Bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước

Bù Đốp là huyện biên giới, vùng sâu, xa của tỉnh Bình Phước. Trong thời kỳ cách mạng, đây là mảnh đất tiền tiêu của miền Đông Nam Bộ, có vị trí trọng yếu trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc; là một trong những huyện đầu tiên của miền Nam được giải phóng; là điểm cuối đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại, là một trong những điểm nối liền giữa hậu phương và tiền tuyến. Ngày nay, Bù Đốp có vị trí chiến lược quan trọng trong khu vực phòng thủ của tỉnh và quân khu. Tình hình kinh tế, văn hóa - xã hội của huyện có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao.

Thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng và Kế hoạch số 99-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa X) về tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống; công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng luôn được Ban Thường vụ Huyện ủy Bù Đốp xác định là nhiệm vụ cấp thiết và lâu dài. Đồng thời có ý nghĩa quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, góp phần nâng cao giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng của địa phương, bồi dưỡng tinh thần yêu nước, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự nghiệp cách mạng trên địa bàn huyện.

Lãnh đạo huyện Lộc Ninh và nhân chứng lịch sử qua các thời kỳ dự hội thảo Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Thiện Hưng anh hùng lần thứ nhất

Lãnh đạo huyện Lộc Ninh và nhân chứng lịch sử qua các thời kỳ dự hội thảo Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Thiện Hưng anh hùng lần thứ nhất

Qua 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW (từ 2018-2023), Bù Đốp đã đạt nhiều kết quả tích cực như biên soạn 5 công trình: Lịch sử đấu tranh và xây dựng của Đảng bộ, quân và dân huyện Bù Đốp giai đoạn 1930-2020; tài liệu giảng dạy lịch sử địa phương trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện; Lịch sử Đảng bộ, quân và dân xã Thiện Hưng anh hùng; Lịch sử lực lượng vũ trang huyện Bù Đốp (1945-2015); Lịch sử Công an huyện. Năm 2020 hoàn thành công trình “Nhà bia tưởng niệm các nạn nhân bị chế độ diệt chủng Pôn Pốt - Iêng Xari sát hại trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc”, được công nhận di tích cấp quốc gia. Nhìn chung, các công trình biên soạn lịch sử đảng bộ trên địa bàn huyện đều đảm bảo tính Đảng, khoa học, tính giáo dục, phản ánh trung thực các sự kiện lịch sử. Những kết quả này là cơ sở, điều kiện thuận lợi đối với công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử truyền thống giai đoạn tiếp theo và phục vụ tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng bộ địa phương trên địa bàn huyện.

Ngoài ra, huyện còn tổ chức 9 lớp bồi dưỡng, nghiên cứu, tìm hiểu khái quát về lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, chuyên đề lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Phước, lịch sử Đảng bộ huyện Bù Đốp, khái lược lịch sử vùng đất Nam Bộ cho 310 lượt học viên. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Tổ chức cuộc thi tìm hiểu Lịch sử Đảng bộ, quân và dân huyện Bù Đốp; lồng ghép các chương trình biểu diễn văn nghệ, các buổi họp mặt tổ chức cho cán bộ, đảng viên, học sinh, đoàn viên thanh niên và nhân dân thi tìm hiểu về Đảng, Bác Hồ và lịch sử truyền thống địa phương, của ngành…

Các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang trên địa bàn huyện tăng cường công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng bộ huyện, lịch sử truyền thống cách mạng đến các đoàn viên, hội viên và nhân dân. Qua đó, phát huy truyền thống yêu nước, ý chí vươn lên của cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn. Công tác khai thác, sưu tầm, thu thập các tư liệu lịch sử luôn được chú trọng, đảm bảo cung cấp, phục vụ quá trình nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống, nhất là tư liệu qua các nhân chứng lịch sử còn sống.

Công tác trùng tu, tôn tạo và phát huy các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn huyện được chú trọng. Huyện Bù Đốp có Nhà bia tưởng niệm các nạn nhân bị sát hại trong chiến tranh biên giới Tây Nam là di tích lịch sử cấp quốc gia; Khu di tích Ban An ninh Sở nhỏ là di tích lịch sử cấp tỉnh; di tích lịch sử Cột mốc điểm cuối đường mòn Hồ Chí Minh và Đồi chi khu (trung tâm đầu não của quận Bố Đức, thời Mỹ - ngụy); sân bay quân sự (thời chống Mỹ)...

Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW, công tác giáo dục, tuyên truyền về lịch sử Đảng, lịch sử địa phương của Đảng bộ huyện Bù Đốp đã đạt kết quả quan trọng. Qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm, phát huy truyền thống yêu nước, cách mạng trong cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Minh An

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/142993/boi-dap-tinh-yeu-que-huong-dat-nuoc