Bộ Y tế đề xuất ưu đãi chế độ nghỉ thai sản, hỗ trợ bằng tiền mặt hoặc hiện vật khi sinh con một bề, có 2 con gái

Sáng nay (11/7), Bộ Y tế phối hợp với Văn phòng Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam long trọng tổ chức Lễ mít tinh kỷ niệm ngày dân số Thế giới 11/7/2025 với chủ đề: 'Quyền tự quyết về sinh sản trong một thế giới đang thay đổi'.

Tham dự buổi lễ có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; ông Nguyễn Minh Triết, Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, bà Pauline Tamesis, Điều phối viên Thường trú Liên Hợp quốc tại Việt Nam; ông Matt Jackson, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam, cùng nhiều lãnh đạo bộ, ban, ngành, tổ chức đoàn thể.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, bà Pauline Tamesis, ông Matt Jackson, ông Nguyễn Minh Triết, Cục trưởng Cục Dân số Lê Thanh Dũng cùng nhấn nút khởi động và lan tỏa các thông điệp hưởng ứng Ngày Dân số thế giới.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, bà Pauline Tamesis, ông Matt Jackson, ông Nguyễn Minh Triết, Cục trưởng Cục Dân số Lê Thanh Dũng cùng nhấn nút khởi động và lan tỏa các thông điệp hưởng ứng Ngày Dân số thế giới.

Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng của công tác dân số

Trong phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nêu rõ, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã xác định rõ quan điểm, định hướng về công tác dân số tại Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban chấp hành TW Đảng khóa XII, đó là: "Dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", thực hiện chuyển trọng tâm chính sách từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển.

Theo Bộ trưởng, trong hơn ba thập kỷ qua, kể từ sau Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp thiết thực vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Trong đó, công tác dân số đã góp phần tích cực vào tăng trưởng kinh tế, thu hẹp bất bình đẳng và tiến bộ xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng của công tác dân số như: Tốc độ gia tăng dân số được kiểm soát; Việt Nam đang trong giai đoạn "cơ cấu dân số vàng", góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giảm khoảng cách chênh lệch về thu nhập, mức sống giữa các vùng, các nhóm dân cư.

Tuổi thọ trung bình của người dân tăng lên 74,7 tuổi (năm 2024), cao hơn nhiều quốc gia có cùng mức thu nhập. Dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình, tư vấn tiền hôn nhân, tầm soát dị tật trước sinh và sơ sinh, chăm sóc người cao tuổi... ngày càng được củng cố, nâng cao về chất lượng dịch vụ.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh: Công tác dân số đã góp phần tích cực vào tăng trưởng kinh tế, thu hẹp bất bình đẳng và tiến bộ xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh: Công tác dân số đã góp phần tích cực vào tăng trưởng kinh tế, thu hẹp bất bình đẳng và tiến bộ xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Sửa đổi quan trọng về quyền tự quyết về sinh sản của cá nhân và cặp vợ chồng

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành y tế cũng cho hay, theo đánh giá 7 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, bên cạnh những kết quả đạt được, Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức tác động đến sự phát triển bền vững của đất nước.

Đó là, tổng tỷ suất sinh giảm thấp nhất trong lịch sử và được dự báo là sẽ tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo (Kết quả điều tra biến động dân số 01/4/2024: Năm 2022 là 2,01 con/phụ nữ giảm xuống 1,96 con/phụ nữ năm 2023 và 1,91 con/phụ nữ năm 2024, thấp nhất trong lịch sử nhân khẩu học của Việt Nam). Cùng với đó quá trình già hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh ở Việt Nam.

Tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh đã được khống chế tuy nhiên chưa ổn định và vẫn cao so với mức cân bằng tự nhiên (Kết quả điều tra biến động dân số 01/4/2024: Tỷ số giới tính khi sinh năm 2009 là 110,5 bé trai/100 bé gái; năm 2019 là 111,5 bé trai/100 bé gái và năm 2024 là 111,4 bé trai/100 bé gái). Tình trạng mang thai và sinh con ở phụ nữ tuổi chưa thành niên có xu hướng tăng; tảo hôn, hôn nhân cận huyết ở khu vực Tây Nguyên và Trung du Miền núi phía bắc vẫn còn rất cao (21,9%).

Bà Pauline Fatima Tamesis, Điều phối viên Thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam phát biểu.

Bà Pauline Fatima Tamesis, Điều phối viên Thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam phát biểu.

Cũng theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, tuy tuổi thọ bình quân của người Việt Nam cao nhưng số năm sống khỏe mạnh tính từ lúc sinh mới chỉ đạt khoảng 65 năm. Tầm vóc, thể lực, chất lượng cuộc sống người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế so với vùng thành thị, đồng bằng ...

