Bóc trần mọi ngóc ngách của giới cờ bạc Hà Thành (Kì 3)
Nếu như ở kỳ trước, nhắc đến Thuật 'móng tay dài' cùng các ngón nghề bịp trong sới xóc đĩa thì kỳ này muốn kể về một bậc thầy với bài lá. Đó là Lê Tùng Sơn (tức Sơn 'lưu', SN 1960, ngụ quận Đống Đa, Hà Nội) giống như một ảo thuật gia với các quân bài tú lơ khơ vậy.
Ván bài cược... bàn tay
Biệt danh của Sơn muốn chỉ sự lưu manh, chỉ cái tính giảo hoạt, ranh ma trong giới giang hồ. Gia nhập du đãng từ sớm nhưng gã không giỏi đánh nhau, chỉ thích kiếm tiền bằng cờ bạc. Sự khéo léo của gã với các quân bài giống như một năng khiếu vậy.
Không ai rõ Sơn học “nghề” của ai và học từ lúc nào, chỉ biết chưa đầy 20 tuổi, gã đã là bậc thầy trong nghề bịp bài lá. Ai cũng biết bộ bài tú lơ khơ 52 cây, cách giải trí đánh tú tấn, tiến lên thông thường đã biến tướng thành rất nhiều cách chơi phỏm, sâm, poker kiểu ngoại quốc. Nhưng mọi cách chơi, Sơn “lưu” đến có thể làm ảo thuật với các lá bài.
Dẫn chứng để dễ hình dung, ví như đánh “ba cây”, bộ bài lấy từ “át” đến “9”, chia mỗi nhà 3 lá, cộng tổng thành 10 là to nhất. Thế nhưng khi chơi, Sơn luôn dễ dàng bịp để lấy 5 lá bài cho mình mà không ai biết. Rõ ràng, xác suất cộng 5 lá được tổng 10 phải cao hơn chỉ có 3 lá.
Bàn tay Sơn “lưu” thanh mảnh, ngón tay dài như tay nghệ sỹ chơi đàn. Bàn tay ấy, gã bốc từ cỗ bài lên cùng lúc 2 lá, lại trở lại 1 lá, cứ êm ru, không thể nhận biết. Đánh bạc kiểu “ba cây” với kẻ luôn có 5 cây bài, thắng thua về ai đã rõ.
Giang hồ Hà thành kể rằng khoảng năm 1983, 1984, Sơn “lưu” đã có một canh bạc như “huyền thoại”. Vẫn là bịp, cách chơi ai cũng ghét, nhưng canh bạc này, Sơn lại rửa nhục cho dân anh chị Hà thành. Thời điểm ấy, xuất hiện một tay chơi người Miền Nam, “anh Hai” này làm loạn các sới bạc Hà Nội, thậm chí vài lần chơi tay đôi, vét sạch của vài anh chị cộm cán.
Biết chắc là tay chơi đó bịp nhưng các đối thủ không biết gã bịp kiểu gì. Không bằng chứng cũng không thể đè ra đánh vì sợ mang tiếng giang hồ đất Bắc, đám “trùm” đành dùng đến Sơn “lưu”.
Canh bạc đó đánh theo kiểu “sì tố”, mỗi bên mang một va ly tiền, còn cược thêm… bàn tay phải. Tiền xanh lét chiếu lại thêm bàn tay chia bài kiếm cơm, đủ hiểu mức độ sát phạt thế nào. Kiểu sì tố đánh tay đôi, bộ bài lấy từ hàng “8” tới “Át”, chia mỗi bên 5 cây trong đó 1 cây úp kín, gọi là “tấy”.
Có nhiều cách các lá bài kết hợp thành bộ bài to như: cù, thùng, sảnh, xám… rất phức tạp. Nhưng để hiểu một cách đơn giản, quân bài tẩy quan trọng nhất, làm nên thắng thua cả ván bài. Và bịp giỏi hay không, chính là xoay quanh quân bài này. Giang hồ kể rằng canh bạc kéo dài hàng tiếng đồng hồ, cuối cùng, trong một ván bài chơi tất tay, Sơn “lưu” đã thắng. Gã còn tỏ vẻ chịu chơi khi xin các đàn anh không chặt tay đối thủ. Đổi lại “anh trai” phải thề rằng, cả đời không được đặt chân ra đất Bắc nữa.
Sau vụ việc, tiếng tăm Sơn “lưu” nổi như cồn. Và vì đã lập công, dù gã là thợ bịp, các trùm vẫn luôn để cho gã đất làm ăn, miễn là trong chừng mực.
Canh bạc bịp tiền tỷ
Không giống chơi xóc đĩa, chơi bài lá không đông người cũng không cần không gian rộng. Vì thế, đám bịp bài lá như Sơn không mấy khi phải mở sòng bạc. Họ tìm cách nhập vào một nhóm người nào đó thích chơi bài là, rồi giở các thủ đoạn để lột tiền.
