Bộ Y tế đề xuất bảo hiểm y tế thanh toán 100% cho người mắc bệnh hiểm nghèo

Bộ Y tế đề xuất quy định hưởng bảo hiểm y tế 100% trong phạm vi mức hưởng đối với người bệnh được chẩn đoán xác định mắc bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, trong đó có ung thư, đột quỵ...

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Đề xuất được Bộ Y tế nêu trong báo cáo đánh giá tác động của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế lần 2. Dự thảo luật đang lấy ý kiến rộng rãi và sẽ kết thúc vào ngày 12/10 tới đây.

TĂNG MỨC CHI TRẢ TRONG PHẠM VI ĐƯỢC HƯỞNG

Bộ Y tế cho biết hằng năm, bình quân Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả từ 87% - 89% tổng chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, người tham gia có trách nhiệm đồng chi trả từ 11% - 13%.

Việc tham gia bảo hiểm y tế đã góp phần giảm chi tiêu tiền túi của hộ gia đình cho chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, hiện nay, tỷ lệ chi tiền túi tại Việt Nam vẫn tương đối cao, chiếm khoảng 45% chi phí y tế.

Một số nguyên nhân có thể dẫn đến điều này có thể kể tới như do tăng sử dụng dịch vụ y tế. Số tiền cùng chi trả cũng như số tiền tự trả cho thuốc, vật tư tiêu hao, hoặc các dịch vụ ngoài danh mục bảo hiểm y tế, dẫn tới tăng mức trả tiền túi…

Vì thế, trong nội dung về điều chỉnh phạm vi quyền lợi bảo hiểm y tế phù hợp với mức đóng bảo hiểm y tế và yêu cầu chăm sóc sức khỏe trong từng giai đoạn, Bộ Y tế đề xuất quy định tỷ lệ hưởng bảo hiểm y tế 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng và mức hưởng đối với một số trường hợp.

Cụ thể, bổ sung quy định người bệnh được chẩn đoán xác định đối với một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật, hoặc sử dụng kỹ thuật cao được đến khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có chuyên khoa thuộc cấp chuyên môn kỹ thuật cao hơn, hoặc một số trường hợp cấp dưới không đủ năng lực chuyên môn theo quy định của Bộ Y tế, được Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo mức hưởng quy định.

Đồng thời, quy định mức hưởng bảo hiểm y tế 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với một số trường hợp đặc thù không phải theo trình tự, thủ tục khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, phân cấp chuyên môn kỹ thuật liên quan đến khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Luật cũng đề xuất giao thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan quy định theo lộ trình khi đủ điều kiện việc khám bệnh để đánh giá nguy cơ và điều trị ngăn ngừa sự xuất hiện, tiến triển của một số bệnh phù hợp với khả năng cân đối của quỹ.

Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ thực hiện lộ trình ưu tiên theo khả năng cân đối quỹ, các bệnh lý được ưu tiên mở rộng chi trả bao gồm: ung thư cổ tử cung; ung thư vú, tăng huyết áp; đái tháo đường; viêm gan C, B.

NGƯỜI DÂN TIẾT KIỆM ĐƯỢC CHI PHÍ

Theo đánh giá của Bộ Y tế, quy định đề xuất như trên sẽ giúp tiết kiệm chi cho Quỹ Bảo hiểm y tế do người bệnh không phải khám nhiều lần ở cấp dưới và khám lại ở cấp trên.

Từ đó, góp phần giảm số lượt khám bệnh và tăng tính hiệu quả của mỗi đợt điều trị. Người dân tiết kiệm chi phí đi lại và chi phí đồng chi trả trong trường hợp phải tự đi khám, chữa bệnh vượt cấp.

Người dân đi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Ảnh: Duy Nguyễn.

Người dân đi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Ảnh: Duy Nguyễn.

Theo danh mục bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo bao gồm 42 loại bệnh như ung thư, phẫu thuật động mạch vành, đột quỵ, mất thính lực, bệnh Parkinson, bại liệt,....

Với đề xuất trên, người mắc các bệnh trong danh mục sẽ không cần phải theo trình tự, thủ tục khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, nhưng vẫn được hưởng tối đa chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi được hưởng và mức hưởng.

Theo đại diện Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế), điều này không đồng nghĩa với việc bảo hiểm y tế chi trả 100% chi phí khám, điều trị bệnh, mà người bệnh sẽ được chi trả tối đa chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi được hưởng.

Theo đó, chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng và mức hưởng theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế hiện hành theo tỷ lệ thanh toán 80%, 95% và 100% đối với từng trường hợp cụ thể.

Ví dụ những bệnh nhân mắc bệnh về máu, tim mạch,… là những bệnh chỉ có cơ sở y tế chuyên môn tuyến cuối mới điều trị được, người bệnh không cần xin giấy chuyển tuyến theo trình tự. Bệnh nhân đến cơ sở chuyên môn và được hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng và mức hưởng theo quy định.

Tương tự, với những bệnh nhân mắc bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo,… cũng sẽ được chi hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng và mức hưởng theo quy định, mà không cần chuyển tuyến theo trình tự khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Tuy nhiên, trường hợp tỷ lệ hưởng bảo hiểm y tế 100% theo phạm vi được hưởng cho người bệnh vượt tuyến chỉ được áp dụng đối với một số trường hợp đặc biệt, một số loại bệnh chứ không phải tất cả.

Việc này nhằm tánh tình trạng người dân ồ ạt lên tuyến chuyên môn cao để điều trị các loại bệnh thông thường, gây tình trạng quá tải.

Theo Bộ Y tế, tính đến hết năm 2023, tổng số người tham gia bảo hiểm y tế đạt 93,628 triệu người, tương ứng tỷ lệ bao phủ 93,35% dân số. Chính sách bảo hiểm y tế đã bảo đảm nguyên tắc chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia bảo hiểm y tế, đồng thời cũng đảm nhận nhiều chính sách phúc lợi xã hội khác.

Mặc dù trong các năm 2017-2019 có số thu bảo hiểm y tế dành cho khám, chữa bệnh trong năm thấp hơn số chi, ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong các năm 2020-2022, nhưng tính chung từ năm 2010 đến năm 2022, Quỹ Bảo hiểm y tế bảo đảm cân đối thu chi và có kết dư.

Từ đó, góp phần tạo ra nguồn tài chính ổn định cho công tác khám, chữa bệnh, bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế, trở thành nguồn tài chính cơ bản phục vụ cho hoạt động của các bệnh viện.

Nhật Dương

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/bo-y-te-de-xuat-bao-hiem-y-te-thanh-toan-100-cho-nguoi-mac-benh-hiem-ngheo.htm