Bộ Y tế đề xuất phụ cấp mổ, tiền trực cho nhân viên y tế tăng gần gấp 3 lần hiện tại

Theo Bộ Y tế, hiện nay các mức phụ cấp gồm phụ cấp trực, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật, phụ cấp chống dịch và mức hỗ trợ tiền ăn đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập là quá thấp và không còn phù hợp với tình hình kinh tế, đời sống hiện nay.

Bộ Y tế đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập, chế độ phụ cấp chống dịch; chế độ hỗ trợ nhân viên y tế thôn, tổ dân phố và cô đỡ thôn, bản.

Phụ cấp hiện tại quá thấp, không còn phù hợp với tình hình kinh tế, đời sống hiện nay

Theo Bộ Y tế, hiện nay các mức phụ cấp gồm phụ cấp trực, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật, phụ cấp chống dịch và mức hỗ trợ tiền ăn đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập được áp dụng theo quy định tại Quyết định 73/2011 của Thủ tướng Chính phủ là quá thấp và không còn phù hợp với tình hình kinh tế, đời sống hiện nay.

Việc xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập và phụ cấp chống dịch theo hướng điều chỉnh nâng mức phụ cấp đặc thù để đảm bảo phù hợp với mức lương tối thiểu mới từ ngày 1/7/2024 là phù hợp với thực tế, đảm bảo đời sống tối thiểu, tiền công cho người lao động khi thực hiện nhiệm vụ.

Cũng theo Bộ Y tế, đến thời điểm hiện tại, cả nước có 33 bệnh viện trong mạng lưới vận động hiến tạng thành lập tổ tư vấn. Trong đó, số lượng tổ tư vấn hoạt động hiệu quả không nhiều do nguyên nhân chế độ đãi ngộ chưa thực sự phù hợp.

Các mức phụ cấp trực, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật, phụ cấp chống dịch và mức hỗ trợ tiền ăn đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập là quá thấp. ( ảnh minh họa)

Các mức phụ cấp trực, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật, phụ cấp chống dịch và mức hỗ trợ tiền ăn đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập là quá thấp. ( ảnh minh họa)

Các hoạt động chết não, hồi sức chết não, lấy tạng, lấy mô, bảo quản, vận chuyển, điều phối và một số hoạt động ghép khác... chưa có chính sách cụ thể.

Để phát triển ngành ghép tạng vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt trong hoạt động và điều phối ghép mô, bộ phận cơ thể người, việc xây dựng chế độ phụ cấp đối với nhân lực tham gia các hoạt động tư vấn, điều phối, lấy, vận chuyển, bảo quản mô, bộ phận cơ thể người là rất cần thiết.

Cùng với đó, theo Bộ Y tế, Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 đã có các quy định về cấp cứu ngoại viện. Đây là một hoạt động cấp cứu, cơ sở cấp cứu ngoại viện phải tổ chức trực khám chữa bệnh liên tục.

Tuy nhiên, hiện nay các cơ sở cấp cứu ngoại viện công lập áp dụng không giống nhau các quy định về chế độ trực cấp cứu ngoại viện cũng như phụ cấp trực cho nhân viên y tế tham gia vào hoạt động này.

"Trong cấp cứu ngoại viện, việc điều phối cấp cứu ngoại viện rất quan trọng, đảm bảo kíp cấp cứu tiếp cận bệnh nhân nhanh chóng, hiệu quả, tư vấn hướng dẫn người dân sơ cứu trong khi chờ xe tới nhưng cũng chưa có chế độ đãi ngộ phù hợp"- Bộ Y tế nhấn mạnh.

Do đó, theo Bộ Y tế, để phát triển ngành cấp cứu ngoại viện, để hoạt động điều phối cấp cứu ngoại viện hiệu quả hơn nữa, việc xây dựng chế độ phụ cấp đối với nhân lực tham gia hoạt động này là rất cần thiết.

Đối với chế độ hỗ trợ nhân viên y tế thôn, tổ dân phố và cô đỡ thôn, bản, theo quy định tại Quyết định 75/2009 của Thủ tướng Chính phủ, theo Bộ Y tế, phạm vi áp dụng quy định mỗi thôn, bản được bố trí từ 01 đến 02 nhân viên y tế, căn cứ vào quy mô dân số và địa bàn hoạt động; trong khi đó, mức phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn, bản lại không áp dụng đối với nhân viên y tế thôn, bản tại các tổ dân phố thuộc các phường, thị trấn; do đó, đã xuất hiện tình trạng nhân viên y tế ở các tổ dân phố thuộc phường, thị trấn không tham gia hoạt động vì không thuộc phạm vi, đối tượng áp dụng mà do địa phương tự cân đối và vận dụng chi trả phụ cấp

Cùng đó, trong thời gian công tác, nhân viên y tế thôn, bản được hưởng phụ cấp hàng tháng bằng 0,5 và 0,3 so với mức lương cơ sở.

"Trong giai đoạn hiện nay, mức phụ cấp hàng tháng này chưa thực sự đáp ứng để động viên, khuyến khích đội ngũ này hoạt động. Nhiều nhân viên y tế thôn, bản đã bỏ việc, hoặc không còn nhiệt tình tham gia các hoạt động để làm việc khác, lo cho cuộc sống gia đình, bản thân"- Bộ Y tế nhấn mạnh.

