Trong suốt thời gian dài, Nga vẫn giữ vững vị trí nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho quân đội Ấn Độ, tuy nhiên gần đây vị thế của họ đang bị lung lay nghiêm trọng do chính sách đa dạng hóa được New Delhi tiến hành.
Nga đang phải chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ bởi các công ty quốc phòng từ Mỹ và Israel, trong đó tập đoàn Boeing nổi lên như một thế lực mới, thậm chí sắp tới họ được đánh giá sẽ trở thành đối tác quốc phòng số 1 của quốc gia Nam Á này.
Nguyên nhân bắt nguồn từ việc hải quân Ấn Độ có tham vọng xây dựng các biên đội tác chiến tàu sân bay thế hệ mới, trong đó họ cần một dòng tiêm kích hạm đủ tin cậy, đặc biệt khi MiG-29K do Nga chế tạo đang chịu quá nhiều lời phàn nàn về tính năng cũng như độ tin cậy.
Trong tình huống trên, đã có nhiều ý kiến yêu cầu Bộ Quốc phòng Ấn Độ mua tiêm kích hạm F/A-18E/F Super Hornet do Boeing sản xuất để thay thế những chiếc MiG-29K trên hàng không mẫu hạm tương lai.
Trở ngại duy nhất được nêu ra đó là chiếc phi cơ trên liệu có khả năng cất cánh từ đường băng kiểu nhảy cầu hay không, khi nó vốn được thiết kế để hoạt động trên tàu sân bay sàn phẳng dùng máy phóng.
Như hành động nhằm mục đích trấn an, bộ phận phụ trách Ấn Độ của Boeing có trụ sở tại New Delhi đã đăng tải bức ảnh cho thấy một máy bay chiến đấu F/A-18E cất cánh từ đoạn đường băng dạng cầu nhảy.
Công ty cho biết trong một bài đăng trên Twitter: “F/A-18 Super Hornet của chúng tôi thể hiện khả năng hoạt động từ hàng không mẫu hạm của hải quân Ấn Độ trong quá trình phóng thành công và an toàn từ đoạn đường dốc”.
Cuộc thử nghiệm được tổ chức tại Trạm hàng không hải quân Patuxent River, MD, cho thấy Super Hornet sẽ hoạt động tốt với hệ thống cất cánh ngắn (STOBAR) của hải quân Ấn Độ và xác thực các nghiên cứu mô phỏng trước đó của Boeing.
“Vụ phóng thành công và an toàn đầu tiên của F/A-18 Super Hornet từ đường dốc xác nhận hoạt động hiệu quả từ các tàu sân bay của hải quân Ấn Độ”, đại diện Boeing tại Ấn Độ - ông Ankur Kanaglekar cho biết.
Với động thái trên, hải quân Ấn Độ đã tiến gần hơn đến việc mua Super Hornet để bổ sung cho những chiếc MiG-29K Fulcrum do Nga sản xuất. Nếu hợp đồng được ký kết, nó sẽ ảnh hưởng nặng nề đến vị thế của Nga trong khu vực.
Đây cũng là bước đi hợp lý vì hải quân Ấn Độ dự định sẽ tiến lên đóng tàu sân bay sàn phẳng lắp máy phóng điện từ, họ muốn mua công nghệ từ Mỹ và dĩ nhiên sẽ cần một chiếc tiêm kích hạm do Washington sản xuất nhằm tạo ra sự tương thích cao.
Đáng tiếc rằng hiện tại và tương lai những công nghệ như trên vẫn nằm ngoài tầm với của Nga, cho nên New Delhi dĩ nhiên chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài hợp tác với Mỹ.
Được biết Boeing vừa là đối tác trong lĩnh vực hàng không vũ trụ của Ấn Độ suốt gần 8 thập kỷ, vừa là trụ cột trong lĩnh vực hàng không thương mại nước này, đóng vai trò quan trọng đối với việc hiện đại hóa lực lượng quốc phòng của New Delhi.
Ngày nay trong biên chế không quân Ấn Độ có 11 máy bay vận tải hạng nặng C-17 Globemaster III, 8 máy bay tuần tra săn ngầm P-8I (4 chiếc nữa đã đặt hàng), 22 trực thăng tấn công AH-64E Apache và 15 trực thăng vận tải CH-47F (I) Chinook do Boeing chế tạo.
Dự kiến hợp đồng mua tiêm kích hạm F/A-18E/F Super Hornet nếu được ký kết sẽ có quy mô tối thiểu là 24 chiếc và nhiều khả năng mở rộng thành 48 máy bay trong tương lai.
Bạch Dương