'Bởi cái chân vẫn muốn đi…'

Anh là porter (người khuân vác) thực thụ. Năm nay tròn 50 tuổi nhưng có đến hơn 30 năm anh làm porter cho các đoàn thám hiểm leo đỉnh Fansipan, nên cái chân, cái tay, cái vai vẫn cuồn cuộn những gân cốt, u cục, rắn chắc như thanh niên. Bình thường gặp không dễ vì các tour khách đặt kín, độ này có dịch nên anh dành cho tôi một khoảng thời gian đủ để trò chuyện với những kỷ niệm, về công việc porter, những trăn trở với nghề.

Nghề porter vẫn tồn tại cho dù nhiều người lên đỉnh Phan Si Păng bằng cáp treo. Ảnh: Ngọc Bằng

Nghề porter vẫn tồn tại cho dù nhiều người lên đỉnh Phan Si Păng bằng cáp treo. Ảnh: Ngọc Bằng

Từ kỷ niệm một chuyến đi…

Người mà tôi nói đến là Má A Chơ, thôn Sín Chải, phường Phan Si Păng (xã San Sả Hồ cũ), thị xã Sa Pa. Gặp lại khiến tôi nhớ về mùa đông năm 2003, tỉnh Lào Cai tổ chức cuộc thi leo núi, chinh phục đỉnh Fansipan (Phan) cho 100 vận động viên không chuyên nhân kỷ niệm 100 năm du lịch Sa Pa, tôi đã gặp anh Chơ trên độ cao 2.900 mét. Khi đó đội porter do anh chỉ huy được giao nhiệm vụ lên núi trước 1 ngày để chuẩn bị hậu cần tại điểm dừng chân cho đoàn leo núi gồm các vận động viên, ban tổ chức cuộc thi, các trọng tài, nhân viên y tế, phóng viên.

Hôm đó, anh Chơ bố trí đội porter khoảng 20 người, ngoài anh 33 tuổi, số còn lại đều khá trẻ, độ dưới 25. Nhiệm vụ của họ là việc mang, vác đồ cần thiết như lương thảo, đồ nấu ăn, chăn ấm, thậm chí porter còn được phân công hỗ trợ mang các thiết bị cho cán bộ y tế, vác chân máy quay cho các phóng viên truyền hình, trung bình mỗi porter mang, vác khoảng 20 đến 30 kg hàng.

Chúng tôi có mặt tại điểm dừng chân lúc chạng vạng tối cũng là lúc các porter đã hoàn thành việc dựng một lán nghỉ hoàn toàn bằng trúc rộng mấy chục m2 làm chỗ sinh hoạt, ăn nghỉ toàn bộ đoàn hơn 100 người. Cảnh vật chìm trong mưa, sương mù, gió thổi mạnh, việc chuẩn bị bữa ăn tối cho đoàn gặp khó khăn khi củi kiếm được ướt nhẹp, nhưng với kinh nghiệm dày dạn, các porter vẫn hoàn thành một bữa thịnh soạn với cơm trắng, thịt gà rang, trứng gà luộc, canh rau cải.

Nhiệm vụ hậu cần cho đoàn leo núi cũng thuộc về các porter.

Nhiệm vụ hậu cần cho đoàn leo núi cũng thuộc về các porter.

Sau bữa tối, màn đêm ập xuống rất nhanh ở xứ “xa đất gần trời”, mọi người lục tục tìm chỗ ngủ để hồi sức cho ngày hôm sau chinh phục đỉnh Phan. Nhường chỗ cho đoàn, các porter tỏa ra xung quanh kiếm củi sưởi ấm cả đêm, họ sẽ ngủ quanh bếp dưới “màn trời” và chiếu là đám lá trúc tươi. Tôi lân la trò chuyện cùng anh Chơ và cánh porter. Bình thường thấy họ ít trò chuyện với khách nhưng khi gặp thiện chí, họ quả là những người thân thiện, vui vẻ và dễ hòa đồng. Qua trò chuyện tôi được biết, họ là người địa phương tại các xã Lao Chải (phường Cầy Mây hiện nay), Sa Pả (phường Hàm Rồng hiện nay), San Sả Hồ (phường Ô Quý Hồ hiện nay).Trong câu chuyện, họ ví dường như mình “sinh ra là để đi rừng, leo núi”. Hồi đó, chinh phục đỉnh Phan khó khăn lắm nhưng với các porter dù tuổi đời còn trẻ vẫn có năm ba chục bận lên đỉnh, người nhiều là hàng trăm lần leo núi. Câu chuyện về những nỗi gian truân, vất vả, những nguy hiểm, tử sinh với nghề leo núi giữa chúng tôi cứ thưa dần theo sự rã rời và dừng hẳn tới khi các porter ngả lưng và dần chìm vào giấc ngủ bên bếp lửa tý tách. Anh Chơ phân công cho mấy thanh niên cánh porter thay phiên nhau tiếp củi bếp lửa để truyền hơi ấm cho cả đội hình.

