Bộ Y tế đề xuất chính sách hỗ trợ học phí cho sinh viên y dược như sư phạm
Bộ Y tế đề xuất phê duyệt một số chính sách đãi ngộ, thu hút tương đương với ngành Sư phạm. Theo đó, Bộ kiến nghị sinh viên y, dược được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo nơi theo học.
Đây là một trong 8 đề xuất, kiến nghị của Bộ Y tế gửi tới Chính phủ, các bộ ngành, trong báo cáo tại Hội nghị triển khai công tác năm 2025 diễn ra ngày 24/12.
Cụ thể, Bộ Y tế kiến nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo, ban hành các chế độ, chính sách đãi ngộ, thu hút nhân lực ngành y; Chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu, phê duyệt một số chính sách đãi ngộ, thu hút tương đương với ngành sư phạm.
Sinh viên y, dược được nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo nơi theo học; hỗ trợ chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.
Đây không phải lần đầu tiên Bộ Y tế đưa ra kiến nghị này. Trong Kế hoạch bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân năm 2025 ban hành hồi tháng 7, cơ quan này cũng từng đưa ra đề xuất tương tự.
Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm. Hiện sinh viên sư phạm được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi theo học; được hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.
Việt Nam hiện có 214 cơ sở đào tạo nhân lực y tế, trong đó 66 cơ sở giáo dục đại học, 139 cơ sở giáo dục nghề nghiệp... Trong đó, Bộ Y tế quản lý 22 trường và viện. Các cơ sở đào tạo nhân lực y tế tiếp tục phát triển cả công lập và ngoài công lập, mở rộng các chuyên ngành đào tạo. Năm 2023, gần 11.300 bác sĩ và 8.470 dược sĩ tốt nghiệp. Con số này với điều dưỡng viên tốt nghiệp năm 2023 là gần 18.200.
Trong năm học 2024 - 2025, không tính ngành thuộc chương trình đào tạo liên kết, y khoa là ngành có học phí cao nhất tại các trường, dao động từ 45 đến 55 triệu đồng/năm. Riêng Trường Đại học Dược Hà Nội có chương trình liên kết đào tạo với ĐH Sydney, Australia có học phí ngành Dược học lên tới 150 triệu đồng khi học tại Việt Nam.
Nhân lực y tế thiếu về số lượng và chất lượng, lại mất cân đối
Bộ Y tế đánh giá, quy mô nhân lực y tế của Việt Nam tăng không đáng kể trong 10 năm qua (chỉ 2,33%). Tổng nhân lực ngành y hiện là hơn 431.700 người, thấp hơn nhiều so với dự kiến hơn 632.500 người (theo quy hoạch tới năm 2020).
Nhân lực y tế tập trung chủ yếu ở tuyến tỉnh, huyện (hơn 86%), trong khi ở tuyến trung ương chỉ chiếm 8,33%. Tỷ lệ bác sĩ ở trung ương chiếm gần 10% và điều dưỡng là 8,45%.
"Thiếu về số lượng và chất lượng, đồng thời mất cân đối về nhân lực y tế cả về phân bố và cơ cấu cán bộ chuyên môn", Bộ Y tế nhìn nhận thẳng thắn về thực trạng này. Tại các cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt là các bệnh viện công lập có cơ cấu nhân lực chuyên môn lâm sàng chưa đáp ứng được với yêu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc bệnh nhân và có nguy cơ không đảm bảo chất lượng dịch vụ, an toàn bệnh nhân.
Theo khuyến cáo của quốc tế, tỷ lệ điều dưỡng trên bác sĩ phải đạt trên 2 và yêu cầu một điều dưỡng không phụ trách quá 7-8 bệnh nhân nội trú. Tỷ lệ này ở các khoa phẫu thuật, chăm sóc tích cực là 4/1.
"Tuy nhiên hiện nay, các bệnh viện công lập chỉ đạt được tỷ lệ 1,2-1,5 điều dưỡng/bác sĩ và 1 điều dưỡng vẫn phải phụ trách chăm sóc trung bình 10-15 giường bệnh nội trú", Bộ Y tế cho biết.
Tại Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2025 ngày 24/12, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết ngành y tế đã hoàn thành 3/3 chỉ tiêu được Quốc hội giao, trong đó vượt 2 chỉ tiêu được giao về số bác sĩ/vạn dân (giao 13,5, đạt 14) và số giường bệnh/vạn dân (giao 32,5, đạt 34); đạt chỉ tiêu về tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế; cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu lớn của ngành, lĩnh vực năm 2024 được Chính phủ giao.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Y tế, phân tích từng vùng, từng tỉnh, mật độ bác sĩ/10.000 dân lại có sự khác biệt. Đơn cử, vùng Đông Nam bộ có mật độ 10,6 bác sĩ/10.000; riêng 5 tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai, con số này lại rất thấp, lần lượt là: 4,3-3,6-5,8-5,9 và 7,5.
Sắp xếp tổ chức bộ máy các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Y tế
Bộ Y tế đã trình Chính phủ Đề án sắp xếp các bệnh viện trực thuộc Bộ. Trong đó dự kiến sắp xếp giảm 4 bệnh viện chuyển giao về các Bộ, ngành địa phương quản lý.
Cụ thể: Bệnh viện 74 Trung ương chuyển giao nguyên trạng về UBND tỉnh Vĩnh Phúc; Bệnh viện 71 Trung ương và Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng Trung ương tổ chức lại thành hai bệnh viện thực hành của Trường Đại học Y Hà Nội; Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam tổ chức lại thành cơ sở 3 của Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế. Hiện cơ quan này đang hoàn thiện lại đề án theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà.