Thủ tướng tự hào vì Việt Nam có những nhà ngoại giao nữ như bà Nguyễn Thị Bình
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân tối nay có cuộc gặp mặt thân mật với các nhà ngoại giao nữ Việt Nam và quốc tế nhân ngày quốc tế phụ nữ trong ngành Ngoại giao 24/6.
Tham dự gặp mặt có hơn 80 nhà ngoại giao nữ là trưởng đại diện các cơ quan ngoại giao nước ngoài, tổ chức quốc tế tại Việt Nam, các nhà ngoại giao Việt Nam.


Thủ tướng và các nữ đại sứ các nước, cán bộ ngoại giao.
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng bày tỏ, được trở thành một nhà ngoại giao nữ, được cống hiến cho sự nghiệp đối ngoại thực sự là niềm tự hào và có ý nghĩa rất thiêng liêng.
Thứ trưởng chia sẻ, hành trang để mỗi nhà ngoại giao nữ khi bước ra chính trường quốc tế chính là truyền thống lịch sử, là cốt cách văn hóa, là lợi ích của mỗi quốc gia dân tộc. Trọng trách của các nhà ngoại giao nữ là phát huy những truyền thống, cốt cách đó, hài hòa lợi ích dân tộc với những lợi ích chung để cùng nhau kiến tạo hòa bình, kiến tạo phát triển, kiến tạo tình đoàn kết và hợp tác quốc tế...

Đại sứ Nguyễn Phương Nga.
Đại sứ Nguyễn Phương Nga, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao - nữ Thứ trưởng đầu tiên của ngành Ngoại giao chia sẻ, các nhà ngoại giao nữ Việt Nam rất vinh dự được đứng trong đội ngũ của thế hệ ngoại giao, thời đại ngoại giao Hồ Chí Minh.
Trong hành trình 80 năm qua, rất nhiều thế hệ nhà ngoại giao nữ Việt Nam có nhiều bước trưởng thành vượt bậc, góp phần tích cực và đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ngoại giao Việt Nam tự hào với với những nhà ngoại giao nữ đã đi vào lịch sử dân tộc, đặc biệt là bà Nguyễn Thị Bình - nữ Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên, Trưởng đoàn đàm phán tại Hội nghị Paris, các thế hệ tiếp theo như bà Hồ Thể Lan - nữ phát ngôn đầu tiên của Bộ Ngoại giao, bà Phan Thị Phúc - nữ Tổng Thư ký UNESCO đầu tiên của Việt Nam, các Đại sứ Nguyễn Thị Hồi, Nguyễn Thị Huyền, Phan Thúy Thanh, Nguyễn Phương Nga, Nguyễn Nguyệt Nga...cả cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp đối ngoại, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam đánh giá, Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia thực hiện tốt nhất mục tiêu số 5 về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái trong các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.
Việt Nam là một trong những nước đứng đầu về tỷ lệ nữ tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình với tỷ lệ 16%. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa 15 của Việt Nam là 30%, cao hơn mức trung bình của thế giới và khu vực.

Bà Pauline Tamesis, điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam phát biểu.
Việt Nam đang tiến hành cải cách lớn trong lịch sử, điều quan trọng là đảm bảo phụ nữ tham gia đầy đủ trong quá trình tái cơ cấu chính quyền.
Bà Pauline Tamesis hy vọng sẽ có thêm phụ nữ bầu vào đại biểu dân cử tại 34 tỉnh, thành mới. Với vai trò lãnh đạo như vậy sẽ thể hiện hơn vai trò của phụ nữ Việt Nam trong ngoại giao, sự tham gia của phụ nữ Việt Nam ở tất cả các cấp hoạch định chính sách sẽ giúp Việt Nam có bước tiến vững chắc tiến tới tương lai bền vững.
Đại sứ Cristina Romila - nữ Đại sứ Romania đầu tiên được bổ nhiệm tại Việt Nam chia sẻ, Việt Nam là đất nước tuyệt vời, người dân chào đón các nhà ngoại giao nữ, các chuyên gia nữ quốc tế trong tất cả các lĩnh vực.

Đại sứ Romania Cristina Romila.
Sau 4 năm công tác, bà tràn đầy ký ức sâu sắc không thể quên, sự chân thành đối với Việt Nam. Coi Việt Nam như quê hương thứ hai, nữ Đại sứ Romania chia sẻ, với sự thân thiện, cởi mở của Việt Nam đã thôi thúc bà có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong việc thúc đẩy quan hệ song phương giữa Việt Nam với Romania.
Trong không khí ấm cúng, chân tình, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định đây là dịp tôn vinh những đóng góp quan trọng của cán bộ nữ trong ngành ngoại giao, đồng thời tiếp tục khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào xây dựng thế giới hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững.
Trong văn hóa Việt Nam, trong gia đình, người phụ nữ có vai trò trụ cột, quan trọng nhất. Phụ nữ Việt Nam luôn được coi trọng, được tạo điều kiện tiếp cận bình đẳng với tất cả các công việc của xã hội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại gặp mặt.

Cuộc gặp mặt thể hiện sự ghi nhận và quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam đối với bình đẳng giới và tiến bộ của phụ nữ, với ngành ngoại giao và với các nhà ngoại giao nữ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng 8 chữ vàng: “Anh hùng – Bất khuất – Trung hậu – Đảm đang” cho phụ nữ Việt Nam.
Thủ tướng khẳng định trong tiến trình đấu tranh và xây dựng, bảo vệ đất nước có sự hy sinh, nỗ lực, đóng góp, cống hiến quan trọng của người phụ nữ Việt Nam, những nhà ngoại giao nữ.
Thủ tướng bày tỏ tự hào khi lịch sử Việt Nam có những nhà ngoại giao nữ tiên phong, đặc biệt là nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình - nữ Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của Việt Nam, Trưởng đoàn đàm phán tại Hội nghị Paris. Bà đã trở thành một đại diện của trí tuệ ngoại giao nữ, đại diện cho khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam.
Thủ tướng mong muốn các nhà ngoại giao nữ tiếp tục cống hiến cho đất nước mình, cho sự nghiệp ngoại giao của thế giới.
Người đứng đầu Chính phủ cũng mong các nhà ngoại giao nữ tiếp tục đóng góp quan trọng vào giữ gìn môi trường hòa bình, hợp tác và phát triển; đề cao chủ nghĩa đa phương, kêu gọi đoàn kết quốc tế....

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng các nhà ngoại giao nữ
Thủ tướng lưu ý Bộ Ngoại giao luôn tạo mọi điều kiện để các nhà ngoại giao nữ thực hiện tốt nhất nhiệm vụ, được cống hiến hết sức cho ngành Ngoại giao Việt Nam.
Thủ tướng tin tưởng các nhà ngoại giao nữ đến từ các nền văn hóa, các khu vực trên thế giới sẽ là những nhân tố đặc biệt, đóng góp quan trọng để hiện thực hóa khát vọng của nhân loại về một thế giới hòa bình, công bằng, thịnh vượng và hạnh phúc.