đạt mục tiêu. Tỉ lệ tiêm mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên trên tổng dân số cao gấp đôi tỷ lệ trung bình trên thế giới. Tỉ lệ tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi cao hơn một số quốc gia phát triển như Mỹ, Pháp, Đức, Italy.

Việt Nam là một trong những nước triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 với quy mô rộng rãi, nhiều đối tượng, nhiều mũi tiêm, sử dụng đa dạng các loại vaccine, là quốc gia có số liều vaccine sử dụng, tỉ lệ bao phủ vaccine cao và tốc độ tiêm chủng nhanh so với các nước trên thế giới.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, thời điểm đợt dịch lần thứ 4 bùng phát, lúc đó thế giới còn chưa hiểu biết nhiều về dịch bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa có đủ vaccine để phòng bệnh, người dân hoang mang. Nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đã phải áp dụng các biện pháp hành chính để kiểm soát hiệu quả dịch bệnh như giãn cách xã hội, cách ly diện rộng.

Tuy nhiên chiến lược này chỉ tập trung vào phòng chống dịch, kiểm soát được dịch bệnh nhưng lại ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế-xã hội. Nếu kéo dài sẽ có thể dẫn đến đình trệ các hoạt động đời sống, kinh tế và gây bất ổn xã hội. Trước đại dịch nguy hiểm chưa từng có này, nhiều quốc gia hùng mạnh đều lúng túng, bị động.

Khi đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Đây là 1 quyết sách sáng suốt, táo bạo, dũng cảm, thay đổi căn bản tư duy trong chiến lược phòng, chống dịch, quyết sách căn cứ vào kinh nghiệm thực tiễn trong nước, quốc tế, các bằng chứng khoa học, bám sát dự báo tình hình dịch bệnh, khả năng tiếp cận, cung ứng và tỉ lệ bao phủ vaccine phòng bệnh, sự sẵn có của thuốc điều trị với mục tiêu đặt tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết, vừa đảm bảo kiểm soát hiệu quả dịch bệnh vừa tạo điều kiện phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường mới.

Thực tế cho đến nay đã chứng minh Nghị quyết 128 là kịp thời, đúng đắn, có vai trò quyết định thành công: dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống của người dân trở lại bình thường, trẻ em được vui chơi, đến trường học tập an toàn.

Nghị quyết 128 được dư luận, nhân dân và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao và đã tạo ra bước ngoặt trong tư duy, cách thức mới trong phòng, chống dịch, tạo sự linh hoạt, phá vỡ tình trạng đóng băng trong sinh hoạt của người dân cũng như các hoạt động kinh tế xã hội ở một số nơi trong thời gian trước; là chìa khóa hóa giải khó khăn, tạo tiền đề để thực hiện thành công mục tiêu kép, ổn định xã hội, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới.

Lo ngại biến thể mới của virus SARS-CoV-2

Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương nhận định, dịch Covid-19 vẫn diễn biến khó lường trên thế giới trong thời gian tới. Tổ chức Y tế thế giới đánh giá thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch và cảnh báo về những biến thể mới của virus SARS-CoV-2, lo ngại biến thể này có thể làm cho dịch Covid-19 trở nên phức tạp và gia tăng trở lại.

Tại Việt Nam, dù tình hình dịch bệnh vẫn cơ bản được kiểm soát, tuy nhiên số ca mắc mới, số ca phải nhập viện, ca nặng đang có xu hướng gia tăng.

Trong khi đó, tỷ lệ tiêm vaccine mũi 3 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi và tiêm mũi 2 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi còn thấp; iệu quả bảo vệ của vaccine giảm theo thời gian, Bộ Y tế lo ngại dịch nguy cơ dịch chồng dịch là hiện hữu…

“Chính phủ cần tiếp tục quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 và phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm khác; Tiếp tục đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 và nghiên cứu, triển khai tiêm ngay cho trẻ em từ 6 tháng - dưới 5 tuổi khi có đủ cơ sở khoa học”, Thứ trưởng Bộ Y tế nêu ý kiến.

Minh Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/song-khoe/bo-y-te-bien-the-moi-cua-sars-cov-2-ca-mac-covid-19-co-the-gia-tang-tro-lai--i302654/