Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng chống rét
Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Chủ tịch UBND các tỉnh miền núi phía Bắc, Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Trung Bộ về việc thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khỏe người dân trước ảnh hưởng của rét đậm, rét hại.
Các tỉnh, thành phố gồm: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.
Cụ thể, để bảo vệ an toàn sức khỏe của người dân trước ảnh hưởng của rét đậm, rét hại, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo thực hiện một số nội dung:
Chỉ đạo các Sở ngành liên quan theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến rét đậm, rét hại trên địa bàn và kịp thời thông tin để nguời dân biết và chủ động thực hiện các biện pháp dự phòng bảo vệ sức khỏe trong mùa lạnh.
Các địa phương chỉ đạo Sở Y tế và các đơn vị liên quan phổ biến kiến thức, hướng dẫn, khuyến cáo người dân trong cộng đồng thực hiện các biện pháp dự phòng, phòng chống rét hiệu quả, đảm bảo an toàn sức khỏe; cảnh báo để nguời dân biết và phòng tránh các tai nạn do sưởi như bỏng và đặc biệt phòng, chống ngộ độc khí CO do suởi ấm bằng than, củi trong không gian kín.
Trước đó, Cục Quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế) đã xây dựng Hướng dẫn chăm sóc sức khỏe mùa lạnh cho cộng đồng và người lao động nhằm giúp người dân có những kiến thức cơ bản trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống một số vấn đề sức khỏe thường gặp trong mùa lạnh.
Theo hướng dẫn của Cục Quản lý môi trường Y tế, vào mùa lạnh có thể gặp phải một số vấn đề sức khỏe thường gặp như: Cảm lạnh, hen suyễn, viêm họng, viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, cúm, đột quỵ, ngộ độc khí than do sưởi ấm, đun nấu...
Nguyên nhân chủ yếu là do phải tiếp xúc quá lâu hoặc làm việc trong môi trường lạnh hoặc cũng có thể do thay đổi nhiệt độ môi trường đột ngột.
Một số đối tượng có nguy cơ cao gồm: Người già, trẻ nhỏ và phụ nữ có thai; những người làm việc ở ngoài trời hoặc trong môi trường lạnh, gió rét, thiếu ánh nắng mặt trời; người lao động nông nghiệp, công nhân...; những người mắc các bệnh mạn tính: tăng huyết áp, hen suyễn, tim mạch, cơ xương khớp...
Cục Quản lý môi trường y tế hướng dẫn cần chú ý các biểu hiện: đau đầu, chóng mặt, tức ngực, khó chịu, tê bì chân tay... Khi người dân xuất hiện các triệu chứng cần lưu ý giữ ấm cơ thể ngay và đến cơ sở y tế kiểm tra sức khỏe.
Thời tiết lạnh gây tăng thêm gánh nặng cho tim do vậy với người bị bệnh tim, huyết áp nên khám và làm theo lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa; nên kiểm tra theo dõi huyết áp thường xuyên kể cả người trẻ, người chưa có tiền sử bệnh lý tim mạch, huyết áp.
Mọi người cần chú ý khi tiếp xúc kéo dài với nhiệt độ rất lạnh có thể gây giảm thân nhiệt, nhất là người già, gầy ốm, bị bệnh mãn tính, trẻ em suy dinh dưỡng, trẻ sơ sinh; biểu hiện giảm thân nhiệt: run, kiệt sức, nhầm lẫn, mất trí nhớ và buồn ngủ... Ở trẻ sơ sinh có dấu hiệu da đỏ tươi hoặc da lạnh.
Ngoài ra, run rẩy cũng là một trong những dấu hiệu quan trọng đầu tiên cho thấy cơ thể đang mất nhiệt vì vậy cần phải sưởi ấm ngay; khi người dân bị nhiễm lạnh xuất hiện ho, sốt cần đi khám bác sĩ để có chẩn đoán và điều trị phù hợp; không nên tự ý mua thuốc đặc biệt là thuốc kháng sinh để uống.