Bộ Y tế nói về đề xuất quy định quyền được chết

Bộ Y tế cho rằng việc quy định luật về quyền được chết rất nhạy cảm, kéo theo nhiều hậu quả về pháp lý, y tế, đạo đức, không phù hợp với đạo lý người Á Đông…

Chính phủ vừa có báo cáo Quốc hội kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ, Thủ tướng.

Theo đó, tại kỳ họp thứ 6 diễn ra vào cuối năm 2023, cử tri đề nghị Chính phủ nghiên cứu trình Quốc hội ban hành Luật về quyền được chết nhằm tạo cơ sở pháp lý và điều kiện hợp pháp cho bệnh nhân mắc phải các bệnh không còn khả năng cứu chữa được quyền lựa chọn kết thúc cuộc sống hợp pháp.

 Bộ Y tế cho rằng quy định về quyền được chết là vấn đề nhạy cảm. Ảnh minh họa. Ảnh: TRẦN NGỌC

Bộ Y tế cho rằng quy định về quyền được chết là vấn đề nhạy cảm. Ảnh minh họa. Ảnh: TRẦN NGỌC

Về vấn đề trên, Bộ Y tế thay mặt Chính phủ lý giải như sau: Theo Điều 19 Hiến pháp năm 2013 quy định mọi người có quyền sống, tính mạng con người được pháp luật bảo hộ, không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật.

Thêm vào đó, tại Khoản 2, Điều 2 Luật Khám bệnh, chữa bệnh cũng quy định chữa bệnh là việc người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh sử dụng kiến thức, phương pháp, kỹ thuật chuyên môn để giải quyết tình trạng bệnh, ngăn ngừa sự xuất hiện, tiến triển của bệnh hoặc đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người bệnh trên cơ sở kết quả khám bệnh.

“Quyền được chết (quyền an tử, quyền được lựa chọn cái chết êm ái, chết nhân đạo…) là một việc làm nhân đạo. Tuy nhiên, vấn đề này rất nhạy cảm, kéo theo nhiều hậu quả về pháp lý, y tế, đạo đức, không phù hợp với đạo lý người Á Đông và chưa phù hợp với sự phát triển xã hội, với điều kiện cơ sở vật chất của Việt Nam…” - Bộ Y tế cho hay.

Vấn đề trên, năm 2015, tại một cuộc hội thảo cho ý kiến về dự thảo Bộ Luật dân sự (sửa đổi), nhiều đại biểu cũng đề xuất cần có quy định về quyền được chết.

TS. Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Y tế), cho rằng có những cái chết nhẹ nhàng, thanh thản nhưng cũng có trường hợp bệnh nhân chết trong đau đớn như ung thư giai đoạn cuối hoặc bị khủng hoảng về sức khỏe và tinh thần… Những trường hợp này, họ mong muốn được chết.

“Vì vậy, chúng ta cũng nên xem xét đưa quyền này vào luật để những người có nhu cầu khi chết được ra đi thanh thản, nhẹ nhàng, không phải ra đi trong đớn đau, khủng hoảng, sang chấn về tinh thần” - ông Quang nhấn mạnh.

Còn GS.TS Đỗ Kim Sơn, nguyên giám đốc Bệnh viện Việt Đức, chia sẻ ông đã chứng kiến rất nhiều bệnh nhân mắc các chứng bệnh, hoặc bệnh đã ở giai đoạn mà ngay cả các quốc gia có trình độ tiên tiến về y tế, cũng không còn khả năng cứu chữa.

Mặc dù chưa có thống kê, song những bệnh nhân như vậy ở nước ta có số lượng đáng kể. Nhiều bệnh nhân không muốn kéo dài một cuộc sống đau đớn và không còn hy vọng.

Theo GS.TS Đỗ Kim Sơn, khi đưa quyền này vào luật, phải có tiêu chí xác định đâu là trường hợp không còn hy vọng sống về mặt khoa học thì mới cho phép, còn những trường hợp khác muốn chết vì những lý do khác thì phải ngăn, vì đó là tiêu cực. Vì vậy, luật phải quy định chặt chẽ để vấn đề này không bị lạm dụng.

PHÚ PHONG

Nguồn PLO: https://plo.vn/bo-y-te-noi-ve-de-xuat-quy-dinh-quyen-duoc-chet-post788490.html