Việc ban hành Nghị định quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập, chế độ phụ cấp chống dịch; chế độ hỗ trợ nhân viên y tế thôn, tổ dân phố và cô đỡ thôn, bản thời điểm hiện nay là cần thiết, đó là cơ sở để các địa phương, các cơ sở y tế công lập ban hành các quy định và thực hiện một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập, chế độ phụ cấp chống dịch và chế độ hỗ trợ nhân viên y tế thôn, tổ dân phố; cô đỡ thôn, bản nhằm đảm bảo duy trì ổn định nhận lực thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân...

Đề xuất các mức phụ cấp trực, phẫu thuật, chống dịch, hỗ trợ tiền ăn... cho nhân viên y tế đều tăng

Mức phụ cấp phẫu thuật được đề xuất như sau:

Đề xuất mức phụ cấp phẫu thuật của nhân viên y tế điều chỉnh tăng so với phụ cấp hiện hành.

Đề xuất mức phụ cấp phẫu thuật của nhân viên y tế điều chỉnh tăng so với phụ cấp hiện hành.

Như vậy theo đề xuất mới, mức tăng cao nhất (loại đặc biệt) cho người phẫu thuật chính, người gây mê hoặc châm tê chính là 510.000 đồng (hơn 2,8 lần mức hiện nay; Loại 1 cho đối tượng này tăng 230.000 đồng so với hiện hành; Loại 2 cho đối tượng này tăng 120.000 đồng; Loại 3, cho đối tượng này tăng 90.000 đồng so với hiện tại.

Mức phụ cấp trực được đề xuất như sau:

Với phụ cấp trực, dự thảo Nghị định mới bổ sung đối tượng áp dụng là viên chức, người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động làm việc tại các tại các cơ sở cấp cứu ngoại viện, các tổ chức giám định tư pháp công lập về pháp y thuộc ngành y tế và Trung tâm Điều phối quốc gia về Ghép bộ phận cơ thể người.

Đề xuất mức phụ cấp trực của nhân viên y tế điều chỉnh tăng so với phụ cấp hiện hành.

Đề xuất mức phụ cấp trực của nhân viên y tế điều chỉnh tăng so với phụ cấp hiện hành.

Theo đó, dự thảo, mức phụ cấp trực của Bệnh viện hạng I, hạng đặc biệt; Viện Pháp y tâm thần Trung ương; Viện pháp Y tâm thần Trung ương Biên Hòa tăng 210.000 đồng so với hiện hành;

Bệnh viện hạng II; Viện Pháp y quốc gia; Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực; Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (đối với trực điều phối lấy, ghép, vận chuyển, bảo quản mô, bộ phận cơ thể người) tăng 165.000 đồng so với hiện hành;

Các bệnh viện còn lại và các cơ sở khác tương đương; Trung tâm Pháp y cấp tỉnh; Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (đối với trực tư vấn, vận động hiến tặng mô, bộ phân cơ thể người) tăng 120.000 đồng so với hiện hành;

Trạm y tế xã, trạm y tế quân dân y tăng 45.000 đồng so với quy định hiện hành; Mức hỗ trợ tiền ăn tăng 25.000 đồng so với hiện hành.

Dự thảo Nghị định nêu rõ, kinh phí để thực hiện chế độ phụ cấp trực, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật tại cơ sở khám chữa bệnh được lấy từ nguồn ngân sách nhà nước giao cho đơn vị theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành, nguồn thu sự nghiệp của đơn vị được để lại theo quy định, và nguồn thu hợp pháp khác của đơn vị (nếu có).

Dự thảo cũng đề xuất tăng phụ cấp đối với người tham gia chống dịch.Cụ thể, người tham gia chống dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A được hưởng 425.000 đồng/ngày/người, tăng gần 3 lần so với hiện hành (theo quy định hiện hành là 150.000 đồng/ngày/người); bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B hưởng 280.000 đồng/ngày/người, tăng 2,8 lần so với hiện hành (hiện nay là 100.000 đồng/ngày/người); bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm C hưởng 210.000 đồng/ngày/người, tăng gần 3 lần so với hiện hành (hiện nay là 75.000 đồng/ngày/người).

Kinh phí thực hiện chế độ phụ cấp chống dịch do ngân sách nhà nước bảo đảm theo phân cấp quản lý ngân sách hiện hành.

Đối với nhân viên y tế thôn, tổ dân phố và cô đỡ thôn bản, Bộ Y tế đề xuất mức hỗ trợ hàng tháng bằng 0,7 và 0,5 so với mức lương cơ sở.Cụ thể, mức 0,7 áp dụng đối với nhân viên y tế thôn, tổ dân phố và cô đỡ thôn, bản làm việc tại thôn có từ 350 hộ gia đình trở lên; các thôn, bản tại các xã vùng khó khăn; các tổ dân phố, khu phố có từ 500 hộ gia đình trở lên.

Mức 0,5 áp dụng đối với nhân viên y tế thôn, tổ dân phố và cô đỡ thôn, bản làm việc tại thôn, bản, tổ dân phố còn lại.

Nguồn kinh phí chi trả hỗ trợ hàng tháng đối với nhân viên y tế thôn, bản, tổ dân phố do ngân sách địa phương đảm bảo theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn hiện hành.

Liên quan đến vấn đề về phụ cấp cho nhân viên y tế, thời gian qua đã có nhiều ý kiến của cử tri gửi Bộ Y tế về nội dung này, trong trả lời cử tri, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thông tin, Bộ Y tế đang khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị định quy định một số chế độ phụ cấp cho nhân viên y tế, dự kiến trình Chính phủ vào tháng 6/2025.

Bài và ảnh Thái Bình

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bo-y-te-de-xuat-phu-cap-mo-tien-truc-cho-nhan-vien-y-te-tang-gan-gap-3-lan-hien-tai-169250406233530309.htm