Bối cảnh tại TP.HCM trong phim về Trịnh Công Sơn
Nhiều bối cảnh phải phục dựng hoặc sử dụng kỹ xảo nhưng vẫn là những địa điểm xứng đáng để tham quan tại TP.HCM.
Không chỉ ở Đà Lạt hay Huế, cuộc đời của nhạc sĩ họ Trịnh còn gắn bó với TP.HCM từ khi ông theo học tại đây.
Saigon Hotel
Trong một phân cảnh tái hiện lại bối cảnh năm 1989, khi Trịnh Công Sơn gặp nàng thơ Michiko - vợ hụt của ông - trên bến Bạch Đằng, nhiều người thắc mắc tòa nhà sau lưng các nhân vật đang ở đâu tại TP.HCM.
Đây là khách sạn nổi đầu tiên của thế giới, mang tên John Brewer Reef, thường được gọi là The Floater. Công trình này được thi công tại Singapore, hoạt động lần đầu ở Australia. Khách sạn 5 sao này có 7 tầng, chứa được khoảng 350 khách và có đầy đủ tiện nghi giải trí như một thành phố thu nhỏ.
Về đến TP.HCM vào đầu những năm 1990, khách sạn được đặt tên Saigon Hotel, là trung tâm hội nghị quan trọng, cũng là nơi thu hút giới siêu giàu đương thời. Thực tế, đến năm 1997, khách sạn này đã nhổ neo, rời khỏi Việt Nam. Hiện tại, khách sạn nổi lừng lẫy một thời đã gần như là một đống sắt vụn để không tại Triều Tiên sau hàng vạn dặm trên biển.
Khách sạn nổi không còn, thay vào đó là bến thuyền du lịch của thành phố tại số 1 Mê Linh. Tuy nhiên, ngắm cảnh sầm uất của thành phố chạy dọc theo bờ sông Sài Gòn vẫn là trải nghiệm khó bỏ qua khi du khách đến TPHCM.
Để thấy được tầm vóc của TP.HCM, nên nhìn từ phía quận 2 sang trung tâm thành phố, vì không gian sẽ thoáng đãng, không bị che khuất nhiều. Bạn sẽ thấy được những tòa nhà chọc trời, những chiếc tàu to lớn trên sông và cảm nhận được nhịp sống nơi đây một cách chân thực nhất cả trên bờ, dưới nước và trên bầu trời.
Hẻm Trịnh
Trong phim, khán giả có thể thấy rất nhiều nét đẹp văn hóa vỉa hè, cũng như văn hóa hẻm tại TP.HCM được khéo léo lồng ghép. Ngôi nhà Trịnh Công Sơn ở TP.HCM là địa điểm có thật tại một con hẻm trên đường Phạm Ngọc Thạch.
Nhiều người sẽ tò mò săn tìm những con hẻm xuất hiện trong phim. Sự thật, bạn không cần phải có bất kỳ một địa chỉ cụ thể nào để có thể khám phá văn hóa hẻm ở thành phố này.
Hầu như đi trên đoạn đường lớn nào ở TP.HCM như Lê Duẩn, Cách Mạng Tháng 8, Nam Kỳ Khởi Nghĩa hay Hai Bà Trưng,… bạn cũng đều có thể dễ dàng bắt gặp những con hẻm có phong cách tương tự. Vì thế, hẻm đã đi sâu vào trong tiềm thức người dân ở đây.
Ở Hà Nội, những khu ngõ thường sẽ hơi chật hẹp, thiếu ánh sáng. Nhưng ở TPHCM, văn hóa từ hẻm nhỏ đã tạo nên những đặc trưng nổi bật. Đặc biệt là đồ ăn, thức uống và rất nhiều không gian văn hóa, tâm linh khác nhau.
Giống như những khu cư xá cũ ở Hà Nội, nhiều con hẻm ở TPHCM vẫn còn giữ được những lối kiến trúc xưa, những ngôi nhà được trang trí, bày biện và sắp xếp bên ngoài gọn gàng, ngăn nắp. Đây là không gian để có được những bộ ảnh hoài cổ nhưng cũng không kém phần ấn tượng.
Quán Văn
Quán Văn là nơi giới văn nghệ sĩ Sài Gòn cũng như cả nước tề tựu và được kết nối với những tâm hồn yêu nhạc vào những năm 1967.
Trong phim, địa điểm này cũng đã được phục dựng. Ngoài đời, địa chỉ này đã trở thành Thư viện Tổng hợp TP.HCM.
Những người đam mê trải nghiệm du lịch văn hóa dễ bị thu hút bởi không gian Thư viện Tổng hợp TP.HCM. Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thiện và Bùi Quang Hanh đã thiết kế thư viện như một nhà sàn nằm trên mặt hồ, thích nghi tốt với điều kiện khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều.
Đây được coi là công trình mang đậm dấu ấn của nền kiến trúc Việt Nam.
Quán Văn của hiện tại nằm ngay giữa 4 con đường lớn là Lý Tự Trọng, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Lê Thánh Tôn, Nguyễn Trung Trực. Du khách có thể dễ dàng di chuyển và tham quan những địa điểm nổi tiếng khác xung quanh.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/boi-canh-tai-tphcm-trong-phim-ve-trinh-cong-son-post1326982.html