Bộ Y tế kêu gọi cộng đồng cùng hành động và hưởng ứng đảm bảo mọi trẻ sinh non được chăm sóc sức khỏe tốt nhất

Việt Nam là nước đầu tiên ở Châu Á và là nước thứ 2 trên thế giới (sau Ga Na) phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em, trong bốn nhóm quyền cơ bản của trẻ em, có hai nhóm quyền liên quan đến ngành Y tế đó là: 'quyền sống còn và quyền phát triển của trẻ em'.

Đó là phát biểu của Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn tại lễ mít tinh Việt Nam hưởng ứng Ngày thế giới vì trẻ sinh non được Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc UNICEF phối hợp tổ chức ngày 16/11/2024 tại Bắc Ninh.

Thực hiện Công ước trên, được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, sự đầu tư của Chính phủ; sự nỗ lực, cống hiến của đội ngũ cán bộ y tế từ Trung ương đến địa phương, sự tham gia tích cực của các Bộ, ngành và sự hỗ trợ của các Tổ chức quốc tế và trong nước, Việt Nam đã thực hiện thành công hoàn thành trước thời hạn về các chỉ số giảm tử vong mẹ và giảm tử vong trẻ em, giảm suy dinh dưỡng trẻ em, đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, là điểm sáng trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ.

Đại biểu tham dự lễ mít tinh Việt Nam hưởng ứng Ngày thế giới vì trẻ sinh non

Đại biểu tham dự lễ mít tinh Việt Nam hưởng ứng Ngày thế giới vì trẻ sinh non

Trên toàn cầu, mỗi năm có hơn 13 triệu trẻ em sinh non (tương đương 1/10 trẻ em). Tại Việt Nam, cứ 4 trẻ sơ sinh tử vong thì có một trường hợp là do đẻ non hoặc nhẹ cân.

Nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng và hỗ trợ giảm thiểu nguy cơ sinh non, Bộ Y tế đã phát động Tháng cao điểm hành động vì trẻ sinh non từ 1/11 đến 30/11/2024 trên toàn quốc, kêu gọi sự phối hợp từ các Bộ, ngành và cộng đồng xã hội trong việc chăm sóc phụ nữ mang thai, dự phòng sinh non, và chăm sóc trẻ sơ sinh.

Mặc dù đạt được những kết quả khả quan, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cũng nhấn mạnh ba vấn đề thách thức trong công tác chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam hiện nay là khoảng cách y tế giữa các vùng miền.

Tỷ lệ tử vong mẹ và trẻ em ở các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, và dân tộc thiểu số cao gấp 2-3 lần so với thành thị, thậm chí tỷ lệ tử vong mẹ của người dân tộc H’Mông cao gấp 7 lần so với người Kinh.

Tốc độ giảm tử vong trẻ sơ sinh chậm: So với tốc độ giảm tử vong trẻ dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi, tốc độ giảm tử vong trẻ sơ sinh vẫn chưa đạt kỳ vọng.

So sánh quốc tế về tử vong trẻ em dưới 5 tuổi: Tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi của Việt Nam vẫn cao so với các nước phát triển, đòi hỏi nỗ lực lớn hơn trong các biện pháp can thiệp.

Bộ Y tế kêu gọi các Bộ, ngành, chính quyền địa phương, cộng đồng, và các tổ chức quốc tế cùng chung tay triển khai các giải pháp toàn diện nhằm chăm sóc sức khỏe phụ nữ mang thai, dự phòng sinh non, và chăm sóc trẻ sinh non.

Ngày Thế giới vì Trẻ sinh non được tổ chức vào ngày 17/11 hàng năm, khởi xướng bởi Quỹ European Foundation for the Care of Newborn Infants (EFCNI) từ năm 2008. Đến nay, hơn 100 quốc gia trên thế giới, bao gồm Việt Nam, đã cùng tham gia với nhiều hoạt động và sự kiện nhằm nâng cao nhận thức, giải quyết vấn đề sinh non và cải thiện sức khỏe cho trẻ sinh non cùng gia đình.

Màu tím là màu sắc nhận diện của ngày này, tượng trưng cho sự nhạy cảm và kiên cường của các em bé sinh non và gia đình.

Cụ thể, các chỉ tiêu đã giảm mạnh từ năm 2015 đến năm 2023, đó là tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi giảm từ 22,1%o xuống còn 18,2%o; ở trẻ em dưới 1 tuổi giảm từ 14,7%o xuống còn 12,1%o; và ở trẻ sơ sinh giảm từ 12%o xuống còn 9,8%o. Chúng ta đang tích cực thực hiện các giải pháp, các can thiệp chuyên môn để giảm tử vong sơ sinh, trong đó đặc biệt chú trọng đến giảm tử vong trẻ sơ sinh nhẹ cân/non tháng.

Trên thế giới cứ 10 trẻ sinh ra có 1 trẻ sinh non và Việt Nam cũng vậy. Theo báo cáo, tỉ lệ trẻ đẻ non/nhẹ cân chiếm 19% trong mô hình bệnh tật của trẻ sơ sinh.

