'Bốc hơi' gần 200 tỷ đồng, tài sản đại gia BĐS mất mốc 4.000 tỷ đồng
Cùng với đà giảm của thị trường chứng khoán, khối tài sản của đại gia BĐS này cũng tuột mốc 4.000 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa có tuần giao dịch từ ngày 10 - 14/04 diễn biến tiêu cực khi phiên giao dịch ngày 14/4, chỉ số VN-Index giảm 11,41 điểm, về mức 1.052,89 điểm; HNX-Index giảm 2,59 điểm, kết phiên ở mức 207,25 điểm. Xét cho cả tuần, VN-Index giảm tổng cộng 16,82 điểm (-1,57%), HNX-Index giảm 4,35 điểm (-2,06%).
Cùng với đà giảm của chỉ số VN-Index trong phiên giao dịch ngày 14/4, mã cổ phiếu PDR của CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt ghi nhận mức giảm 600đ/cổ phiếu, tương đương mức giảm 4,29% so với phiên liền trước. Mã cổ phiếu PDR giảm mạnh sau thông tin Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi đề nghị không tiếp nhận và sử dụng tài trợ của Công ty KCN Phát Đạt và Công ty BĐS Phát Đạt. Trong đó, Công ty CP Đầu tư và Phát triển KCN Phát Đạt là công ty con của Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR).
Khối tài sản của Chủ tịch Nguyễn Văn Đạt mất mốc 4.000 tỷ đồng cùng đà giảm của PDR
Theo thông tin được công bố, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã bố trí kinh phí cho Ban Quản lý KKT Dung Quất triển khai lập các Quy hoạch phân khu xây dựng trên địa bàn Khu kinh tế. Trong đó, có các khu vực Công ty KCN Phát Đạt và Công ty BĐS Phát Đạt đề xuất tài trợ.
Đà giảm của PDR trong phiên giao dịch ngày 14/4, khiến khối tài sản của Chủ tịch Nguyễn Văn Đạt giảm hàng trăm tỷ đồng. Cụ thể, với việc đang nắm giữ gần 290 triệu cổ phiếu PDR, khối tài sản của Chủ tịch 53 tuổi bị thổi bay hơn 173 tỷ đồng. Tính theo giá thị trường kết phiên giao dịch ngày 14/4, khối tài sản của Chủ tịch Nguyễn Văn Đạt mất mốc 4.000 tỷ đồng khi giảm chỉ còn 3.865 tỷ đồng.
Sau khi chỉ số VN-Index giảm mạnh trong tuần giao dịch vừa qua, nhận định về xu hướng thị trường trong phiên giao dịch ngày 17/4, chuyên gia của Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) dự báo thị trường với đại diện là chỉ số VN-Index có thể tiếp tục quán tính giảm trong phiên sáng để kiểm định lực mua tại hỗ trợ 1.045-1.050 điểm.
Sự giằng co có thể sẽ diễn ra tại đây và giúp VN-Index xuất hiện những nhịp hồi phục sau đó để kiểm định các kháng cự phía trên tại 1.057-1.062 điểm, tạo bởi các đường EMA20 và EMA50 ngày.
Nhiều khả năng VN-Index sẽ dao động trong biên độ 1.045-1.062 điểm này trong một vài phiên giao dịch trước khi hình thành xu hướng tiếp theo, mà hiện đang có xác suất cao hơn là tiếp tục đi xuống, hướng về phía hỗ trợ mạnh hơn tại 1.020-1.040 điểm.
Chuyên gia của CTCK Yuanta Việt Nam (Yuanta) cho rằng thị trường có thể sẽ hồi phục trong phiên giao dịch đầu tuần, chỉ số VN-Index có thể sẽ kiểm định ngưỡng hỗ trợ 1.045 điểm và hồi phục dần từ ngưỡng hỗ trợ này.
Chuyên gia của CTCK KB Việt Nam (KBSV) nhận định thanh khoản tăng mạnh trong các nhịp giảm điểm thấy áp lực từ bên bán đang chiếm ưu thế và để ngỏ rủi ro mở rộng nhịp điều chỉnh trong phiên tiếp theo. Mặc dù cơ hội mở rộng đà tăng điểm của VN-Index vẫn tiếp tục được bảo lưu, rủi ro quay trở lại xu hướng giảm điểm vẫn cần được tính đến trong kịch bản chỉ số đánh mất hoàn toàn ngưỡng hỗ trợ quan trọng quanh 1.050 điểm.
Nhà đầu tư được khuyến nghị chỉ bán hạ tỷ trọng các vị thế trading đã trong trường hợp ngưỡng hỗ trợ đã đề cập bị phá vỡ.
Đồng thời, đồ thị giá của các chỉ số có dấu hiệu bước vào giai đoạn tích lũy ngắn hạn cho nên thị trường có thể sẽ đi ngang quanh mức hiện tại trong vài phiên tới và các chỉ số có thể sẽ không giảm mạnh. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý giảm mạnh cho thấy các nhà đầu tư đang bi quan trở lại với xu hướng hiện tại.