Bộ Y tế lý giải nhiều cơ sở đào tạo sẽ thành ĐH Khoa học Sức khỏe

Sẽ có một số cơ sở đào tạo được chuyển thành ĐH Khoa học Sức khỏe theo chủ trương của Bộ Y tế nhằm tiến tới nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực ngành y tế.

Tại lễ khai giảng của Đại học Y Dược TP.HCM, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nói trường nhanh chóng đổi tên thành Đại học Sức khỏe TP.HCM. Ngay lập tức, việc này nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

TS Nguyễn Minh Lợi, Phó cục trưởng Cục Khoa học Đào tạo và Công nghệ, Bộ Y tế, cho biết chủ trương thành lập Đại học Khoa học Sức khỏe đã có từ 20 năm trước và đây là mô hình được nhiều nước áp dụng.

Bộ Y tế vẫn có phương án giữ tên ĐH Y Dược TP.HCM

Đại diện Bộ Y tế cho rằng cần phải sắp xếp và phát triển một số trường thành ĐH Khoa học Sức khỏe vì khoa học sức khỏe bao gồm nhiều lĩnh vực: Khoa học y sinh (sinh học di truyền, giải phẫu, sinh lý, mô phôi, vi sinh), y học, y học cổ truyền, dược học, răng hàm mặt, điều dưỡng, kỹ thuật y học, y tế công cộng.

Theo chủ trương của Bộ Y tế, các trường đại học này dự kiến đặt tại Hà Nội và TP.HCM. Đây là mô hình đại học, trong đó có các trường thành viên chuyên ngành là Trường Đại học Y, Trường Đại học Dược, Trường Đại học Điều dưỡng, Trường Đại học Y tế Công cộng...

TS Nguyễn Minh Lợi, Phó cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế. Ảnh: Sài Gòn Giải Phóng.

TS Nguyễn Minh Lợi, Phó cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế. Ảnh: Sài Gòn Giải Phóng.

Ông Lợi cho hay mô hình đại học, trong đó có các trường thành viên, đã có ở Việt Nam như Đại học Quốc gia (Hà Nội, TP.HCM), Đại học vùng (Thái Nguyên, Huế, Đà Nẵng). Nó đã được khẳng định trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học.

Riêng đối với lĩnh vực sức khỏe, hiện nay, một số nước đã có mô hình trên như Đại học Khoa học Sức khỏe Lào, Đại học California Sanfrancisco (University of California, Sanfrancisco).

"Chúng tôi đang nghiên cứu xây dựng đề án để có mô hình phù hợp nhất, trên nguyên tắc đảm bảo đúng quy định của pháp luật nhưng vẫn giữ được truyền thống và thương hiệu của cơ sở đào tạo. Chúng tôi cũng xác định quan trọng là bản chất vấn đề chứ không phải tên gọi.

Ví dụ, Đại học Y Dược TP.HCM hiện nay hoạt động theo mô hình trường đại học, đang làm đề án và sẽ được đầu tư, phát triển theo mô hình Đại học Khoa học Sức khỏe. Tên gọi sẽ được cân nhắc cụ thể, trong đó có phương án vẫn giữ là Đại học Y Dược TP.HCM và chỉ đi vào hoạt động theo mô hình đại học khi được Thủ tướng ra quyết định phê quyệt", đại diện Bộ Y tế cho hay.

Muốn làm bác sĩ phải được cấp chứng chỉ hành nghề

Liên quan việc nâng cao công tác đào tạo nhân lực ngành, ông Lợi cho hay Bộ Y tế đang xây dựng đề án thành lập Hội đồng Y khoa Quốc gia và tổ chức thí điểm thi quốc gia để xét cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn.

Hiện nay, Bộ Y tế đưa nội dung này vào Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi và chỉ áp dụng cho những người chưa có chứng chỉ hành nghề. Người đã được cấp chứng chỉ hành nghề không phải qua kỳ thi này.

Dự kiến, kỳ thi được áp dụng theo mô hình của các nước tiên tiến, ứng dụng tối đa công nghệ thông tin để thuận lợi nhất cho thí sinh, đảm bảo công bằng, khách quan và đánh giá đúng năng lực của người dự thi.

Kỳ thi sẽ được tổ chức ở nhiều địa phương, nhiều thời điểm trong năm nhưng theo một bộ tiêu chí đánh giá năng lực chung của cả nước do Hội đồng Y khoa Quốc gia xác định, được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

TS Nguyễn Minh Lợi cho rằng Hội đồng Y khoa Quốc gia là mô hình đang được rất nhiều nước áp dụng. Cơ quan này có chức năng tư vấn giúp Thủ tướng và Bộ trưởng Y tế, xác định cơ chế đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực y tế có đủ năng lực nghề nghiệp để hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật; phối hợp Tổng hội Y học Việt Nam và các hội, hiệp hội chuyên ngành trong lĩnh vực y tế xác định các tiêu chuẩn, tiêu chí, phương pháp, công cụ và tổ chức thi đánh giá năng lực của người hành nghề y tế phù hợp quy định của pháp luật.

Minh Nhật

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/bo-y-te-ly-giai-nhieu-co-so-dao-tao-se-thanh-dh-khoa-hoc-suc-khoe-post991063.html