Bộ Y tế: Không giấu giếm, đổ lỗi cá nhân khi xảy ra sự cố y khoa
Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện tăng cường tập huấn bảo đảm an toàn người bệnh, nâng cao trách nhiệm trong phát hiện và tự nguyện báo cáo sự cố y khoa.
Ngày 24-4, Bộ Y tế cho biết vừa có công văn gửi các bệnh viện thuộc Bộ, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, y tế các bộ, ngành và các bệnh viện thuộc trường Đại học về chấn chỉnh công tác quản lý chất lượng, an toàn người bệnh, phòng ngừa sự cố y khoa.
Theo Bộ Y tế, thời gian gần đây tại một số cơ sở khám chữa bệnh đã xảy ra một vài sự cố y khoa, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh và hình ảnh người thầy thuốc.
Trong các đợt kiểm tra, giám sát cải tiến chất lượng và an toàn người bệnh năm 2023 và năm 2024, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã phát hiện nhiều vấn đề còn tồn tại.
Để giảm thiểu sự cố y khoa và nguy cơ xảy ra sự cố y khoa, nâng cao sự an toàn và hài lòng của người bệnh, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị chấn chỉnh công tác quản lý chất lượng, an toàn người bệnh và khuyến cáo phòng ngừa sự cố y khoa.
Cụ thể, Bộ Y tế đề nghị thủ trưởng các đơn vị chịu trách nhiệm nghiêm túc triển khai, thực hiện các giải pháp cải tiến chất lượng, nâng cao an toàn người bệnh, phòng tránh các nguy cơ, sự cố y khoa. Đôn đốc, khuyến khích chủ động phát hiện, báo cáo phân loại sự cố và thực hiện báo cáo định kỳ, đột xuất theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Rà soát các nguy cơ gây mất an toàn, phân loại nguy cơ, ưu tiên xử lý, khắc phục ngay các nguy cơ gây mất an toàn, ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh và nhân viên y tế.
Định kỳ rà soát các quy trình chuyên môn kỹ thuật, chuẩn hóa, sửa đổi, bổ sung kịp thời, đặc biệt là các quy trình không còn phù hợp, chú trọng các quy trình như phân loại người bệnh cấp cứu, kiểm soát nhiễm khuẩn, quản lý thuốc, thiết bị, vật tư y tế tại khoa cấp cứu, hồi sức tích cực và các phòng phẫu thuật thủ thuật…
Từ đó, xác định cụ thể danh mục sự cố bắt buộc phải báo cáo của từng đơn vị, phát hiện các nguy cơ mất an toàn có thể xảy ra sự cố theo đặc thù từng quy trình, chức năng của khoa, phòng, chuyên khoa của bệnh viện.
Tiếp đó, tăng cường tập huấn về bảo đảm an toàn người bệnh, nâng cao trách nhiệm của từng nhân viên y tế trong phát hiện và tự nguyện báo cáo sự cố y khoa. Khuyến khích báo cáo nguy cơ, không chấp nhận hành vi cản trở báo cáo sự cố y khoa tại các vị trí quản lý. Đồng thời phổ biến cho người bệnh và người nhà hợp tác trong nhận diện, báo cáo chính xác sự cố y khoa.
Báo cáo định kỳ việc thực hiện các quy định hướng dẫn về phòng ngừa sự cố y khoa, bảo đảm an toàn người bệnh; phòng chống, hạn chế tối đa nhầm lẫn tại các đơn vị. Người kiểm tra, giám sát chịu trách nhiệm về kết quả được báo cáo về cấp quản lý.
Bộ Y tế cũng đưa ra hướng dẫn khuyến cáo về xử lý khi xảy ra sự cố. Theo đó, ngay sau khi nhận được báo cáo sự cố y khoa, thủ trưởng đơn vị cần phân công nhân sự liên hệ, trấn an người bệnh, thân nhân và có phương án giải quyết xử lý phù hợp.
Sau đó, chủ động liên hệ hỗ trợ, trấn an nhân viên y tế, người hành nghề có liên quan đến tình huống sự cố, tránh ghi nhận cảm tính, kết luận vội vàng đổ lỗi cá nhân mà bỏ sót lỗi hệ thống.
Thanh Thanh