Bộ Y tế Nga loại bỏ 2 nhãn thuốc khỏi phác đồ điều trị COVID-19

Vắcxin ngừa COVID-19 của Nga do Viện Gamaleya nghiên cứu và phát triển. Ảnh: AFP/TTXVN

* Cộng đồng quốc tế nỗ lực đưa vắcxin COVID-19 đến người dân toàn cầu

Ngày 3/9, Bộ Y tế Nga đã công bố các hướng dẫn cập nhật về điều trị COVID-19, theo đó hai loại thuốc điều trị đã bị đưa ra khỏi hướng dẫn này do không cho thấy hiệu quả trong việc chữa bệnh.

Theo phóng viên TTXVN tại Moscow, hướng dẫn cho biết hai loại thuốc lopinavir và ritonavir đã bị loại bỏ ra khỏi các phác đồ do không cho thấy đủ hiệu quả trong điều trị COVID-19. Trong khi đó, thuốc hydroxychloroquine vẫn có trong phác đồ điều trị cho bệnh nhân ở thể nhẹ và trung bình.

Thêm vào đó, một loại thuốc mới của Nga dùng để điều trị chống viêm toàn thân là Levilimab được đưa vào phác đồ điều trị.

Tổng cộng, danh sách các loại thuốc được khuyến cáo để điều trị COVID-19 gồm 6 loại: favipiravir, hydroxychloroquine, azithromycin (kết hợp với hydroxychloroquine), interferon-alpha, remdesivir và umifenovir.

Ngoài ra, Bộ Y tế Nga cũng đưa vào hướng dẫn một phần mới về các chỉ định và chống chỉ định sử dụng vắcxin của Viện Gamaleya cũng như danh sách các nhóm ưu tiên tiêm chủng.

Hôm 11/8, Tổng thống Vladimir Putin thông báo Nga đã đăng ký lưu hành loại vắcxin COVID-19 đầu tiên trên thế giới do nước này sản xuất với tên giuh "Sputnik V".

Vắcxin bắt đầu được đưa vào sản xuất từ ngày 15/8, trong đó các bác sĩ và người dân thuộc nhóm nguy cơ cao sẽ được tiêm đầu tiên, đến khoảng giữa tháng 9 sẽ bắt đầu tiêm chủng hàng loạt cho người dân.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hy vọng sẽ bảo đảm 230 triệu liều vắcxin phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đầu tiên cho châu Phi.

Trao đổi với báo giới ngày 3/9, Giám đốc phụ trách chương trình vắcxin của WHO tại châu Phi Richard Mihigo cho biết, lô hàng vắcxin đầu tiên này sẽ cung cấp cho 20% dân số châu Phi, với ưu tiên dành cho những người ở tuyến đầu chống dịch, các nhân viên y tế, sau đó mở rộng tới những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương.

Ông Mihigo nhấn mạnh bất cứ loại vắcxin nào đang phát triển cũng cần phải được thử nghiệm tại châu lục này.

Trong khi đó, Giám đốc điều hành Liên minh Đổi mới sáng tạo sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI) Richard Hatchett cho biết hiện mới chỉ có 2 trong số các loại vắcxin tiềm năng đang được thử nghiệm tại châu Phi.

Ông Hatchett khẳng định việc thử nghiệm vắcxin tại châu Phi cần đảm bảo rằng các dữ liệu đầy đủ được thu thập dựa trên sự an toàn và mức độ hiệu quả của vắcxin tiềm năng đối với cư dân ở châu lục này.

CEPI là tổ chức phối hợp với WHO đồng chỉ đạo dự án phân bổ vắcxin và thuốc điều trị bệnh COVID-19 mang tên COVAX. Dự án này được coi là một nỗ lực toàn cầu nhằm phân bổ rộng rãi vắc xin với chi phí vừa phải để mọi người dân trên thế giới đều có cơ hội tiếp cận "vũ khí" phòng bệnh.

Mặc dù vậy, việc thực hiện kế hoạch có thể gặp khó khăn nếu không có sự cam kết từ các nước lớn và giàu có trên thế giới. WHO cho biết đã có 76 quốc gia giàu có trên thế giới cam kết tham gia kế hoạch COVAX.

Tuy nhiên, một trong những cường quốc hàng đầu thế giới là Mỹ đã gây lo ngại với thông báo không tham gia kế hoạch COVAX, do chính quyền của Tổng thống Donald Trump luôn kịch liệt phản đối WHO.

Mới đây, người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi (CDC châu Phi) John Nkengasong đã kêu gọi tất cả các nước tham gia kế hoạch COVAX.

Theo ông Nkengasong, tất cả các quốc gia đều phải đương đầu với cuộc chiến chống COVID-19 và nhấn mạnh sẽ không có quốc gia nào được an toàn nếu vẫn còn những ca bệnh ở quốc gia khác.

Trong khi đó, một quan chức thuộc Ủy ban châu Âu (EC) cho biết Liên minh châu Âu (EU) hy vọng sẽ nhận được lô hàng 30 triệu liều vắcxin phòng COVID-19 vào cuối năm nay trong khuôn khổ thỏa thuận đạt được với hãng dược phẩm AstraZeneca (Anh).

Với 1 liều cho mỗi người, lô vắcxin đầu tiên có thể đáp ứng 6-7% dân số EU. Lô hàng đầu tiên này sẽ được phân phối theo tỷ lệ phù hợp giữa các nước thành viên cho tới khi khối này tiếp nhận toàn bộ 300 triệu liều theo thỏa thuận.

Hợp đồng ký kết giữa tập đoàn AstraZeneca và EC cho phép EU được đảm bảo ít nhất 300 triệu liều vắcxin trị giá 336 triệu euro (397,8 triệu USD) cho tất cả các quốc gia thành viên, cũng như tài trợ cho các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp ở châu Âu.

L.H (tổng họp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/245188/bo-y-te-nga-loai-bo-2-nhan-thuoc-khoi-phac-do-dieu-tri-covid-19.html