Bộ Y tế: Thói quen, hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường của cộng đồng có sự thay đổi cơ bản

Phong trào 'Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân' phát động từ năm 2012 nhằm huy động các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và toàn thể nhân dân hưởng ứng Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tích cực làm tốt hơn công tác phòng chống dịch, vệ sinh môi trường...

Để hưởng ứng và thực hiện lời kêu gọi "Vệ sinh yêu nước" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 2/7 hàng năm toàn cộng đồng cùng chung tay và tập trung vào việc thực hiện 3 nội dung như: Vệ sinh cá nhân; Vệ sinh môi trường cộng đồng; Vệ sinh an toàn thực phẩm và Vệ sinh trong lao động.

Đối với Vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường cộng đồng, cần thay đổi hành vi cá nhân có lợi cho sức khỏe, như: Toàn dân hãy luôn thực hiện tốt và thực hiện thường xuyên việc vệ sinh cá nhân, ăn sạch, uống sạch, ở sạch, ăn uống hợp lý và rèn luyện sức khỏe.

Đẩy mạnh thực hiện nội dung "3 sạch", cụ thể là: Sạch ngõ gắn với vệ sinh môi trường; Sạch nhà gắn với vệ sinh thân thể; Sạch bếp gắn với vệ sinh an toàn thực phẩm. Cải thiện môi trường, thực hiện tốt vệ sinh công cộng, trên các phương tiện phục vụ giao thông công cộng, nơi làm việc, bệnh viện, trường học.

Việc thường xuyên rửa tay với xà phòng góp phần phòng chống dịch bệnh.

Việc thường xuyên rửa tay với xà phòng góp phần phòng chống dịch bệnh.

Mỗi hộ gia đình phấn đấu xây dựng nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh, chấm dứt việc tiểu tiện bừa bãi; xây dựng chuồng trại hợp vệ sinh, mỗi cá nhân là cùng chung tay thu gom, loại bỏ dụng cụ phế thải, xóa bỏ nơi sinh sản của muỗi.

Mỗi người dân cùng góp sức quản lý tốt nước thải, rác thải sinh hoạt, không vứt rác bừa bãi, giữ gìn vệ sinh, cảnh quan môi trường, định kỳ hàng tháng tổ chức tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm, cơ quan, trường học…., tạo thói quen nề nếp trong nhân dân.

Chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị phát động phong trào trồng và chăm sóc cây xanh nơi công cộng, đường làng, trong khuôn viên từng hộ gia đình, tại cơ quan, đơn vị, tạo môi trường xanh, sạch đẹp và mỹ quan đô thị.

Để phong trào vệ sinh yêu nước đi vào thực chất, nhiều mô hình đã được triển khai xây dựng, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực tại nhiều địa phương, đơn vị trong cả nước. Trong đó, đáng chú ý như mô hình vệ sinh môi trường nông thôn hưởng ứng phong trào vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân lồng ghép với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai tại các tỉnh Lào Cai, Hải Dương, Nam Định, Hưng Yên, Hòa Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Trà Vinh, Cần Thơ, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau; mô hình bảo đảm vệ sinh môi trường Khu di tích Đền Hùng (Phú Thọ); mô hình vệ sinh tổng thể do cộng đồng làm chủ; mô hình tiếp thị vệ sinh; mô hình cộng đồng công nhận chấm dứt đi tiểu bừa bãi; mô hình cơ sở y tế xanh-sạch-đẹp…

Cùng với đó, các buổi nói chuyện, thảo luận nhóm tại cộng đồng về việc xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, thường xuyên rửa tay với xà phòng, về vệ sinh an toàn thực phẩm; Tổ chức các cuộc thi, tìm hiểu về vệ sinh an toàn thực phẩm; Thăm, tư vấn xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh cho các hộ gia đình... cũng được triển khai rộng khắp, góp phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức của người dân trong cải thiện môi trường sống, phòng chống dịch bệnh.

Công tác tuyên truyền còn được đẩy mạnh thông qua hình thức treo băng rôn, áp phích, khẩu hiệu, phát tờ rơi về chủ đề vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân tại các nơi công cộng, các tuyến đường chính, tại trụ sở cơ quan. Mở phát các phóng sự trên sóng Đài truyền hình trung ương, các đài địa phương, trên hệ thống phát thanh truyền thanh xã tuyên truyền,... nhằm nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh tại hộ gia đình và nơi công cộng, thường xuyên rửa tay với xà phòng để phòng chống dịch bệnh.

Phong trào vệ sinh yêu nước đẩy mạnh thực hiện nội dung "3 sạch", cụ thể là: Sạch ngõ gắn với vệ sinh môi trường; Sạch nhà gắn với vệ sinh thân thể; Sạch bếp gắn với vệ sinh an toàn thực phẩm...

Phong trào vệ sinh yêu nước đẩy mạnh thực hiện nội dung "3 sạch", cụ thể là: Sạch ngõ gắn với vệ sinh môi trường; Sạch nhà gắn với vệ sinh thân thể; Sạch bếp gắn với vệ sinh an toàn thực phẩm...

Những phong trào, phương thức truyền thông phong phú nêu trên đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa của vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, phòng chống dịch bệnh...Từ đó, tác động tích cực đến việc khống chế dịch bệnh, cải thiện môi trường sống, góp phần làm tốt công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.

Công tác phòng chống dịch bệnh được 100% các tỉnh, thành phố triển khai lồng ghép với Phong trào vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân, Phong trào rửa tay với xà phòng... nhờ đó, tỷ lệ mắc và tử vong của hầu hết các bệnh truyền nhiễm đều được kiềm chế.

Bộ Y tế cho biết, trong những năm qua, thói quen, hành vi về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường của cộng đồng đã có sự thay đổi cơ bản. Tỉ lệ người dân rửa tay với xà phòng tăng mạnh, 96% trạm y tế có nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh, tăng gần 12% so với năm 2012. Tỉ lệ hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh đã đạt 82%.

Đặc biệt, Tây Bắc, Đông Bắc và Tây Nguyên là ba vùng đã đạt trên 72% hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh. Công tác đảm bảo nước sạch, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp, vệ sinh trong cơ sở y tế, cơ sở giáo dục đã từng bước được cải thiện. Các kết quả này đã góp phần giảm đáng kể các bệnh truyền nhiễm gây dịch bệnh ở nước ta...

Thái Bình

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bo-y-te-thoi-quen-hanh-vi-ve-sinh-ca-nhan-ve-sinh-moi-truong-cua-cong-dong-co-su-thay-doi-co-ban-169240826171804421.htm