Bộ Y tế cần vào cuộc thanh tra toàn bộ hoạt động của cơ sở thẩm mỹ trên toàn quốc
Những ngày vừa qua, liên tiếp các vụ việc các trường hợp tử vong sau khi đi làm đẹp tại một số bệnh viện ở TP.Hồ Chí Minh đã khiến dư luận hết sức hoang mang về hoạt động của những cơ sở này.
Liên tiếp các trường hợp tử vong sau khi làm đẹp
Ngày 11/10, một người phụ nữ quốc tịch Mỹ (59 tuổi) đến Bệnh viện Kangnam TP.Hồ Chí Minh thực hiện phẫu thuật căng da mặt tại. Tuy nhiên, chỉ sau ca phẫu thuật khoảng 2 tiếng, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng khó thở, tím tái, biểu hiện suy giảm hô hấp.
Dù kíp bác sĩ trực đã cấp cứu can thiệp nhưng nhận thấy tiên lượng xấu nên đã chuyển đến Bệnh viện Nhân dân 115. Tại đây, sau khi cấp cứu, bệnh nhân được tiếp tục chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy để điều trị nhưng đã bị tử vong vào tối 14/10.
Trường hợp tiếp theo là bệnh nhân nữ tên V.N.A.T (33 tuổi) tử vong tại Bệnh viện Emcas (phường 12, quận 10, TP.HCM) sau khi phẫu thuật nâng ngực. Theo đó, vào ngày 17/10, chị T. đã đến Bệnh viện Emcas để thực hiện phẫu thuật nâng ngực. Chị T. được các bác sĩ tại đây tiến hành gây mê và phẫu thuật đặt túi ngực.
Ca phẫu thuật diễn ra khoảng 40 phút, tuy nhiên khoảng 5 giờ sau khi thực hiện phẫu thuật, bệnh nhân T bắt đầu xuất hiện các triệu chứng bất thường như ngưng tim, ngưng thở. Trước những diễn biến của bệnh nhân T., Bệnh viện Emcas đã thực hiện sơ cứu sau đó chuyển bệnh nhân sang Bệnh viện Nhân dân 115 để cấp cứu. Tuy nhiên bệnh nhân đã tử vong sau đó.
Ghi nhận từ thực tế cho thấy, ngoài hai trường hợp phải gánh chịu hậu quả nặng nề nêu trên thì đã không ít trường hợp "tiền mất, tật mang" khi can thiệp dao kéo để thay đổi ngoại hình của mình. Thậm chí, nhiều chị em phụ nữ vì nôn nóng được làm đẹp đã vội tin tưởng với những cơ sở thẩm mỹ mà không chịu tìm hiểu xem họ có được phép làm những kỹ thuật, thủ thuật này hay không.
Điển hình mới đây nhất đó là vụ việc cô gái H.T.B may mắn thoát chết do bị sốc thuốc tê sau khi hút mỡ, nâng ngực tại Thẩm mỹ viện Thúy Anh (60 Kim Ngưu, Hai Bà Trưng, Hà Nội). Không hiểu, trước khi quyết định đến đây làm đẹp, người phụ nữ này có biết được nơi mà cô đã tin tưởng để làm thay đổi ngoại hình của mình lại không được phép hút mỡ, nâng ngực.
Cụ thể, tại Điểm i Khoản 4 Điều 25 Văn bản hợp nhất 01/VBHN-BYTnăm 2016 đã quy định, Phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ chỉ được Tạo má lúm đồng tiền, xóa xăm cung lông mày, nâng cung lông mày, tạo hình gò má, tạo hình cằm chẻ, cằm lẹm, sửa da ở vùng mặt, vùng cổ; Tạo hình mí mắt, mũi, môi, tai. Ngoài ra, không được phẫu thuật tạo hình như nâng ngực; nâng vú; thu nhỏ quầng vú, núm vú; thu gọn thành bụng, mông, đùi; căng da mặt, mông, đùi; lấy mỡ cơ thể.
