Bộ Y tế đặt chuyển đổi số là trọng tâm công tác, tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận dịch vụ
Bộ Y tế đặt chuyển đổi số là một trọng tâm công tác của ngành y tế, ưu tiên nguồn lực, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận các dịch vụ y tế.
GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế đã nhấn mạnh thông tin này tại hội nghị quốc tế y tế số năm 2023 diễn ra từ ngày 8 - 9/11 tại Hà Nội.
Sự kiện do Hội Quân y Việt Nam, Viện Chiến lược và Chính sách Y tế (Bộ Y tế) và Viện Nghiên cứu đổi mới y tế Iverson thuộc Đại học Công nghệ Swinburne, Australia phối hợp tổ chức trực tiếp và trực tuyến nhằm tăng cường hợp tác giữa Việt Nam - Australia trong phát triển hệ thống y tế, an ninh y tế.
Đây là dịp để các nhà lãnh đạo, nghiên cứu, chuyên gia trong lĩnh vực y tế số và chăm sóc sức khỏe chia sẻ về chính sách, chiến lược, sáng kiến, kinh nghiệm ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực y tế.
COVID-19 đã làm bộc lộ những thiếu sót, hạn chế trong cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe của hệ thống y tế thế giới, đặc biệt ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Điều này đòi hỏi Chính phủ các nước phải nhanh chóng củng cố hệ thống y tế để đảm bảo cung ứng chăm sóc y tế thiết yếu không bị gián đoạn trong mọi hoàn cảnh.
Tại Việt Nam, chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số được xác định là xu thế tất yếu. Trong chương trình chuyển đổi số y tế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Bộ Y tế xác định rõ tới năm 2025 phải xây dựng được nền y tế thông minh với 3 nội dung chính là phòng bệnh thông minh, khám chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn khẳng định, với sự quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện của Đảng, Chính phủ, sự nỗ lực cố gắng của toàn ngành y tế, sự hợp tác, giúp đỡ của các ban, bộ, ngành và bạn bè quốc tế, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số phục vụ sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân đã có bước phát triển. Người dân, người bệnh đã được hưởng lợi từ chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác y tế.
"Chương trình chuyển đổi số quốc gia, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận các dịch vụ y tế" - Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nói.
Cũng theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, trong công tác quản lý điều hành của Bộ Y tế, của các đơn vị y tế trong ngành cần phải được chuyển đổi thực hiện trên môi trường số, thông qua việc số hóa toàn bộ thông tin quản lý hệ thống nhân lực, nguồn lực, công tác cấp phép, cấp số đăng ký,… đồng thời với việc đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật thông tin trên môi trường mạng.
"Để thực hiện mục tiêu đó, rất cần sự vào cuộc, tập trung nguồn lực, trí tuệ của toàn ngành y tế, của người dân và doanh nghiệp, sự hợp tác, giúp đỡ của bạn bè quốc tế" - Thứ trưởng Bộ Y tế nói.
PGS.TS Trần Quý Tường - Chủ tịch Hội Tin học Y tế Việt Nam chia sẻ, chuyển đổi số y tế hướng tới hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận, sử dụng các dịch vụ y tế có hiệu quả cao, được bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe liên tục, trọn đời. Chuyển đổi số góp phần xây dựng hệ thống y tế Việt Nam hiện đại, chất lượng, công bằng, hiệu quả và hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, ông Tường cũng cho hay tại Việt Nam, chuyển đổi số y tế gặp phải nhiều khó khăn, trong đó hạ tầng công nghệ thông tin tại nhiều bệnh viện còn thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được triển khai bệnh án điện tử (EMR).
Bên cạnh đó, còn thiếu cơ chế tài chính cho công nghệ thông tin y tế nói chung và triển khai bệnh án điện tử nói riêng. Ngoài ra, còn thiếu tiêu chuẩn và hướng dẫn, kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin y tế.
Tại hội nghị, các diễn giả chia sẻ kinh nghiệm về phát triển và triển khai ứng dụng sức khỏe kỹ thuật số, quản trị dữ liệu y tế đảm bảo tính toàn vẹn, bảo mật dữ liệu y tế, ứng dụng internet trong khám bệnh từ xa, số hóa chăm sóc sức khỏe ban đầu...
Đây cũng là cơ hội để các đơn vị giới thiệu sản phẩm công nghệ 4.0, hệ thống phân tích dữ liệu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo giúp các hệ thống y tế hỗ trợ công tác chăm sóc sức khỏe; thúc đẩy hợp tác Việt Nam - Australia trong chuyển đổi hệ thống y tế với mô hình chăm sóc lấy nhân dân làm trung tâm thông qua các giải pháp y tế kỹ thuật số.