Bộ Y tế đề xuất nghiên cứu vấn đề nồng độ cồn trong khí thở của người điều khiển phương tiện giao thông
Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) vừa có công văn gửi các chuyên gia, một số đơn vị chuyên khoa, đề nghị nghiên cứu, cho ý kiến đề xuất về vấn đề nồng độ cồn trong máu hoặc khí thở của người điều khiển các phương tiện giao thông.
Cục Quản lý khám, chữa bệnh cho biết, việc này làm cơ sở để xử phạt theo yêu cầu của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia.
Theo đó, Cục Quản lý khám, chữa bệnh đề nghị các chuyên gia, đơn vị nghiên cứu, cho ý kiến và gửi các đề xuất nội dung quy định về Cục Quản lý khám, chữa bệnh trước 20/2, để tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ Y tế.
"Đề xuất từ các chuyên gia, các đơn vị chuyên môn là cơ sở để đơn vị nghiên cứu, đề xuất quy định nồng độ cồn trong máu hoặc trong khí thở khi lái xe.
Việc đề xuất được căn cứ từ khía cạnh y tế là: nồng độ cồn phát hiện trong cơ thể không do sử dụng rượu, bia; giới hạn nồng độ cồn trong máu hoặc khí thở của người điều khiển phương tiện giao thông" - Cục Quản lý khám, chữa bệnh cho hay.
Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế bày tỏ ủng hộ việc xử lý vi phạm hành chính khi người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm quy định về nồng độ cồn, đặc biệt, khi gây tai nạn sẽ xử lý hình sự.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Trọng Khoa cũng cho rằng khi đưa ra các quy định pháp luật mới cần tham khảo các nước trên thế giới để phù hợp, hài hòa.
Được biết, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ hiện quy định ba ngưỡng nồng độ cồn, tương ứng với ba mức xử phạt đối với người điều khiển xe máy, ôtô, như sau:
Với xe máy, mức thấp nhất chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc chưa quá 0,25 mg/lít khí thở thì người điều khiển bị phạt 2-3 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 10-12 tháng.
Mức cao nhất vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc quá 0,4 mg/lít khí thở thì người điều khiển bị phạt 6-8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22-24 tháng.
Với ôtô, mức thấp nhất chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc chưa quá 0,25 mg/lít khí thở thì tài xế bị phạt 6-8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 10-12 tháng.
Mức cao nhất vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc quá 0,4 mg/lít khí thở thì tài xế bị phạt 30-40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22-24 tháng./.