Thợ bịp càng nguy hiểm ở chỗ thường “đơn thương độc mã”, điêu luyện như Sơn, chỉ cần bộ bài và mọi việc trong tầm kiểm soát. Như trên đã kể, bốc bài thả bài chỉ là kỹ thuật sơ đẳng. Bí kíp bịp ở chỗ nhớ lớp bài và tráo bài. Sau một ván chơi, các lá bài lung tung. Dạng như Sơn, khi xếp lại bộ bài, đã có thể nhớ “các lớp” quân bài.
Rồi trong lúc tráo bài, bằng một bí kíp nào đó, Sơn đã có thể biết rõ vị trí cả 52 lá bài. Sắp xếp chúng theo vị trí mà gã cần để chia bài. Ví dụ sắp xếp kiểu đánh tiến lên khác, xếp kiểu chơi “ba cây” khác… Có nghĩa rằng sau khi tráo và chia bài ra, gã đã có những lá bài ở thế thượng phong, chỉ thắng chứ không bại.
Một trong những vụ “kinh điển” của Sơn “lưu” là vụ gã một mình vét sới “ba cây” tiền tỷ ở phố Bùi Thị Xuân (quận Hai Bà Trưng). Sới này chỉ có gần chục con bạc, thuê thường xuyên một phòng của quán karaoke để sát phạt. Đám bạc đều thuộc dạng giàu mới phất, chơi cực lớn. Có điều, họ chỉ chơi trong nhóm quen biết, không chấp nhận người lạ. Sơn “lưu” lọt được vào sới là do một con bạc chơi trò “phản thùng”. Dường như thua nhiều quá, con bạc này cay mũi, “cõng răn cắn gà nhà”.
Sới chơi “ba cây”, chia khoảng 7, 8 cửa. Một cửa làm “chương” giường như cái, các cửa khác đặt tiền. Khi ngửa bài, các cửa có số “ nút” lớn hơn chương sẽ ăn tiền bằng số tiền đặt cửa. Khi cửa nào số nút lớn như quy định của sới, ví dụ tổng 10 có 9 rô, quyền làm chương sẽ chuyển qua cửa đó. Luật chơi đại để như vậy, Sơn “lưu” có mặt cùng kẻ dắt mối với tư cách em họ.
Thấy là người nhà của người nhà, đám bạc cười thầm trong bụng. Được một lúc, giá đò mệt mỏi, kẻ dắt mối nhờ gã lên bài hộ. Sơn tiếp tục thua vài ván nữa. Nhưng chính lúc này, gã đang “bật” hết các giác quan ghi nhớ “ lớp” bài. Nhận ám hiệu từ Sơn,n kẻ dắt mối ra vẻ chán bảo: “Đen quá thì cắt bài, xem tay mày có đỏ không”.
Đây là một động tác được chấp nhận trong các sới bài lá. Nếu cảm thấy vận đen quá, con bạc có thể yêu cầu như thế. “Cắt” bài nghĩa là sau khi “chương” tráo xong, con bạc có thể tráo lại hoặc đơn giản, nhấc một phần bài đặt ra để chia sau. Sơn chọn cách đơn giản. Người làm “chương tráo bài xong, gã “cắt” một góc cỗ bài tráo xuống dưới.Ván đó, gã đạt số nút 10 cửu sừng (3 lá tổng 10 có 9 rô) đoạt quyền làm chương. Kẻ dắt mối vỗ vai gã, giả bộ kẻ cả: “Mày đỏ đấy, cứ chơi thoải mái đi”.
Đám bạc không thể ngờ kẻ dắt mối đã đưa họ vào trân đồ bát quái. Sơn bịp cực khéo. Luật là phải đặt tiền cược trước khi chia bài, Sơn chỉ thắng những cửa đặt tiền nhiều. Nghĩa là trong một ván, gã thường thắng 5 thua 3, nhưng số tiền cửa nhiều ít khác nhau nên tổng lại, vẫn được rất nhiều.
Đây cũng là tuyệt chiêu của Sơn. Nếu gã cứ bịp để bài mình luôn to nhất, sẽ gây nghi ngờ ngay. Bịp để chỉ thắng những cửa cần thắng, kỹ thuật chia bài khó gấp bội. Ghê gớm hơn, sau đó đám bạc cũng “ cắt” bài, tráo lại bài, bất kể làm thế nào, cửa của Sơn vẫn luôn thắng những cửa cần thắng. Canh bạc này, Sơn được tiền tỉ. Khi gã cùng kẻ dắt mối ra về, đám bạc vẫn chỉ nghĩ anh em Sơn hôm nay đỏ quá.
Những năm 1990 là thời hoàng kim của Sơn “lưu”. Gã kiếm tiền “bẩn” dễ như lấy đồ trong túi. Sơn cực kỳ tính quái. Hành nghề ở địa bàn nào, gã không quên cắt “ phế” cho các đàn anh khu vực ấy. Vì thế, cùng với công trạng cũ, gã luôn được “thế giới ngầm” chống lưng, o bế. Phải đến năm 1998, gã mới trả giá, bị công an bắt quả tang tham gia đánh bạc với số tiền rất lớn. Đi tù vài năm, Sơn cũng lụt nghề. Vả lại, đến những năm 2000, Sơn “lưu” vẫn sống bằng nghề bịp nhưng không còn vị thế như trước nữa./.
( Còn tiếp)