Bộ Y tế chỉ đạo khẩn biện pháp bảo vệ sức khỏe người dân trước rét đậm, rét hại

Trước việc các tỉnh thành miền Bắc đang gánh chịu đợt rét đậm, rét hại cường độ mạnh nhất từ đầu năm 2024 tới nay, Bộ Y tế vừa có công văn gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố ở phía Bắc và Bắc Trung bộ về việc thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khỏe người dân trước ảnh hưởng của thời tiết giá rét.

Bộ Y tế đề nghị các địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến thời tiết rét đậm, rét hại trên địa bàn và kịp thời thông tin để người dân biết và chủ động thực hiện các biện pháp dự phòng bảo vệ sức khỏe trong mùa lạnh. Sở y tế các địa phương và các đơn vị liên quan thực hiện phổ biến kiến thức, hướng dẫn, khuyến cáo người dân, cộng đồng thực hiện các biện pháp dự phòng, phòng chống rét hiệu quả, đảm bảo an toàn sức khỏe; cảnh báo để người dân biết và phòng tránh các tai nạn do sưởi như bỏng và đặc biệt phòng, chống ngộ độc khí CO do sưởi ấm bằng than, củi trong không gian kín.

Đối với các cơ sở khám chữa bệnh, đảm bảo bố trí đầy đủ cơ số thuốc cấp cứu, đủ giường bệnh, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu thường gặp; bảo đảm phòng chống rét cho người bệnh và người nhà người bệnh trong quá trình khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế.

Theo Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế, vào mùa lạnh, người dân có thể gặp phải một số vấn đề sức khỏe thường gặp là: cảm lạnh, hen suyễn, viêm họng, viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, cúm, đột quỵ, ngộ độc khí than do sưởi ấm, đun nấu... Nguyên nhân chủ yếu là do phải tiếp xúc quá lâu hoặc làm việc trong môi trường lạnh hoặc cũng có thể do thay đổi nhiệt độ môi trường đột ngột. Một số đối tượng có nguy cơ cao dễ bị ảnh hưởng bởi rét đậm, rét hại, gồm có: người già, trẻ nhỏ và phụ nữ có thai; những người làm việc ở ngoài trời hoặc trong môi trường lạnh, gió rét, thiếu ánh nắng mặt trời: người lao động nông nghiệp, công nhân; những người mắc các bệnh mãn tính.

 Thời tiết rét đậm, rét hại làm gia tăng số người nhập viện

Thời tiết rét đậm, rét hại làm gia tăng số người nhập viện

Để bảo vệ sức khỏe trong những ngày rét đậm, rét hại, Bộ Y tế khuyến cáo đối với người già và trẻ em: hạn chế đi ra ngoài trời khi thời tiết quá lạnh và gió mạnh, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 21 giờ đêm đến 6 giờ sáng hôm sau; khi ra ngoài thì nên trang bị đủ trang phục ấm che chắn được gió lùa như áo khoác, quần dài đủ dầy để giữ nhiệt, khăn choàng, mũ, găng tay, tất, khẩu trang. Luôn giữ cơ thể khô ráo, tránh bị ẩm ướt đặc biệt là vùng cổ, tay, chân mỗi khi ra đường và khi ngủ để hạn chế các bệnh do cảm lạnh; tránh tiếp xúc với khói thuốc, khói bếp than, không nên uống rượu bia, đặc biệt là người dân ở miền núi cần chú ý vì uống rượu càng làm co thắt mạch máu gây tăng huyết áp, có thể dẫn tới đột quỵ, tử vong.

Bộ Y tế cũng khuyến cáo mọi người dân cần vệ sinh miệng, họng sạch sẽ thường xuyên hàng ngày như đánh răng đều đặn trước và sau khi ngủ dậy; súc miệng bằng nước ấm có pha muối loãng giúp sát trùng cổ, họng và hạn chế viêm họng; thường xuyên rửa tay với xà phòng để loại bỏ vi khuẩn; tiêm vaccine để phòng ngừa bệnh cúm; ăn, uống đủ chất đảm bảo năng lượng cho cơ thể chống rét.

MINH KHANG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/bo-y-te-chi-dao-khan-bien-phap-bao-ve-suc-khoe-nguoi-dan-truoc-ret-dam-ret-hai-post723982.html