Bộ Y tế cảnh báo: Không lơ là trong phòng, chống dịch sốt xuất huyết
Bộ Y tế cảnh báo bệnh sốt xuất huyết hiện vào giai đoạn cao điểm với số ca mắc tăng đột biến, bệnh thường diễn biến nhanh, từ thể nhẹ chuyển sang nặng và có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Theo Công văn số 806/PB-BTN, Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế) thông tin trong 7 tháng đầu năm 2025, số trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết tiếp tục xảy ra tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước và đang có xu hướng gia tăng.
Tại Hà Nội, số ca mắc tuần qua đã tăng gấp đôi so với tuần trước, với nhiều ổ dịch có chỉ số côn trùng ở ngưỡng nguy cơ cao. Các chuyên gia nhận định số ca sốt xuất huyết ở thủ đô sẽ tiếp tục tăng thời gian tới, do khu vực này bước vào mùa cao điểm, thời tiết mưa nhiều, nóng ẩm tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển, truyền bệnh.
Thực hiện Công điện số 116/CĐ-TTg ngày 20/7/2025 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng, chống sốt xuất huyết, Cục Phòng bệnh - Bộ Y tế đề nghị sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo công tác phòng chống sốt xuất huyết trên địa bàn theo các văn bản Bộ Y tế đã hướng dẫn
Đồng thời tham mưu chính quyền các cấp huy động các ban, ngành, các tổ chức chính trị, chính trị xã hội duy trì thường xuyên hoạt động loại bỏ các ổ lăng quăng, bọ gậy.
Tập huấn và tập huấn lại cho cán bộ y tế dự phòng và điều trị các tuyến (bao gồm cả y tế tư nhân) về hướng dẫn giám sát và phòng chống dịch bệnh, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc bệnh nhân cũng như kỹ năng truyền thông phòng chống dịch bệnh.
Sở Y tế các địa phương cần chỉ đạo các cơ sở điều trị sẵn sàng thu dung, cấp cứu và điều trị bệnh nhân, thực hiện tốt phân loại, hỗ trợ kỹ thuật chuyên môn cho tuyến dưới và phân tuyến điều trị bệnh nhân để tránh quá tải bệnh viện, phòng chống lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
Đảm bảo phối hợp với các cơ quan truyền thông triển khai mạnh mẽ các hoạt động truyền thông về vệ sinh môi trường, đặc biệt vận động người dân thường xuyên thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng, bọ gậy, diệt muỗi ngay trong từng hộ gia đình.
Rà soát kế hoạch đáp ứng, đảm bảo không để thiếu thuốc, dịch truyền, vật tư, hóa chất phòng chống dịch, kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố bổ sung kinh phí.
Tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát hoạt động loại trừ lăng quăng, bọ gậy tại các khu vực nguy cơ, khu vực ghi nhận số mắc cao, tử vong trên địa bàn. Chỉ đạo các cập nhật và báo cáo kịp thời tình hình dịch bệnh qua phần mềm báo cáo bệnh truyền nhiễm theo quy định.
Bên cạnh đó, Bộ y tế đề nghị các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur tăng cường công tác giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại khu vực phụ trách nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, hỗ trợ các địa phương xử lý ngay, triệt để ổ dịch và triển khai các hoạt động phòng chống sốt xuất huyết theo quy định của Bộ Y tế.
Tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng về giám sát, phòng chống sốt xuất huyết và các biện pháp phòng chống dịch tại cộng đồng cho cán bộ y tế ở tất cả các tuyến.
Giám sát tác nhân gây bệnh để xác định sự lưu hành và biến đổi của các chủng vi rút; đánh giá độ nhạy cảm và tính kháng thuốc của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết để phục vụ cho công tác phòng chống dịch.
Cục Phòng bệnh đề nghị Đồng chí Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố và Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur khẩn trương chỉ đạo triển khai thực hiện và báo cáo kịp thời các vướng mắc phát sinh trong công tác phòng, chống sốt xuất huyết khi triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, đảm bảo thông suốt, hiệu quả, không bị gián đoạn trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 116/CĐ-TTg ngày 20/7/2025 về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết.
Trong đó nhấn mạnh hiện nay đang là giai đoạn cao điểm, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ gia tăng số ca mắc khi đến mùa tựu trường và trong thời gian diễn ra các sự kiện lớn của đất nước sắp tới.
Thủ tướng yêu cầu các đơn vị liên quan tăng cường công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, chủ động kiểm soát tình hình, không để dịch bệnh bùng phát, lây lan trên diện rộng.