Bộ Y tế chưa cấp mã, 150.000 F0 ở TP Hồ Chí Minh được điều trị thế nào?
Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Vĩnh Châu khẳng định, dù chưa được cấp mã số quốc gia, song 150.000 F0 tại TP Hồ Chí Minh vẫn đảm bảo có trong danh sách được cấp thuốc, chăm sóc, điều trị.
Phát biểu tại cuộc họp báo chiều ngày 27/9, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết, thống kê của ngành y tế TP xác định có khoảng 150.000 ca có kết quả test nhanh dương tính với Covid-19 (F0) chưa được Bộ Y tế cấp mã số để quản lý. Điều này có nghĩa số ca F0 tại TP thực tế sẽ cao hơn rất nhiều so với con số Bộ Y tế đã công bố vừa qua.
Cụ thể, số F0 tại TP Hồ Chí Minh sẽ tăng lên 520.000 ca chứ không phải 370.000 ca như hiện nay. Vì vậy, lãnh đạo Sở Y tế kiến nghị Bộ Y tế cấp mã bệnh nhân cho các F0 được phát hiện qua test nhanh.
“Theo quy định của Bộ Y tế, để xác định một trường hợp là F0 cần xác định bằng kỹ thuật RT-PCR. Còn việc test nhanh có hạn chế là làm độ nhạy và đặt hiệu không cao. Tuy nhiên, tháng 8 và tháng 9 vừa qua, số ca bệnh tăng nhanh. Trong bối cảnh đó, về khoa học, một trường hợp có biểu hiện lâm sàng mắc Covid-19 qua test nhanh thì cần được xác nhận nhiễm để điều trị thay vì chờ kết quả RT-PCR. Do đó, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đã có công văn cho phép công nhận người có kết quả test nhanh dương tính là F0” - Phó Giám đốc Sở Y tế TP cho hay.
Thời gian qua, TP Hồ Chí Minh đã ghi nhận tất cả trường hợp test nhanh dương tính là F0 và quản lý đúng quy định, đảm bảo điều kiện cách ly, phát gói thuốc A-B-C để chăm sóc tại nhà. Tất cả bệnh nhân này đều có trong danh sách của TP và được cấp thuốc, điều trị.
Liên quan đến việc nếu được cấp bổ sung mã số, ảnh hưởng như thế nào tới tiêu chí đánh giá dịch bệnh của TP, ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu nhấn mạnh, 150.000 bệnh nhân này là những trường hợp đã được tiếp nhận, được lập danh sách và đã được điều trị, theo dõi đầy đủ. Tuy nhiên, khi được cấp mã số sẽ ảnh hưởng tới mẫu số phân tích.
Theo dự thảo hướng dẫn "Thích ứng an toàn với dịch Covid-19" mới đây của Bộ Y tế xây dựng dựa trên quy định của tổ chức Y tế thế giới (WHO) số ca mắc mới chỉ là một tiêu chí trong những tiêu chí đánh giá mức độ an toàn. Trong bối cảnh vaccine đã bao phủ thì con số mắc mới chỉ là một tiêu chí để phân các cấp độ nguy cơ 1,2,3,4.
Hiện tại, TP đang ở cấp bộ cao nhất rồi thì việc bổ sung thêm 150.000 F0 sẽ không ảnh hưởng tới tiêu chí ca mắc mới, ông Châu cho biết và nhấn mạnh nếu đẩy mạnh tiêu chí bao phủ vaccine trong cộng đồng và tiêm vaccine cho người trên 50 tuổi sẽ giúp TP có thể xuống cấp độ thấp hơn.
Tính đến 27/9, TP ghi nhận ghi nhận hơn 371.000 ca F0 và trải qua gần 4 tháng giãn cách với nhiều cấp độ khác nhau.
Sở Y tế đang tính toán phương án thu hẹp dần các bệnh viện dã chiến, cơ sở thu dung F0, trả lại công năng cho một số bệnh viện tham gia điều trị Covid-19 để tiếp nhận các bệnh thông thường khác. Tuy nhiên, lộ trình thu hẹp này cần tính toán song song với lộ trình mở cửa để ngưỡng đáp ứng của ngành y tế luôn được duy trì ở mức an toàn.
Yêu cầu chấn chỉnh tình trạng đưa F0 đi cách ly tập trung
Sở Y tế TP Hồ Chí Minh vừa có công văn khẩn gửi Chủ tịch UBND quận 7, 12, Bình Tân, Tân Bình, Tân Phú và huyện Bình Chánh về phản ánh của người dân qua đường dây nóng, liên quan việc các địa bàn trên yêu cầu người F0 phải đi cách ly tập trung dù họ đáp ứng điều kiện và có nguyện vọng cách ly tại nhà.
Sở Y tế nhận định điều này đã gây bức xúc cho người dân và kéo theo tâm lý hoang mang, lo lắng cho người F0.
Để chấn chỉnh nội dung trên, Sở Y tế đề nghị Chủ tịch UBND các quận, huyện tạo điều kiện cho F0 được cách ly tại nhà. Các F0 chỉ được chuyển cách ly tập trung khi không đủ điều kiện cách ly tại nhà như đông người, diện tích chật hẹp hoặc có bệnh nền chưa ổn định.
Sở Y tế cho biết sẽ kiến nghị Bộ Y tế cho phép thành phố mở rộng điều kiện cách ly tại nhà để phù hợp với mong muốn của người dân.