Bồi đắp tình yêu quê hương
Bên cạnh những kiến thức văn hóa tiếp thu từ sách vở, việc giúp các em học sinh tự học, tự tìm hiểu thực tế bằng sự trải nghiệm là phương pháp tích cực được Đoàn Thanh niên, trường học đang phát huy. Tự khám phá và cảm nhận, các em học sinh sẽ hiểu biết thêm về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế - xã hội… gắn kiến thức đã học với thực tiễn, bồi đắp tình yêu quê hương đất nước nói chung và địa phương, cộng đồng nơi các em sinh sống nói riêng.
Cuộc thi “Thiếu nhi Việt Nam - Vươn ra thế giới” vừa được phát động dành cho các em thiếu nhi trong độ tuổi từ 6-15, do Bộ Giáo dục và Đào tạo ohối hợp các cơ quan liên quan tổ chức. Thí sinh dự thi theo hình thức cá nhân hoặc nhóm không quá 3 thành viên. Bài dự thi là 1 clip bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh (với phụ đề tiếng Việt), xoay quanh những nét văn hóa đặc sắc của địa phương nơi thí sinh sinh sống và theo từng chủ đề về ẩm thực, trang phục, lễ hội, di tích lịch sử, danh nhân...
Trong cuộc thi này, tỉnh An Giang có 2 sản phẩm của Liên đội Trường THCS Phú Thọ (bài dự thi “Làng nghề cà ràng Phú Thọ”) và Liên đội Trường THCS Long Hòa (bài dự thi “Lễ hội miếu Bà Chúa Xứ”) cùng ở huyện Phú Tân xuất sắc lọt vào vòng 2, tiếp tục tranh tài với các sản phẩm dự thi của thiếu nhi các nước trong khối ASEAN.
Học sinh tham quan trải nghiệm và thực hành ở cơ sở chế biến trà
Sinh ra và lớn lên ở địa phương có nghề thủ công làm cà ràng (lò đất), 2 em Nguyễn Thị Cẩm Tiên và Đặng Thị Trúc Quỳnh tại Trường THCS Phú Thọ đã có ý tưởng giới thiệu về truyền thống quê mình. Đoàn Thanh niên xã, Hội đồng Đội trường giúp các em trau chuốt kịch bản, quay clip, dựng hoàn chỉnh để tham gia dự thi, tôn vinh những chiếc lò một thời mang lại bếp lửa ấm thân thương cho bao thế hệ gia đình. Chị Nguyễn Thị Bích Hạnh (người trực tiếp hướng dẫn các em thực hiện bài dự thi) nhận xét, với thời lượng 5 phút và lần đầu làm quen với dựng phim, kết quả được vào vòng 2 là hoàn toàn xứng đáng.
Còn Cẩm Tiên và Trúc Quỳnh cho biết, dù đã biết nghề làm cà ràng từ lâu, nhưng qua cuộc thi này mới hiểu hết về cách làm, những công đoạn khó, bàn tay khéo léo của người thợ góp phần “giữ hồn” cho làng nghề truyền thống, các em càng thêm tự hào về quê hương.
Những chiếc lò đất mộc mạc qua lời giới thiệu của 2 cô học trò toát lên tình cảm chất phác: “Trải qua mấy mươi năm, làng nghề lò đất cà ràng Phú Thọ vẫn lặng lẽ làm nhiệm vụ giữ lửa cho cù lao Phú Tân, dẫu rằng ngày nay khi công nghệ càng phát triển, làng nghề càng gặp nhiều khó khăn, mai một, nhưng vẫn còn bộ phận thợ làm lò giữ nghề, trân trọng nét riêng của người dân bản xứ”.
Cẩm Tiên và Trúc Quỳnh đến làng nghề cà ràng tìm hiểu để thực hiện bài dự thi
Khám phá làng nghề hay trải nghiệm tìm hiểu nghề nghiệp địa phương là hoạt động thu hút học sinh hào hứng tham gia, được Huyện đoàn Phú Tân thực hiện, duy trì 3 năm nay bên cạnh các chương trình trải nghiệm làm công nhân, làm chiến sĩ. Ưu tiên cho những đội viên có thành tích nổi bật trong học tập và phong trào, Đoàn Thanh niên tổ chức cho các em đến tận cơ sở, từ việc giới thiệu những làng nghề truyền thống trong và ngoài huyện như: làng rèn, bó chổi, vẽ tranh kiếng…
Đoàn Thanh niên đưa các em về gần hơn với cuộc sống địa phương, khám phá các ngành nghề nông nghiệp đang phát triển, như: trồng dâu tằm, sản xuất trà. Sau phần giới thiệu cơ bản, các em được tham gia thực hành một số công đoạn làm nên sản phẩm, thưởng thức sản phẩm tại chỗ. Ngoài ra, ở mỗi nơi đến, các em còn tìm hiểu thêm về đặc trưng sinh hoạt, văn hóa, lịch sử… kết hợp các hoạt động theo nhóm, đội, thực nghiệm các bài tập để trắc nghiệm kiến thức của mình.
Không chỉ đơn thuần là việc thâm nhập thực tế, hay một cách học thư giãn sau thời gian trên lớp, chương trình còn giúp các em hoàn thiện thêm kỹ năng sống, ý thức tập thể, tính tự lập, làm chủ cảm xúc qua hướng dẫn, giáo dục của các anh chị Đoàn Thanh niên, giáo viên Tổng phụ trách Đội. Trên hết, những trải nghiệm, sự cảm nhận đã giúp tình yêu quê hương trong các em dần lớn thêm qua mỗi cuộc thi, mỗi chuyến đi.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/boi-dap-tinh-yeu-que-huong-a274193.html