Những nguyên nhân chính gây nên tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh là do: Đẻ non/thấp cân, ngạt, chấn thương trong khi đẻ, dị tật và các bệnh nhiễm khuẩn, trong đó nguyên nhân do đẻ non/nhẹ cân chiếm tới 25%, nguyên nhân này có thể phòng tránh được bằng các biện pháp thực hành đơn giản như: Phụ nữ có thai cần được khám thai định kỳ để phát hiện các nguy cơ, các bất thường, các bệnh lý; ăn uống chế độ dinh dưỡng đầy đủ, cân bằng và hợp lý, lao động/luyện tập phù hợp; chăm sóc da kề da và cho trẻ bú sớm và bú mẹ hoàn toàn, chăm sóc trẻ đẻ non/nhẹ cân bằng phương pháp Kangaroo…

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu.

Những năm gần đây, Việt Nam đã có những bước tiến nhanh vượt bậc về chuyên môn kỹ thuật chuyên ngành sơ sinh, chúng ta đã điều trị, chăm sóc và nuôi dưỡng thành công nhiều trẻ sinh non/nhẹ cân dưới 500gr, đã mang lại niềm vui bất tận và vô cùng hạnh phúc đối với nhiều gia đình có trẻ sinh non, trẻ được cứu sống và phát triển bình thường về thể chất và trí tuệ, được đến trường học hành bình thường như bao trẻ em khác.

“Những nụ cười rạng ngời trên khuôn mặt trẻ, những giọt nước mắt vô cùng xúc động vui mừng của cha mẹ có trẻ sinh non được cứu sống, nuôi dưỡng và phát triển, là nguồn động viên, cổ vũ cho đội ngũ cán bộ y tế, cho toàn thể cộng đồng tiếp tục đồng hành, cống hiến, chung tay, góp sức, cùng hành động nhiều hơn nữa vì trẻ sinh non, vì thế hệ trẻ của Việt Nam hiện tại và tương lai.’’- Thứ trưởng nhấn mạnh.

Bên cạnh những thành công, bước tiến vượt bậc về cải thiện sức khỏe bà mẹ trẻ em của toàn quốc, hiện nay thách thức lớn đang đặt ra cho Việt Nam chúng ta ba vấn đề chính cần được sự quan tâm đặc biệt. Đó là (1) sự khác biệt khoảng cách về sức khỏe bà mẹ, trẻ em giữa các vùng, miền, đặc biệt là vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cao gấp 2-3 lần so với thành thị, thậm chí tử vong mẹ của người Dân tộc thiểu số H’Mông cao gấp 7 lần so với người Kinh; (2) tốc độ giảm tỷ suất tử vong trẻ sơ sinh chậm hơn nhiều so với trẻ dưới 1 tuổi và trẻ dưới 5 tuổi. (3) tử vong trẻ em dưới 5 tuổi của Việt Nam còn khoảng cách khá xa so với các nước phát triển (tử vong trẻ em dưới 5 tuổi của các nước này chỉ 2-3 %o).

Tình trạng nói trên khẳng định, Việt Nam cần phải có nhiều cố gắng hơn nữa vào các can thiệp giảm tử vong sơ sinh, đặc biệt là giảm tỉ lệ tử vong sơ sinh do đẻ non/nhẹ cân, bảo đảm cho mọi trẻ sinh non đều được chăm sóc sức khỏe tốt nhất, nhằm đảm bảo tất cả trẻ em sinh ra đều được sống, phát triển toàn diện và góp phần hướng tới một thế hệ trẻ Việt Nam khỏe mạnh về thể chất, trong sáng về tinh thần và phát triển về trí tuệ.

Đối với tỉnh Bắc Ninh, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em luôn nhận được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và hưởng ứng tích cực từ tổ chức và cá nhân trong tỉnh. Năm 2024, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 08/CT-UBND về tăng cường chăm sóc sức khỏe trẻ em nhằm giảm tử vong trẻ em dưới 5 tuổi trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, Bắc Ninh đã và đang tích cực thực hiện việc cải thiện chăm sóc sức khỏe cho trẻ sơ sinh và nhẹ cân của tỉnh và các vùng lân cận.

Triển khai thực hiện Đề án “Ứng dụng phát triển kỹ thuật cao ngành Y tế Bắc Ninh, giai đoạn 2022-2028”, tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh đã áp dụng thành công kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF); đã và đang điều trị, chăm sóc và nuôi dưỡng thành công nhiều trẻ sinh non/nhẹ cân dưới 1.000gram, trong đó có những trẻ cân nặng 500gram, mang lại niềm vui đối với gia đình có trẻ sinh non, là nguồn cổ vũ động viên cho cán bộ y tế của tỉnh với mục tiêu: Đảm bảo mọi trẻ sinh non đều được chăm sóc sức khỏe tốt nhất.

Đông Sơn

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/bo-y-te-keu-goi-cong-dong-cung-hanh-dong-va-huong-ung-dam-bao-moi-tre-sinh-non-duoc-cham-soc-suc-khoe-tot-nhat-36370.html