Bộ Y tế sẽ đặt hàng doanh nghiệp tổ chức xét nghiệm tại sân bay
Đây là thông tin được Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đưa ra tại cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (COVID-19)... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Đây là thông tin được Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đưa ra tại cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (COVID-19), chiều 9-9, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.
Tại cuộc họp, sau khi nghe báo cáo của Bộ Y tế, Thường trực Ban Chỉ đạo đã bàn về sản xuất sinh phẩm xét nghiệm mới (test kit), kinh nghiệm các nước tổ chức xét nghiệm người nhập cảnh tại sân bay.
Về sản xuất test kit, tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ KH và CN Nguyễn Công Tạc cho biết, đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp trong nước đã sản xuất được 2 loại test kit nhanh tìm kháng thể sử dụng máy và không cần sử dụng máy, có độ nhạy, độ đặc hiệu cao đối với người nhiễm bị SARS-CoV-2 sau 7 ngày. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã sản xuất được test kit tìm kháng nguyên thực hiện bằng phương pháp Realtime-PCR, có độ chính xác cao, phát hiện sớm người nhiễm SARS-CoV-2 nhưng thời gian thực hiện lâu, yêu cầu cao về kỹ năng, quy trình thao tác.
Thường trực Ban Chỉ đạo nhấn mạnh với yêu cầu phải chung sống an toàn với dịch bệnh, phải mở cửa để đón chuyên gia, nhà đầu tư phục vụ phát triển kinh tế, vì vậy, việc triển khai phương án thực hiện xét nghiệm nhanh (tìm kháng nguyên) ngay tại các cửa khẩu, sân bay, bệnh viện, sự kiện tập trung đông người… để sàng lọc, phát hiện sớm nhất các trường hợp nhiễm bệnh, không để sót, để lọt ra cộng đồng, xâm nhập vào bệnh viện là vô cùng quan trọng.
Trên tinh thần đó, các doanh nghiệp như Sao Thái Dương, Medicon đang khẩn trương nghiên cứu, sản xuất loại test kit nhanh tìm kháng nguyên có giá thành thấp, có thể sử dụng các loại máy móc, trang thiết bị hiện có, thời gian thực hiện ngắn hơn nhưng độ nhạy, độ đặc hiệu tương đương hoặc cao hơn phương pháp Realtime -PCR hiện nay.
Ông Đào Đình Khôi, Giám đốc Công ty Medicon cam kết sẽ tập trung đầu tư sản xuất loại test kit xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên trong thời gian nhanh nhất có thể. Doanh nghiệp này đã chuẩn bị lượng nguyên liệu sản xuất 500 nghìn test, sau khi hoàn tất thử nghiệm, sẽ nộp hồ sơ đăng ký lưu hành và sẵn sàng triển khai sản xuất trên quy mô công nghiệp với lượng khoảng 50 nghìn - 100 nghìn test/ngày. Bước đầu, doanh nghiệp dự kiến giá thành khoảng 3,5 USD/test (bằng 70% so với sản phẩm của nước ngoài).
Còn đại diện Công ty Sao Thái Dương cho biết, doanh nghiệp này cùng với các nhà nghiên cứu đã triển khai sản xuất test kit Realtime LAMP phiên bản mới, gửi cơ quan chức năng đánh giá độ nhạy, độ đặc hiệu,... Nhóm nghiên cứu của Công ty Sao Thái Dương kỳ vọng sản phẩm mới nâng công suất xét nghiệm gấp nhiều lần, thời gian ngắn hơn, để có thể triển khai trước hết tại các sân bay.
Qua thảo luận về kinh nghiệm triển khai xét nghiệm SARS-CoV-2 tại sân bay ở một số quốc gia như Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Ấn Độ… các ý kiến đề nghị Bộ Y tế lên ngay kế hoạch tổ chức đón, xét nghiệm người nhập cảnh tại các sân bay quốc tế khi chúng ta sắp mở trở lại một số đường bay quốc tế.
Bộ Y tế, Bộ KH và CN, các đơn vị liên quan cần tạo điều kiện tối đa để thử nghiệm tất cả các loại test kit xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên do doanh nghiệp Việt Nam nghiên cứu, sản xuất. Nếu những loại test kit này sử dụng tốt, giá thành thấp thì chúng ta có thể tính đến phương án mở rộng xét nghiệm nhanh ở các bệnh viện, sự kiện tập trung đông người…
Đồng thời, các đại biểu đề nghị Bộ Y tế tiếp tục siết chặt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trong các cơ sở khám chữa bệnh, không thể để cho mầm bệnh trong cộng đồng lây nhiễm vào các bệnh viện.
GS.TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của các doanh nghiệp sản xuất sinh phẩm y tế thời gian qua, nhờ chúng ta chủ động sản xuất được test kit đã góp phần quan trọng vào thành công trong công tác ứng phó dịch bệnh. Các doanh nghiệp trong nước cũng đã tích cực hỗ trợ các đơn vị đủ sinh phẩm để chẩn đoán. Bộ Y tế hoan nghênh và tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất các loại test kit để phục vụ công tác phòng, chống dịch trong tình hình mới.
Tại cuộc họp, lãnh đạo Bộ KH và CN cho biết sẽ đặt hàng mua test kit nhanh tìm kháng nguyên của Công ty Sao Thái Dương, Công ty Medicon để thử nghiệm trên thực tế.
Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, cơ quan này cũng sẽ đặt hàng doanh nghiệp tổ chức xét nghiệm tại sân bay như kinh nghiệm một số nước./.