Sữa giả, thuốc giả nếu vào bệnh viện sẽ xử lý nghiêm, không có vùng cấm

Đó là khẳng định của TS. Hà Anh Đức - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế khi trả lời về việc nếu có tình trạng bác sĩ kê đơn các loại sữa giả thì sẽ xử lý thế nào?

Trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị thường niên Câu lạc bộ Giám đốc Bệnh viện phía Bắc diễn ra vào sáng nay 19/4 tại Hải Dương, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế cho biết, tình trạng thuốc giả, sữa giả gần đây là vấn đề hết sức nhức nhối trong xã hội.

Ngay đầu tuần tới Cục sẽ có văn bản yêu cầu các bệnh viện rà soát lại, bao gồm cả việc bán cho ai, khi nào…nếu việc sử dụng thực phẩm liên quan đến dùng sữa giả, thuốc giả mà ảnh hưởng đến sức khỏe thì cơ sở y tế phải chịu trách nhiệm trong việc tham mưu, tư vấn cho người bệnh.

TS. Hà Anh Đức - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh.

TS. Hà Anh Đức - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh.

"Quan điểm của Bộ Y tế là xử lý nghiêm không bao che, không có vùng cấm nếu có sai phạm', TS. Đức khẳng định.

Liên quan đến việc hướng dẫn dinh dưỡng lâm sàng trong bệnh viện, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết, Bộ Y tế đã xây dựng các hướng dẫn về chuyên môn dinh dưỡng lâm sàng. Theo đó tại Thông tư 23/2024 của Bộ Y tế đã có hướng dẫn và thời gian tới Bộ sẽ cụ thể hóa để hướng dẫn chi tiết hơn cho nhân viên y tế cũng như người bệnh.

"Chúng tôi đang xây dựng và cụ thể hóa hướng dẫn lâm sàng: ví dụ dinh dưỡng lâm sàng phục vụ thế nào, trường hợp bệnh nhân suy kiệt song song với chỉ định kê đơn điều trị thì chỉ định điều trị ra sao… Điều này các nước phát triển làm tốt. Việt Nam đi sau nhưng chúng tôi đang cố gắng chuẩn hóa', TS Hà Anh Đức nói.

Việc sữa giả, thuốc giả và thực phẩm chức năng xuất hiện trong một số bệnh viện đã gây hoang mang trong nhân dân, về vấn đề này Giám đốc BV Bạch Mai Đào Xuân Cơ cho hay, từ 3 năm nay Bệnh viện Bạch Mai đã dừng hoàn toàn việc bán thực phẩm chức năng trong nhà thuốc bệnh viện. Đồng thời, cấm bác sĩ kê đơn tư vấn sử dụng thực phẩm chức năng, kể cả dưới hình thức giới thiệu bên ngoài.

Còn về vấn đề quản lý sữa, PGS. TS Đào Xuân Cơ cũng khẳng định, dinh dưỡng cũng được coi là "thuốc" trong phác đồ điều trị. Do đó, thời gian qua bệnh viện Bạch Mai đã tăng cường kiếm soát dinh dưỡng lâm sàng theo hướng cá thể hóa. Mỗi bệnh nhân được xây dựng thực đơn riêng theo tình trạng sức khỏe, kiểm soát tới từng bữa ăn, thành phần đường, đạm, mỡ...

PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc BV Bạch Mai.

PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc BV Bạch Mai.

Bệnh viện cũng đang rà soát lại việc có hay không bác sĩ, dược sĩ của Bệnh viên tham gia quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

'Bệnh viện Bạch Mai đã rà soát toàn bộ hệ thống cung ứng và nhà thuốc bệnh viện, bước đầu chưa phát hiện sản phẩm nào liên quan đến đường dây sản xuất, buôn bán sữa giả', PGS Đào Xuân Cơ nói.

Liên quan đến vấn đề về sữa giả, thuốc giả vừa được cơ quan chức năng phát hiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ban hành công điện số 40/ CĐ – TTg yêu cầu xử lý nghiêm hành vi sản xuất, phân phối sữa giả gây bức xúc dư luận.

Công điện được gửi tới các Bộ trưởng các Bộ: Công an, Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Môi trường, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cùng với Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Ngay sau đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cũng đã ký Công điện số 41/CĐ-TTg ngày 17/4/2025 về xử lý vụ việc sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Công điện gửi các Bộ trưởng: Công an, Y tế, Công thương; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Ngày 17/4, Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu các bệnh viện, trường đại học, viện nghiên cứu, hội chuyên ngành thực hiện nghiêm việc kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm. Các đơn vị cũng phải thông báo tới toàn thể cán bộ, kể cả người đã nghỉ hưu, về quy định này.

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bo-y-te-sua-gia-thuoc-gia-neu-vao-benh-vien-se-xu-ly-nghiem-khong-co-vung-cam-169250419120942471.htm