“Bởi cái chân nó vẫn muốn đi…”

Gặp lại anh Hạng A Chơ hết sức tình cờ, tôi có một chuyến công tác tới Sa Pa, còn anh tới Trung tâm Giáo dục môi trường và Dịch vụ môi trường thuộc Vườn Quốc gia Hoàng Liên để ký hợp đồng tua leo núi cho đoàn khách châu Âu. Từ chiếc xe du lịch sang trọng, anh bước xuống, quần jin, áo phông, đồng hồ vàng chóe, đeo giày thể thao, đầu ngẩng cao, bước đi vững chắc đúng dáng dấp của người leo núi chuyên nghiệp. Tôi nhắc lại kỷ niệm về chuyến đi cách đây 17 năm, thực tình anh chỉ mang máng về cuộc thi, bởi suốt những năm qua, đã có mấy trăm cuộc chinh phục đỉnh Phan. Việc anh leo lên đỉnh cao cũng bình thường như công việc ai đó đến chỗ làm việc hằng ngày vậy, bàn tay của anh chỉ đặt lên mỏm đá cao nhất Đông Dương cũng đã đủ chai sạn rồi.

Nghề porter rất vất vả nhưng nhiều người vẫn chọn để mưu sinh.

Nghề porter rất vất vả nhưng nhiều người vẫn chọn để mưu sinh.

Trong câu chuyện với phóng viên, anh Chơ chỉ kể về lần đi tìm thi thể của một nữ sinh viên khách Âu bị ngã xuống vực. Anh bảo, trong đoàn khách đi hôm đó có anh là porter chính, khi lên đến độ cao khoảng 2.600 m, cô sinh viên này quá mệt và nản vì hành trình nên muốn quay về. Không ai đồng thuận, cô sinh viên phải quay về một mình, giữa chừng thì sảy chân ngã xuống vực. Nhiều lực lượng cất công tìm kiếm trong một thời gian dài không thành. Tại cuộc họp của ban tổ chức, các porter dày dạn kinh nghiệm như anh Chơ nhận định nạn nhân có thể đã bị ngã ở độ cao 2.500 m trên chặng đường từ hướng Cát Cát. Bởi, chỉ đoạn đường đó là cheo leo, nguy hiểm nhất và sau đó người ta đã tìm thấy thi thể cô gái trẻ dưới vực sâu lởm chởm đá tai mèo đúng tại điểm các porter dự đoán. Gần đây, việc tìm kiếm một thanh niên leo núi chuyên nghiệp người nước ngoài bị mất tích khi khám phá rừng Hoàng Liên cũng có sự tham gia tích cực của các porter chuyên nghiệp tại địa phương, trong đó có anh Chơ.

Anh Má A Chơ hiện đã làm ông chủ một cơ sở chuyên tổ chức các tour leo núi. Cơ sở khá đông khách, bận rộn việc điều hành, ma-két-tinh nhưng anh Chơ bảo vẫn trực tiếp tham gia làm porter cho nhiều chuyến leo Phan. Anh bảo: Mình không còn khỏe như hồi trước nhưng cái chân quen rồi, nó vẫn muốn đi nên tháng nào mình cũng có vài cuộc lên đỉnh!

Cơ sở du lịch của anh Chơ sử dụng chủ yếu những porter trong gia đình, 5 đứa con của anh là Má A Páo, Má A Chà, Má A Bình, Má A Giáo và Má Thị Si nay đã lập gia đình, tất thảy 10 người con dâu, rể, trai, gái đều là những porter chuyên nghiệp, thậm chí vợ anh, chị Sùng Thị Mái đã ngoài 40 tuổi nhưng có tuần vẫn 2 chuyến leo Phan là bình thường.

Đầu năm 2016, khi hệ thống cáp treo đưa du khách lên tham quan đỉnh Fansipan hoàn thành và đưa vào khai thác khiến thâm hụt một lượng lớn du khách leo núi. Những tưởng phải bỏ nghề từ đây nên anh Chơ và các porter trong vùng hoang mang lắm. Nhưng rồi du khách cũng nhận ra rằng cáp treo không thể thay thế đôi chân, sự thú vị của tua leo núi không chỉ nằm ở việc chinh phục nóc nhà Đông Dương mà đó là một hành trình khám phá tuyệt vời và lượng khách đã dần trở lại. Theo số liệu của Trung tâm Giáo dục môi trường và Dịch vụ môi trường, năm 2019 có 8.124 khách tham gia tua leo Phan, trong đó du khách nước ngoài là 4.968 người, chiếm 61%, với mức thu trung bình 1,7 triệu đồng/du khách, doanh thu trực tiếp từ các hãng du lịch tour leo núi đạt khoảng 8,5 tỷ đồng.

Porter từ lâu đã trở thành nghề mưu sinh của hàng trăm người dân địa phương vùng đất du lịch Sa Pa. Giờ đây, các porter không chỉ có sức khỏe, kinh nghiệm leo núi, luồn rừng, mà họ còn giỏi giao tiếp, thông thạo ngoại ngữ và giỏi làm dịch vụ như anh Má A Chơ.

Cao Cường

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/phong-su/boi-cai-chan-van-muon-di-z62n20200403170259138.htm