Bộ Y tế nói gì khi các bệnh viện kêu cứu thiếu vật tư, thiết bị?
Theo thông tin từ Bệnh viện Việt Đức, cơ sở này chỉ còn đủ hóa chất dùng cho xét nghiệm cơ bản trong một tuần, thiếu vật tư điều trị cho bệnh nhân xẹp đốt sống.
Trước đó, Bệnh viện này cũng đã thông báo thiếu hóa chất định lượng nồng độ thuốc trong máu của bệnh nhân ghép tạng, hóa chất miễn dịch, hóa chất khí máu, vật tư hút máu đông, miếng dán cố định phẫu trường, kim gây tê tủy sống...
Bệnh viện cho biết thời gian qua đã tích cực thực hiện các thủ tục đấu thầu vật tư, hóa chất nhưng gặp vướng mắc chưa thực hiện được trong khi vật tư tồn kho sắp cạn kiệt.
Lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức thông tin, từ năm 2015, bệnh viện hầu như không có tiền cung cấp từ ngân sách nhà nước cho các hoạt động chi không thường xuyên, mua máy móc.
Riêng máy móc xét nghiệm tại bệnh viện có giá từ 250 đến 300 tỷ đồng. Do đó, từ năm 2015, bệnh viện đấu thầu công khai để mua hóa chất xét nghiệm và các công ty đặt máy để sử dụng hóa chất đó. Kèm theo đó, các công ty lo bảo hành, bảo trì, kiểm định, kiểm chuẩn để máy hoạt động chính xác.
Tuy nhiên, đến năm 2022, chúng ta lại có công văn quy định, việc sử dụng máy mượn, máy đặt không có trong quy định của văn bản pháp luật và đề nghị dừng.
Sau đó, Chính phủ đã có Nghị quyết số 144 để tháo gỡ khó khăn này nhưng chỉ có giá trị cho các hợp đồng đặt mua hóa chất và đặt máy trước ngày 5/11/2022. Chính vì vậy, bây giờ không còn hóa chất để làm. Về vấn đề hóa chất xét nghiệm, Bệnh viện đã tìm các phương án khác để xử lí, nhưng đều không khả quan.
Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cũng thường xuyên thiếu trang thiết bị y tế, máy móc hư hỏng không sửa chữa được, phải chuyển bệnh nhân đến cơ sở khác. Điều này gây rất nhiều khó khăn, phiền toái cho người bệnh.
Cũng do vướng mắc trong mua sắm, Bệnh viện Bạch Mai không mua được máy móc và hóa chất xét nghiệm, phải gửi bệnh nhân đến cơ sở khác chụp chiếu.
PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, trung bình mỗi ngày có từ 8.000 - 10.000 người đến khám và khoảng 4.000 bệnh nhân điều trị nội trú. Năm nay khác hẳn những năm trước khi ngay sau Tết, số lượng bệnh nhân đến bệnh viện tăng đột biến với hơn 6.000 ca/ngày.
Do đó, bệnh viện hiện rơi vào cảnh thiếu trầm trọng trang thiết bị phục vụ khám, chữa bệnh. Hầu hết các thiết bị của bệnh viện 10 năm qua thực hiện liên doanh, liên kết. Khi hết hợp đồng, thông tư về liên doanh, liên kết cũng đã hết hiệu lực.
Hiện tại, chúng ta đang phải chờ thông tư mới, quy định mới nên không thể tái kí hợp đồng và kí các hợp đồng mới. Bệnh viện cũng không có nguồn ngân sách nào để đầu tư mua sắm thiết bị mới.
"Do vậy, chúng tôi đang đề xuất khẩn cấp với Bộ Y tế và Chính phủ đầu tư nguồn ngân sách để bệnh viện sớm có thiết bị phục vụ công tác khám, chữa bệnh”, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nói.
Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai kiến nghị các cấp, các ngành chức năng sớm vào cuộc giúp ngành Y tế, giúp cho các bệnh viện có những văn bản pháp quy hợp lý để có một hành lang pháp lý chuẩn, căn cứ vào đó để thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn.
Trước tình trạng nhiều bệnh viện trên cả nước đang kêu vì thiếu vật tư, thiết bị y tế, Bộ Y tế đề xuất Chính phủ các giải pháp tháo gỡ.
Cơ quan này kiến nghị Chính phủ xem xét, báo cáo Quốc hội cho phép sửa đổi Luật Dược, xây dựng để ban hành cơ chế đặc thù về dự trữ đối với các thuốc hiếm, cần thiết cho điều trị.
Bộ cũng kiến nghị Chính phủ xem xét sớm ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP. Cụ thể đối với một số nội dung sau:
Thứ nhất, về quản lý giá trang thiết bị y tế, Bộ Y tế đề nghị bỏ quy định về thời điểm mua sắm và chuyển hình thức quản lý chỉ một số mặt hàng thuộc danh mục quản lý phải kê khai giá thay bằng tất cả các mặt hàng như hiện nay.
Đồng thời, bổ sung quy định tất các mặt hàng trang thiết bị y tế phải kê khai giá trên cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế để công khai, minh bạch thông tin.
Thứ 2, về đăng ký lưu hành trang thiết bị, Bộ Y tế cho rằng để tháo gỡ khó khăn cho các tổ chức, cá nhân xuất nhập khẩu, kinh doanh trang thiết bị y tế, dự thảo nghị định quy định gia hạn thêm 1 năm hiệu lực của các giấy phép đã cấp đến hết ngày 31/12/2023.
Thứ 3, về thu hồi trang thiết bị y tế, bộ kiến nghị sửa đổi, quy định rõ thêm trường hợp xử lý trang thiết bị y tế tại đơn vị sản xuất, đơn vị nhập khẩu, đang lưu hành trên thị trường hoặc đã được cơ sở y tế mua sắm sau khi bị thu hồi số lưu hành trang thiết bị y tế.
Thứ 4, với quy định về xuất nhập khẩu và tạm nhập, tái xuất, cơ quan này kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định đối với trường hợp nhập khẩu để phục vụ mục đích phục vụ hội chợ, triển lãm, trưng bày hoặc giới thiệu sản phẩm cho phù hợp với pháp luật về quản lý ngoại thương.
Bộ Y tế cũng kiến nghị Bộ Tài chính tiếp tục sửa đổi thông tư 58/2016/TT-BTC, trong đó hướng dẫn cụ thể một số khái niệm như dự toán mua sắm với dự toán thu chi để tránh gây nhầm lẫn, không thống nhất.
Về phía Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu ngành Y tế cần giải quyết dứt điểm, không để người bệnh phải “mua ngoài”.
Tập trung quản lý, cấp phép, gia hạn thuốc, trang thiết bị y tế kịp thời, công khai, minh bạch, khắc phục tâm lý sợ sai, làm ít sai ít, không làm không sai đang xảy ra ở một số cơ sở y tế.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Y tế khẩn trương sửa đổi Nghị định 151/2017/NĐ-CP ngày 26-12-2017, Nghị định 29/2018/NĐ-CP theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Từ đó giải quyết vướng mắc về thẩm quyền phê duyệt quyết định mua sắm, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, xác lập sở hữu toàn dân đối với trang thiết bị, vật tư tiêu hao.
Các cơ quan khẩn trương trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 98/2021/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế và Nghị quyết 144/NQ-CP năm 2022 về bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.