Bộ Y tế nói gì về kế hoạch dự trữ thuốc hiếm?

Số lượng danh mục các thuốc dự trữ khoảng từ 15-20 loại và botulinum là một trong các loại thuốc nằm trong danh mục.

Thời gian gần đây, thông tin về các ca bệnh ngộ độc botulinum ở Tp. HCM nhận được sự quan tâm của cộng đồng. Vấn đề được dư luận quan tâm nhiều đó là thiếu thuốc giải độc botulinum để kịp thời cấp cứu người bệnh.

Trả lời cho vấn đề đảm bảo nguồn cung thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung ngày 27/5, thông tin tới báo chí ông Lê Việt Dũng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã và đang khẩn trương triển khai thành việc hình thành các trung tâm dự trữ thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung với dự kiến hình thành 3-6 trung tâm trên cả nước.

“Số lượng danh mục các thuốc dữ trữ khoảng từ 15-20 loại và botulinum cũng là 1 trong các loại thuốc nằm trong danh mục các thuốc này”, ông Dũng cho hay.

Ông Lê Việt Dũng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế).

Ông Lê Việt Dũng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế).

Bên cạnh đó, ông Dũng cũng thông tin, Cục Quản lý Dược cũng đang họp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nghiên cứu về cơ chế tồn trữ của WHO và làm sao để có sự liên thông giữa việc tồn trữ thuốc hiếm, thuốc ít nguồn cung ở Việt Nam cũng như các nước xung quanh khu vực, cũng như các kho của WHO.

Chuyên gia cũng cho hay, hiện nay, căn cứ pháp lý về thuốc hiếm cơ bản đã đầy đủ. Do đó, Cục Quản lý Dược đã có những văn bản đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước cần chủ động trong công tác xây dựng nhu cầu, dự báo tình hình dịch bệnh, cũng như dự trù số lượng cần thiết và mua sắm thuốc đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu điều trị, đặc biệt với các thuốc hiếm.

Về các trường hợp ngộ độc Botulinum vừa xảy ra ở Tp.HCM, ông Dũng cho hay, ngay sau khi Bộ Y tế nhận được báo cáo của Sở Y tế Tp.HCM ngày 21/5 và Bệnh viện Chợ Rẫy ngày 23/5 theo sự chỉ đạo của lãnh đạo bộ, Bộ Y tế đã ngay lập tức liên hệ với các nhà cung ứng thuốc trong nước, nước ngoài và WHO để có thuốc chữa trong thời gian sớm nhất có thể.

WHO thông báo hiện còn 6 ống thuốc tại kho toàn cầu ở Thụy Sỹ và lập tức cử một chuyên gia chuyển thuốc về Việt Nam ngay trong ngày. Đến ngày 24/5, thuốc đã được chuyển về Việt Nam và Bộ Y tế đã ngay lập tức chuyển cho các cơ sở y tế để điều trị cho bệnh nhân.

Hoàng Thị Bích

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/bo-y-te-noi-gi-ve-ke-hoach-du-tru-thuoc-hiem-a609883.html