Boeing tin tưởng 737 MAX 7 có thể nhận giấy chứng nhận vào cuối năm
Dòng máy bay MAX 7 và MAX 10 đều đóng vai trò quan trọng với Boeing để cạnh tranh với hãng chế tạo máy bay Airbus của châu Âu trong việc tranh giành các đơn đặt hàng trên thị trường máy bay thân hẹp.
Quá trình cấp giấy chứng nhận cho mẫu máy bay 737 MAX 7 của Boeing đang tiêu tốn một khoảng thời gian đáng kể do các yêu cầu mới về tài liệu, song nhà chế tạo máy bay này vẫn tin tưởng mẫu máy bay trên có thể nhận được giấy chứng nhận vào cuối năm nay.
Hiện nay, cả dòng máy bay MAX 7 và MAX 10 đều đóng vai trò quan trọng đối với Boeing để cạnh tranh với hãng chế tạo máy bay Airbus của châu Âu trong việc tranh giành các đơn đặt hàng trên thị trường máy bay thân hẹp.
Hãng hàng không Southwest Airlines Co dự kiến sẽ tiếp nhận máy bay MAX 7 đầu tiên trong năm nay, song Giám đốc điều hành của hãng hàng không này lưu ý rằng kế hoạch đưa máy bay vào hoạt động có thể bị trì hoãn cho đến năm 2024.
Trong một cuộc họp báo, ông Mike Fleming, Phó Chủ tịch cấp cao của Boeing phụ trách các chương trình phát triển thương mại, cho biết Boeing đang chuẩn bị một số tài liệu cuối cùng theo yêu cầu của Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) khi tiến hành quy trình pháp lý cần thiết để phê duyệt cho dòng máy bay 737 MAX 7 đi vào hoạt động.
Trả lời báo giới, ông Fleming cho hay hãng chế tạo máy bay đang gần nhận được sự chấp thuận của FAA để bắt đầu các chuyến bay cho chiếc 737 MAX 10 mới. Theo ông Fleming, việc cấp giấy chứng nhận có thể diễn ra vào năm 2024, nhưng điều này vẫn sẽ phụ thuộc vào thời điểm Boeing được chấp thuận để bắt đầu các chuyến bay.
Ông Fleming lưu ý số lượng tài liệu mà Boeing chuẩn bị cho việc sản xuất những chiếc máy bay mới nhiều hơn đáng kể so với những chiếc máy bay sản xuất trước đây.
Về phần mình, FAA cho biết mức độ an toàn sẽ quyết định thời gian cấp phép.
Tháng 12/2022, Quốc hội Mỹ đã nêu điều kiện dỡ bỏ thời hạn chót áp đặt tiêu chuẩn an toàn mới cho hệ thống cảnh báo buồng lái hiện đại đối với các máy bay MAX 7 và MAX 10 của Boeing.
Trước đó, năm 2020, Quốc hội Mỹ và đã áp đặt thời hạn trên nhằm buộc Boeing trang bị thêm tính năng an toàn mới cho các cảnh báo buồng lái hiện đại liên quan hai phiên bản máy bay MAX 7 và MAX 10.
Quyết định được đưa sau khi xảy ra hai vụ tai nạn nghiêm trọng liên quan dòng máy bay 737 MAX khiến nhiều người thiệt mạng tại Indonesia và Ethiopia.
Trước đó, này 26/4, Boeing đã công bố kết quả kinh doanh quý 1, cho thấy khoản lỗ trong quý đầu tiên của năm nay cao hơn dự kiến do các vấn đề về kiểm soát chất lượng các máy bay của hãng này.
Tuy nhiên, cổ phiếu của Boeing tăng điểm khi hãng duy trì được các mục tiêu trung và dài hạn quan trọng.
Theo Boeing, trong quý 1 vừa qua, hãng này lỗ 425 triệu USD, dù thấp hơn so với khoản lỗ 1,2 tỷ USD trong cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn phản ánh tác động dai dẳng của vấn đề chuỗi cung ứng đối với các mảng kinh doanh quốc phòng và thương mại của hãng.
Trong khi đó, doanh thu của Boeing trong quý đầu tiên năm nay đạt 17,9 tỷ USD, tăng 28% so với cách đây 1 năm và vượt kỳ vọng của các nhà phân tích, nhưng vẫn dưới mức của quý 1/2019, thời điểm trước đại dịch COVID-19.
Boeing cũng xác nhận triển vọng cả năm đối với hoạt động kinh doanh và việc bàn giao máy bay 737 trong năm 2023.
Ban lãnh đạo Boeing hy vọng nối lại việc bàn giao máy bay mới cho Trung Quốc sau khi các cơ quan quản lý tại thị trường lớn này công bố báo cáo đánh giá máy bay 737 MAX./.