Bộ Y tế cần vào cuộc thanh tra toàn bộ hoạt động của cơ sở thẩm mỹ
Có thể thấy rằng, xã hội ngày càng phát triển, kinh tế ổn định thì việc làm đẹp của nữ giới và nam giới là một nhu cầu rất thiết yếu. Nắm bắt được tâm lý đó, những năm qua, các cơ sở thẩm mỹ, spa mọc lên như "nấm sau mưa" ở các tỉnh, thành phố khắp cả nước.
Chỉ cần lên mạng gõ từ thẩm mỹ viện thì chưa đầy một giây chúng ta đã có thể tìm được hàng loạt tên cũng như các dịch vụ chăm sóc, làm đẹp chủ yếu cho phụ nữ. Thẩm mỹ viện bây giờ cũng có nhiều loại tùy thuộc vào nhu cầu, túi tiền của khách hàng. Thậm chí, vì lợi nhuận, có nhiều nơi còn sẵn sàng làm "chui" các kỹ thuật mà lẽ ra họ không được phép thực hiện.
Chắc chắn rằng, để khách hàng biết mình có triển khai những kỹ thuật đó thì các cơ sở thẩm mỹ phải quảng cáo rầm rộ qua nhiều phương tiện, chủ yếu vẫn qua mạng xã hội. Khi đã thỏa thuận về giá cả, dịch vụ được cung cấp, khách hàng lúc đó xem như đã "ủy quyền" sinh mạng của mình cho các chuyên gia thẩm mỹ mà.
Nếu may mắn gặp những chuyên gia y tế hay một cơ sở thẩm mỹ "có tâm", mọi mong muốn của khách hàng về nhu cầu làm đẹp xem như được đáp ứng. Thế nhưng, nếu gặp phải những chủ cơ sở ngay từ đầu đã cố tình biết sai mà vẫn làm thì mọi rủi ro khó lường nhất có thể xảy đến với khách hàng. Thông thường, khi xảy ra các sự cố thì các cơ sở thẩm mỹ thường tự dàn xếp với khách hàng để đền bù thiệt hại. Chỉ khi nào, sự việc quá trầm trọng, có người tử vong và báo chí hay cơ quan chức năng vào cuộc thì mọi chuyện mới được công bố cho dư luận mới được biết.
Thiết nghĩ, để siết chặt quản lý hoạt động của các cơ sở thẩm mỹ hiện nay không phải điều quá khó đối với cơ quan chức năng đặc biệt là ngành chủ quản Bộ Y tế. Với liên tiếp những sự việc liên quan đến tính mạng con người như vừa qua thì sự vào cuộc của Bộ Y tế, Sở Y tế các địa phương lúc này là điều hết sức cần thiết. Cần thiết phải có sự ngăn chặn đối với những cơ sở y tế vì lợi nhuận mà bất chấp tính mạng của người dân để làm những điều mà đáng lẽ ra mình không được phép làm.
Trả lời trên Báo Sức khỏe & Đời sống, TS.BS Vũ Thái Hà - Trưởng khoa Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ tế bào gốc, BV Da liễu Trung ương cảnh báo, bất cứ kỹ thuật làm đẹp nào cũng có những rủi ro nhất định, nhất là với những người có tiền sử dị ứng, các bệnh mạn tính. Việc căng da mặt bằng chất làm đầy hoặc chỉ cũng vậy, khách hàng có thể bị dị ứng với thuốc tê hay chính sản phẩm làm đẹp, thậm chí là chỉ để căng da. Một trong những nguy cơ đáng lo ngại nhất là phản ứng dị ứng, trong đó đặc biệt đáng sợ là sốc phản vệ, nếu không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Tại một số cơ sở thẩm mỹ, người bệnh thường được sử dụng các sản phẩm không được đảm bảo để làm đẹp. "Khi người thực hiện không có kỹ thuật lại sử dụng sản phẩm giá rẻ để thu lợi nhuận cao, nguy cơ mà khách hàng gặp phải là tắc mạch, tiêm quá liều, tiêm sai lớp, sai vị trí gây biến dạng khuôn mặt, quy trình không đảm bảo gây nhiễm trùng, chỉ đi không đúng đường sẽ gây hiện tượng phản ứng ở mô trong cơ thể" – TS.BS Vũ Thái Hà nói.