Bộ Y tế nói gì về trường hợp chồng trộm phôi lưu trữ cho 'bồ' mang thai?
Bộ Y tế đã mời đại diên BV Bưu điện lên làm việc vào đầu tuần tới. Căn cứ vào các thông tin cụ thể, Bộ sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.
Mới đây, bà Nguyễn Thị N. (huyện Quế Võ, Bắc Ninh) đã gửi đơn cơ quan chức năng đề nghị làm rõ bị mất phôi khi đang lưu trữ tại BV Bưu điện (Hà Nội).
Bà N. cho biết, do tuổi cao nhưng vẫn muốn có con nên vợ chồng đã đến BV Bưu Điện (Hà Nội) để làm thụ tinh ống nghiệm (IVF). Kết quả, vợ chồng bà lọc được 2 phôi, phôi 1 chuyển vào ngày 31/12/2017 và thành công. Đến tháng 9/2018, bà sinh con. Phôi còn lại, 2 vợ chồng gửi lại Trung tâm để cấp đông lưu trữ.
Tháng 4/2019, bà N. nhận được điện thoại của bác sĩ BV Bưu Điện hỏi về sức khỏe sau khi mang thai. Lúc này, bà giật mình, bởi mình đã sinh được 7 tháng. Sau đó, bà N. mới biết phôi thai của mình đang được lưu trữ ở BV đa được chuyển vào ngày 2/4/2019 và đã đậu thai. Chồng bà thừa nhận đã lấy trộm phôi của vợ chồng để cho “người tình” mang thai.
Liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Thị Nhã, Trưởng đơn vị Hỗ trợ sinh sản (BV Bưu điện) cho biết, theo quy định của BV, để được chuyển phôi, cả vợ và chồng đều phải trình chứng minh nhân dân gốc, hộ khẩu và đăng ký kết hôn gốc trước khi chuyển phôi để so sánh với hồ sơ lưu tại BV.
Trong trường hợp của bà N., người chồng đã giấu chứng minh nhân dân của vợ khiến người vợ tưởng bị mất. Khi đến BV, chồng bà N. trình đủ các giấy tờ, có thẻ gửi phôi trữ đông và trả lời chính xác các câu hỏi trong ngân hàng. Tuy nhiên, do BV chưa sử dụng phần mềm nhận diện khuôn mặt và vân tay, mà sàng lọc bằng các giấy tờ và ngân hàng câu hỏi, trong khi người chồng chủ động để qua mặt BV nên đã lọt qua cửa sàng lọc.
Theo bà Nhã, BV đang triển khai xây dựng hệ thống nhận diện bằng vân tay và khuôn mặt, lưu trữ từ thời điểm thực hiện kỹ thuật, so sánh và sàng lọc thời điểm chuyển phôi nhằm tránh các trường hợp tương tự.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, Bộ đã mời Đại diện BV Bưu Điện lên để làm rõ thông tin vào tuần tới.
Theo ông Quang, Bộ sẽ xem xét sự việc cụ thể, xem phôi đó của ai, ai quản lý, ai cho quyền BV phát phôi ra, phát phôi đi đâu? Từ đó, mới rõ trách nhiệm của BV, hướng xử lý vụ việc.
Ông Quang cũng cho biết, theo Khoản 2, Điều 33, Nghị định 176/2013 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế, người chồng và người được chuyển phôi sẽ bị phạt từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng. Ngoài ra, cơ sở y tế cũng sẽ bị xử phạt tùy mức độ.
Tuy nhiên, dư luận cho rằng, khi đối chiếu hai chứng minh nhân dân gốc và vợ chồng phải có mặt tại BV cũng như phải có chữ ký tươi thì việc chuyển phôi mới được thực hiện. Hơn nữa, trong quá trình thực hiện chuyển phôi, phải qua rất nhiều công đoạn, chứ không chỉ một người kiểm tra. Do đó, việc nhìn “không chuẩn’ như BV Bưu Điện trình bày là khó xảy ra.
PNVN sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.