Bộ Y tế đề xuất chính sách hỗ trợ học phí cho sinh viên y, dược như sư phạm

Đây là 1 trong số 8 đề xuất, kiến nghị của Bộ Y tế gửi tới Chính phủ, các bộ ngành, trong báo cáo tại Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2025 diễn ra sáng 24/12.

 Một tiết học thực hành của sinh viên ngành y, Trường Đại học Đại Nam. Ảnh: NVCC

Một tiết học thực hành của sinh viên ngành y, Trường Đại học Đại Nam. Ảnh: NVCC

Theo đó, Bộ Y tế kiến nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo, ban hành các chế độ, chính sách đãi ngộ, thu hút nhân lực ngành y; Chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu, phê duyệt một số chính sách đãi ngộ, thu hút tương đương với ngành sư phạm.

Sinh viên y, dược được nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo nơi theo học; hỗ trợ chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.

Đây không phải lần đầu tiên Bộ Y tế đưa ra kiến nghị này. Trong Kế hoạch bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân năm 2025 ban hành hồi tháng 7, cơ quan này cũng từng đưa ra đề xuất tương tự.

Đề nghị này được đưa ra trong bối cảnh, nhân lực y tế tại nước ta vẫn đang trong tình trạng thiếu trầm trọng. Trong đó, năm 2023, chỉ tính riêng nhân lực y tế, số thiếu hụt là khoảng 23.800 người,...Tại các bệnh viện từ trung ương đến cơ sở, số bác sĩ điều trị, điều dưỡng cũng thiếu hụt hàng chục nghìn người.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, quy mô nhân lực y tế của Việt Nam tăng không đáng kể trong 10 năm qua (chỉ 2,33%). Tổng nhân lực ngành y hiện là hơn 431.700 người, thấp hơn nhiều so với dự kiến hơn 632.500 người (theo quy hoạch tới năm 2020). Nhân lực y tế tập trung chủ yếu ở tuyến tỉnh, huyện (hơn 86%), trong khi ở tuyến trung ương chỉ chiếm 8,33%. Tỷ lệ bác sĩ ở trung ương chiếm gần 10% và điều dưỡng là 8,45%.

"Thiếu về số lượng và chất lượng, đồng thời mất cân đối về nhân lực y tế cả về phân bố và cơ cấu cán bộ chuyên môn. Tại các cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt là các bệnh viện công lập có cơ cấu nhân lực chuyên môn lâm sàng chưa đáp ứng được với yêu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc bệnh nhân và có nguy cơ không đảm bảo chất lượng dịch vụ, an toàn bệnh nhân" - Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho hay.

Việt Nam hiện có 214 cơ sở đào tạo nhân lực y tế, trong đó 66 cơ sở giáo dục đại học, 139 cơ sở giáo dục nghề nghiệp... Năm 2023, gần 11.300 bác sĩ và 8.470 dược sĩ tốt nghiệp. Con số này với điều dưỡng viên tốt nghiệp năm 2023 là gần 18.200.

Để bổ sung nhân lực vào số lượng thiếu hụt thì cần đẩy mạnh ở công tác đào tạo. Tuy nhiên đến hiện tại, học phí đào tạo ngành y, dược vẫn đang (không tính ngành thuộc chương trình đào tạo liên kết) thuộc top ngành có học phí cao nhất tại các trường, dao động từ 45 đến 55 triệu đồng/năm. Riêng Trường Đại học Dược Hà Nội có chương trình liên kết đào tạo với ĐH Sydney, Australia có học phí ngành Dược học lên tới 150 triệu đồng khi học tại Việt Nam.

Trong khi đó, hiện sinh viên sư phạm đang được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi theo học, được hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.

"Việc đầu vào khắt khe và quan trọng là học phí cao đã khiến số lượng các bạn trẻ lựa chọn ngành học này bị hạn chế hơn, cũng từ đó, kéo theo việc bổ sung nguồn nhân lực kế cận cũng bị ảnh hưởng"- Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.

PV

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/bo-y-te-de-xuat-chinh-sach-ho-tro-hoc-phi-cho-sinh-vien-y-duoc-nhu-su-pham-20241224123605851.htm