Bồi đắp giá trị văn hóa làm nền tảng vững chắc để phát triển
Phát triển văn hóa là một trong những vấn đề trọng tâm, một nội dung nổi bật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Có thể nói, đây là lần đầu trong văn kiện, Đảng ta đề cập một cách toàn diện và sâu sắc đến lĩnh vực văn hóa, từ chủ đề Đại hội đến các quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược.
Theo đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc là xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia-dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại.
Quán triệt quan điểm của Đảng, kết hợp thực hiện Chỉ thị số 30 ngày 19/2/2024 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”; kế hoạch của Quận ủy Ba Đình thực hiện Chỉ thị số 30, Đảng ủy phường Vĩnh Phúc đã tổ chức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và hành động cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, người Ba Đình nghiêm túc, nghĩa tình. Nhiều nội dung cụ thể, thiết thực được triển khai gắn với thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đô thị văn minh.
Bí thư Đảng ủy phường Vĩnh Phúc (quận Ba Đình, TP Hà Nội) Phạm Thị Thu Hường cho biết, nhiều gia đình sinh sống nhiều đời ở phường Vĩnh Phúc tự hào về vùng đất thuộc 13 làng trại cổ, hay còn gọi là Thập tam trại - tên gọi chung của quần thể các làng nghề ở phía tây Kinh thành Thăng Long xưa. Nơi đây lưu giữ tinh hoa làng nghề, với nhiều phong tục, tập quán cổ truyền được chắt lọc qua nghìn năm văn hiến.
Người già ở đây luôn trân trọng vốn xưa, vẫn coi nhau như người làng trong các sinh hoạt mang tính cộng đồng. Khơi dậy giá trị văn hóa cổ, trao truyền cho thế hệ mai sau là việc được các cấp ủy, chính quyền đặc biệt quan tâm. Đảng ủy phường Vĩnh Phúc xác định, đây là quá trình lâu dài, đòi hỏi phải kiên trì, bền bỉ, tiến hành thường xuyên.
Trong đó, xây dựng, bồi đắp giá trị gia đình, lấy gia đình làm nền tảng để khôi phục, kế thừa, phát huy những giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống của Thăng Long-Hà Nội, đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, góp phần hình thành nhân cách thế hệ trẻ Thủ đô. Ở đó, các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp được nuôi dưỡng, phát huy.
Trong gia đình, người trẻ được giáo dục lễ phép, lịch sự, hòa thuận, kính trên nhường dưới, trọng tình nghĩa, đạo lý. Tại hai làng cổ, nét văn hóa đẹp trong quan hệ dòng tộc vẫn được lưu truyền; trưởng họ vẫn là người có uy tín, tiếng nói và có sức ảnh hưởng đối với người trong họ.
Trong nhà trường, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, thật sự trở thành cái nôi nuôi dưỡng, bồi đắp nhân cách, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ, hướng tới hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới.
Nhà trường đề cao giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh; kiên quyết ngăn chặn bạo lực và các tệ nạn học đường; nâng cao chất lượng giáo dục lịch sử, văn hóa truyền thống, nếp sống thanh lịch, văn minh trong học sinh, sinh viên. Môn Hà Nội học được đưa vào giảng dạy trong hệ thống các trường học, góp phần hoàn thiện các tiêu chí “Trường học hạnh phúc”.
Để lan tỏa những giá trị tốt đẹp, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong hệ thống chính trị của phường đều phấn đấu nêu gương thực hành văn hóa lãnh đạo, quản lý, văn hóa liêm chính, chuẩn mực trong ứng xử, phát ngôn, giao tiếp tại công sở, gia đình, nơi cư trú và nơi công cộng; từ đó, truyền cảm hứng, cổ vũ đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân.
Cấp ủy, chính quyền phường khuyến khích phong trào nghiên cứu, đề xuất, thực hành các sáng kiến, giải pháp tạo lập môi trường văn hóa lành mạnh, nhân văn, sáng tạo; xây dựng, phát huy hiệu quả “văn hóa trên môi trường số”, khai thác tốt các giá trị truyền thống hướng tới mục tiêu xây dựng công dân số, công dân toàn cầu, tạo điều kiện hỗ trợ người dân tương tác, thực hiện nếp sống thanh lịch, văn minh.
Theo đồng chí Phạm Thị Thu Hường, để xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, mỗi công dân phường Vĩnh Phúc hướng tới trở thành những “đại sứ thân thiện” trong mắt du khách và các nhà đầu tư, từ trong sinh hoạt hằng ngày đến hoạt động kinh doanh đầu tư, thương mại, dịch vụ,... với ứng xử tinh tế, thân thiện, luôn đề cao lòng tự trọng, gìn giữ và lan tỏa chữ “tín” với các đối tác trong và ngoài nước; kiên trì xây dựng người Ba Đình, người Hà Nội cao về trí tuệ, đẹp về nhân cách, xứng đáng là công dân Thủ đô.
Khi yếu tố văn hóa được thẩm thấu, thấm sâu sẽ khơi dậy tinh thần yêu nước, yêu Hà Nội, thúc đẩy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng xây dựng Thủ đô phát triển nhanh, bền vững, đúng nghĩa là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”.