Cùng đó, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam vẫn ở nhóm thấp, so sánh với các nước trên thế giới, đứng ở vị trí 93/193 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, trước thực trạng và thách thức đó, sau khi sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 21, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 149-KL/TW ngày 10/4/2025 về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW, trong đó nhấn mạnh: rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về số con được sinh và các chính sách để thực hiện tốt các mục tiêu của Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới.

Thực hiện Kết luận số 149-KL/TW, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung Điều 10 của Pháp lệnh Dân số có hiệu lực từ ngày 03/6/2025, trong đó có sửa đổi quan trọng về quyền tự quyết về sinh sản của cá nhân và cặp vợ chồng được tôn trọng, phù hợp với sức khỏe, điều kiện và hoàn toàn tự nguyện.

"Tinh thần này hoàn toàn phù hợp với thông điệp của ngày dân số Thế giới năm nay "Quyền tự quyết về sinh sản trong một thế giới đang thay đổi""- Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.

Ông Matt Jackson, Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam, thông qua bài trình bày tóm tắt về Báo cáo Tình trạng Dân số Thế giới 2025, ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong việc đảm bảo quyền tự quyết sinh sản về cho mọi người.

Ông Matt Jackson, Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam, thông qua bài trình bày tóm tắt về Báo cáo Tình trạng Dân số Thế giới 2025, ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong việc đảm bảo quyền tự quyết sinh sản về cho mọi người.

Khẩn trương hoàn thiện dự án Luật Dân số

Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, hiện nay, Bộ Y tế đang tích cực tập trung xây dựng Luật dân số và Chương trình mục tiêu chăm sóc sức khỏe, dân số và phát triển giai đoạn 2026-2035 với mục tiêu bảo đảm an sinh, sức khỏe, bình đẳng cho mọi người dân với nguyên tắc lấy con người là trung tâm, là mục tiêu của sự phát triển bền vững của đất nước.

Bộ Y tế đang đề xuất trong dự thảo Luật Dân số trình Chính phủ để trình Quốc hội có ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025) có một số nội dung ưu tiên như: Ưu đãi về chế độ nghỉ thai sản; hỗ trợ bằng tiền mặt hoặc hiện vật khi sinh con; hỗ trợ cho phụ nữ mang thai, sinh con khi sàng lọc trước sinh và sơ sinh; ưu tiên tiếp cận chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội và các hỗ trợ khác phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của từng thời kỳ.

Ưu đãi tài chính hỗ trợ bằng tiền mặt hoặc hiện vật với gia đình sinh con một bề, có hai con gái; quy định các biện pháp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh phù hợp với mỗi địa phương và cả nước.

Các đại biểu tham dự lễ mít tinh.

Các đại biểu tham dự lễ mít tinh.

Xây dựng và phát triển cơ sở hỗ trợ, chăm sóc người cao tuổi; phát triển nguồn nhân lực chăm sóc người cao tuổi như cấp học bổng, học phí người học chuyên ngành lão khoa tại cơ sở đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe của Nhà nước.

Quy định các biện pháp thực hiện việc tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đối với nam, nữ; sàng lọc, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh.

Và các biện pháp, chính sách hỗ trợ khác để thực hiện việc duy trì mức sinh thay thế; giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh và đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; thích ứng với già hóa dân số và nâng cao chất lượng dân số.

Tại lễ mít tinh, thay mặt Ban chỉ đạo Quốc gia về Dân số và Phát triển, Bộ Y tế, Bộ trưởng Đào Hồng Lan đề nghị Cục Dân số và các đơn vị thuộc Bộ Y tế tập trung với nỗ lực cao nhất cùng với các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan khẩn trương hoàn thiện dự án Luật Dân số trình Chính phủ để trình Quốc hội có ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025) Luật Dân số và Chương trình mục tiêu chăm sóc sức khỏe, dân số và phát triển giai đoạn 2026-2035 đảm bảo tiến độ, chất lượng.

Đề nghị các bộ, ngành thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tiếp tục quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo, đảm bảo nguồn lực cho cho công tác dân số, nhất là trong bối cảnh thay đổi chính quyền địa phương hai cấp; đồng thời tích cực phối hợp trong quá trình xây dựng Luật Dân số và Chương trình mục tiêu chăm sóc sức khỏe, dân số và phát triển giai đoạn 2026-2035.

Đề nghị Liên hợp quốc, Quỹ Dân số Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế tiếp tục chia sẻ, hỗ trợ nguồn tài chính và hỗ trợ kỹ thuật để giúp Việt Nam ứng phó và thích ứng với những biến đổi dân số, bảo vệ quyền sinh sản và phát triển bền vững.

Tọa đàm tại lễ mit tinh.

Tọa đàm tại lễ mit tinh.

Thái Bình/Ảnh: Trần Minh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bo-y-te-de-xuat-uu-dai-che-do-nghi-thai-san-ho-tro-bang-tien-mat-hoac-hien-vat-khi-sinh-con-16925071111074385.htm